Chuột khổng lồ châu Phi dễ thương hay không là vấn đề còn đang tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận khứu giác đặc biệt của chúng.
Khoa học - công nghệ

Chuột khổng lồ châu Phi giúp xử lý nạn buôn bán động vật hoang dã

Cẩm Bình 01/11/2024 12:05

Chuột khổng lồ châu Phi dễ thương hay không là vấn đề còn đang tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận khứu giác đặc biệt của chúng.

Tổ chức phi lợi nhuận APOPO tại Tanzania đã chứng minh được loài chuột này sở hữu khả năng phát hiện bom mìn, bệnh lao hay thậm chí người sống sót dưới đống đổ nát ở vùng hứng chịu thiên tai. Giờ đây họ muốn nhờ chúng giúp xử lý nạn buôn bán động vật hoang dã.

2024-11-01-110437.png

Ước tính có giá trị lên tới 23 tỉ USD mỗi năm, buôn bán động vật hoang dã là hoạt động làm ăn phi pháp lớn thứ 4 thế giới, sau hàng giả, ma túy và con người. Theo Phó chủ tịch Văn phòng Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Mỹ Crawford Allan: “Động vật hoang dã được xem như mặt hàng rủi ro thấp. Tội phạm có tổ chức biết rằng các phương pháp phát hiện tại cảng biển lẫn sân bay tồn tại điểm yếu, đặc biệt là ở châu Phi”.

Chúng ngụy trang hàng cấm bằng rất nhiều cách, chẳng hạn ngà voi có thể bị nhuộm màu để trông như gỗ giấu trong lô hàng cây trồng hay thậm chí bị cắt nhỏ, phủ sô cô la rồi gói trong bao bì. Tất cả đều nhằm vượt qua kiểm tra bằng mắt thường và tia X.

Đây là lĩnh vực mà chuột khổng lồ châu Phi có “đất dụng võ”. Theo nghiên cứu của APOPO, chuột qua huấn luyện có thể đánh hơi ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, gỗ mun.

2024-11-01-110503.png

Tiến sĩ chuyên nghiên cứu hành vi Izzy Szott (người dẫn đầu nghiên cứu) cho biết chuột sẽ là biện pháp bổ sung bên cạnh chó nghiệp vụ. Chuột nhỏ và nhanh nhẹn nên dễ dàng chui rúc vào container tìm hàng cấm.

Cũng nhờ kích thước nhỏ nên chuột dễ nuôi và dễ vận chuyển hơn, ngoài ra chúng còn rất vui vẻ làm việc với nhiều “đồng đội” con người khác nhau. Tiến sĩ Szott nhấn mạnh giải pháp rẻ và bền vững hơn phù hợp với châu Phi, cải thiện năng lực phát hiện làm tăng rủi ro với hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đẩy giá bán lên cao qua đó làm giảm nhu cầu.

Một thành viên khác của nhóm nghiên cứu APOPO là Phó giáo sư tâm thần học Kate Webb (Đại học Duke) chỉ ra một lợi thế khác khi sử dụng chuột khổng lồ châu Phi: thời gian huấn luyện ngắn.

Triển khai thực nghiệm ở cảng Dar es Salaam, nơi xử lý 95% lượng hàng hóa giao thương của Tanzania, APOPO ghi nhận chuột tìm ra hơn 83% mục tiêu mặc dù mặt hàng được che giấu bằng biện pháp giấu mùi thông dụng. Chuột khi phát hiện mục tiêu sẽ dùng chi trước bấu vào quả bóng nhỏ trên áo kích hoạt âm thanh báo hiệu.

Chuột khổng lồ châu Phi có tuổi thọ trung bình khoảng 8 năm, thường mất 1 năm huấn luyện. Chương trình huấn luyện kéo dài từ thứ hai đến thứ sáu, xen kẽ thời gian vui chơi trong chuồng ngoài trời. Trí khôn cùng tính tò mò khiến chúng học hỏi rất nhanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuột khổng lồ châu Phi giúp xử lý nạn buôn bán động vật hoang dã