Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước liên quan đến dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Kiến nghị tiếp tục khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê

18/12/2018, 17:00

Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước liên quan đến dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) - Ảnh: Internet

Trong văn bản kiến nghị, Hội này cho rằng công tác thăm dò, khảo sát và nghiên cứu điều kiện địa chất khu mỏ đã được thực hiện từ năm 1960 thế kỷ trước đến nay bởi nhiều tổ chức trong và ngoài nước (Liên Xô - Nga, Đức, Úc, Nhật Bản. . .) với nhiều công trình nghiên cứu khác nhau.

Phản bác ý kiến các Bộ, ngành...

Kết quả nghiên cứu địa chất qua nhiều thời kỳ cho phép khẳng định: các tài liệu về trữ lượng mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình là tương đối đây đủ, đảm bảo độ tin cậy đế tiến hành nghiên cứu, thiết kế và khai thác mỏ đến độ sâu -550 m.

Bên cạnh đó, Thạch Khê là mỏ có trữ lượng lớn, nằm trong khu vực có địa hình bằng phẳng, đất đai khô cằn, thưa dân cư, điều kiện giao thông thuận tiện… Điều kiện địa chất mỏ phù hợp với việc khai thác băng phương pháp lộ thiên - là phương pháp mà ngành khai thác mỏ trong nước có nhiều kinh nghiệm và đạt trình độ thế giới.

Dự án cũng phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 theo Quyết định sô 2185/QĐ-TTg ngày 5.12.2014.

Hội này đồng ý với ý kiến của Bộ Công Thương rằng dự án đầy đủ thủ tục pháp lý như quy định, khả thi về các giải pháp công nghệ khai thác, giải pháp đảm bảo môi trường, sa mạc hóa, cát bay, nước biển dâng…Bộ Công Thương cho rằng việc vận chuyển quặng sắt bằng đường bộ không ảnh hưởng tới môi trường, công trình giao thông; dự án có thị trường tiêu thụ trong nước, đảm bảo tính kinh tế, đồng thời không tổn thất tài nguyên vì trữ lượng huy động vào thiết kế là 375,1/544,08 triệu tấn.

Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ cũng cho rằng ý kiến của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không xác đáng. Bởi vì Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để tái khởi động dự án. Hiệu quả kinh tế thấp và có nguy cơ thua lỗ nặng nề; hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao; các giải pháp bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện và có nguy cơ ô nhiễm môi trường; dự án ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông đường bộ.

Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ cũng thống nhất ý kiến của Bộ TN-MT đối với nhận định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt năm 2013 về cơ bản đã nhận diện và đưa ra đầy đủ các giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng môi trường. Việc đánh giá bổ sung một số hạng mục bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện mới là cần thiết khi tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên, Hội không đồng tình việc cần phải lập lại ĐTM và các báo cáo liên quan do dự án tạm dừng quá 24 tháng. Hội cho rằng chỉ cập nhật, đánh giá bổ sung các vấn đề theo yêu cầu của Bộ TN-MT như các vấn đề rủi ro, sự cố môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu, bổ sung các hạng mục bảo vệ môi trường theo quy định mới của pháp luật.

“Việc cập nhật, bổ sung không đồng nghĩa với việc phải dừng dự án và phải làm lại từ đầu mà theo tinh thần là những nội dung đã được phê duyệt mà không trái với quy định mới thì cần phải được kế thừa, chuyển tiếp”, văn bản nêu.

Liên quan đến ý kiến của Bộ KH-ĐT, Hội này cho rằng "các nghi ngại của Bộ KH-ĐT đưa ra chủ yếu dựa theo những lo ngại của tỉnh Hà Tĩnh, thiếu căn cứ và không phù hợp với thực tế của dự án". Các vấn đề mà Bộ đưa ra đều đã được xem xét, phân tích, đánh giá trong hồ sơ dự án.

Đảm bảo môi trường, kinh tế?

Trước đó, Bộ KH-ĐT đánh giá năng lực tài chính của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ. Sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỉ đồng), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án; không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.

Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt với khối lượng giai đoạn 2017 - 2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022 - 2027 chưa có cam kết cụ thể.

Trong khi đó, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê, cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.

Bộ KH-ĐT cũng cho biết còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án, đồng thời dự án cũng không được sự đồng thuận của địa phương về tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội… Bộ KH-ĐT nhìn nhận, nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư gần 1.600 tỉ đồng mà chủ đầu tư đã bỏ ra sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, lãng phí cơ sở vật chất.

Hội này cũng cho rằng những ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh là không đúng với thực tế; ý kiến về năng lực tài chính của chủ đầu tư thiếu cơ sở. Đặc biệt, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị dừng dự án là trái với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần 8, trong đó xác định đưa mỏ sắt Thạch Khê vào hoạt động với công suất 5 triệu tấn/năm.

Theo Hội này, việc dừng dự án sẽ làm mất khoảng 1.800 tỉ đã đầu tư, trong đó có 1.600 tỉ của Nhà nước, tác động rất lớn đến an sinh xã hội trên địa bàn vì dự án đã giải phóng mặt bằng hàng trăm hộ dân, hàng nghìn ngôi mộ…

Còn nhiều băn khoăn

Dự án mỏ sắt Thạch Khê từng bị nhiều cơ quan phản đối vì lo ngại tính khả thi, ô nhiễm môi trường. Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết, nơi khai thác quặng là vùng đồi cát, giao nhau giữa bờ biển với dãy núi cao đang bò dần về hướng biển.

Trong khu vực đã từng xảy ra động đất (6,1 độ richter), dấu vết của sóng thần (những cồn cát tự nhiên còn lại từ xa xưa). Khu vực này dễ tổn thương bởi tác động của biển như hải lưu, sóng, nước dâng do sóng, là vùng hứng chịu bão, áp thấp nhiệt đới thường xuyên.

Ông Hồng cũng băn khoăn rằng liệu có sự thông nhau về thủy lực dưới đáy mỏ và biển hiện nay không, vì khi có sóng thần tiến gần ven biển, đáy mỏ sẽ biến thành vòi phun nước khổng lồ. Cùng với đó là xem xét có đứt gãy nào đang hoạt động không? Vì khi hình thành hồ chứa sẽ có động đất kích thích, sạt lở bờ hồ.

Theo ông Hồng, đặc điểm địa chất, thủy văn của vùng này cũng có nhiều bất lợi cho việc thi công. Đó là tiêu nước hố móng thi công khi mái là cát xen kẹp sét dễ gây sạt trượt vì yêu cầu thoát nước của 2 lớp này khác nhau: cát cần thoát nước nhanh để tăng hệ số ma sát, ngược lại sét lại yêu cầu thoát nước chậm để tránh gây ra áp lực kẽ rỗng. Mạch nước ngầm thông với nước mặn, nước thải từ mỏ có nồng độ kim loại cao sẽ gây ô nhiễm nguồn nước sạch trong vùng.

Bên cạnh đó, công trình chứa đất đá thải được đổ lên bờ biển, sẽ phải hứng chịu những tác động từ phía biển: sóng do gió, dòng hải lưu và nước dâng do sóng. Dòng hải lưu sẽ đưa những chất thải bị sóng lôi đi, ảnh hưởng tới hàng trăm km bờ biển. Sự ô nhiễm bởi nồng độ kim loại sẽ xử lý như thế nào?

“Dòng thuỷ triều vào các lạch xung quanh thay đổi và mất dần. Môi trường sống cho các loài thuỷ sinh và con người bị thay đổi. Sự phát triển tự nhiên của bờ biển và dòng thuỷ triều bị can thiệp, điều kiện tự nhiên của cả vùng biến đổi”, ông Hồng nhấn mạnh.

Ông Hồng cho rằng “Di sản” của dự án để lại là một hồ chứa nước khổng lồ với chất lượng nước nhiều độc hại (nước mặn, nước có độ pH thấp, nước có nồng độ kim loại cao, dầu mỡ thi công, chất độc hại từ thuốc nổ…) tạo ra một hồ “chết”.

“Đây là hậu quả khôn lường cho nguồn nước sinh hoạt của con người, cho vật nuôi, cho cây trồng trong một vùng dân cư rộng lớn. Dung tích hồ chứa gần 3 triệu m3, với chiều sâu trên 500m. Nếu bị động đất, bờ hồ đổ sập sẽ gây sóng lớn, quét cả một vùng dân cư”, ông Hồng nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị tiếp tục khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê