Theo TS Võ Trí Thành, Nghị định 20/2017/NĐ - CP, Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách "chơi", cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được, lại tạo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ do Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 14.12, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân cho rằng những bất cập của Nghị định 20 ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Tuấn, đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỉ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Vậy, có nên chăng cần sửa đổi là đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nên có những quy định riêng?
Không nên áp dụng cho doanh nghiệp nội địa?
Cũng theo ông Tuấn, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi nghị định. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.
“Chúng tôi nghĩ việc dừng nghị định là khó, chúng tôi nghĩ cách tốt nhất mong các các hiệp hội có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018”, ông Tuấn nêu.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng Nghị định 20 là trái với quy định của luật. “Tôi cho rằng, nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa, hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách... cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp”, ông Phúc nói. Ông cũng cho rằng, trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam – VTCA cho rằng việc sửa nghị định là khả thi và trước mắt không áp dụng mức 20% đối với các doanh nghiệp chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, không có ưu đãi thuế, không có hiệp định liên kết.
“Chúng tôi cũng cố gắng nỗ lực để kiến nghị lên trên để vừa chống chuyển giá, vừa để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động”, bà Cúc nói.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, Luật Các Tổ chức tín dụng có quy định rõ ràng về cho vay có liên quan, có mức độ khống chế về tỷ lệ cho vay và đương nhiên là lãi suất được hạch toán một cách bình thường.
“Tôi thấy rằng, mục tiêu chuyển thu nhập thuế từ quốc gia có suất thu nhập thuế cao sang thấp. Còn trong nội địa Việt Nam thì thuế suất như nhau, tôi đề nghị Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam”, ông Nghĩa nói.
Bài học đắt giá cho Bộ Tài chính
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá đây là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ. Đây là bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn.
Về thông lệ quốc tế, ông Thành cho rằng cần phải hiểu đây là cái không bắt buộc, là cái khuyến khích. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào là tùy. Trong OECD, có nước áp dụng có nước không, và các nước áp dụng cũng là khác nhau.
“Tinh thần hội nhập là cố gắng áp dụng thông lệ quốc tế nhưng cơ bản là tính tự nguyện. Đây là câu chuyện của chính chúng ta”, ông Thành nói.
TS Thành cũng nhấn mạnh: “Nghị định này có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách "chơi", cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Nghị định đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên”, ông Thành nói.
Lam Thanh