Suốt bốn thập niên qua, nơi đây là địa chỉ “đỏ” cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Đó chính là khoa Ngữ văn của trường Đại học sư phạm TP.HCM. PV báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS – TS Nguyễn Thành Thi, Trưởng khoa và PGS - TS Đinh Phan Cẩm Vân - Phó Trưởng khoa Ngữ văn của trường Đại học sư phạm TP.HCM.
Trải qua 5 thế hệ
Thành lập từ 1976, đến nay qua 40 năm đội ngũ cán bộ, giảng viên khoa Ngữ văn đã không ngừng được xây dựng, phát triển, trưởng thành. Trong suốt 40 năm qua, xâu chuỗi lại có thể thấy những thầy cô giao ở đây đã đi qua 5 thế hệ từ thế hệ “tiếp quản”, “chi viện”, “trước đổi mới”, “trong và sau đổi mới” và hiện giờ là thế hệ “hội nhập”.. Từ tiền thân là Ban Việt – Hán đến nay khoa Ngữ văn đã hình thành nên các chuyên ngành Ngôn ngữ học, Lý luận văn học, Văn học nước ngoài, Hán Nôm, Lý luận và phương pháp giảng dạy với các chuyên gia được đào tạo từ nhiều nguồn: Nga, Bungari, Trung Quốc- Đài Loan, Nhật, Mỹ, Úc, Singapore và Việt Nam.
Phó chủ nhiệm khoa PGS – TS Đinh Phan Cẩm Vân (đứng thứ 5 từ trái qua)
Có một điều vinh hạnh là từ một đơn vị có rất ít giáo sư đầu ngành, sau hơn 40 năm xây dựng, đến nay khoa Ngữ văn đã quy tụ được những chuyên gia đầu ngành về khoa học Ngữ văn và Ngôn ngữ học trong cả nước. Trong đó có những vị giáo sư đầu ngành đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân như giáo sư Lê Trí Viễn và sau này chính giáo sư Lê Trí Viễn cũng đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và một loạt các thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú như thầy Trần Hoán, PGS.TS. Trần Hữu Tá, PGS. Trần Xuân Đề, PGS.TS. Nguyễn Thị Hai, PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị, PGS.TS Đoàn Thi Thu Vân, PGS.TS. Lê Thu Yến… Hay các GS.TSKH. Lê Ngọc Trà, GS.TS. Mai Quốc Liên được Chủ tịch nước tặng giải thưởng cấp Nhà nước.
PGS – TS Nguyễn Thành Thi, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn ĐHSP TP.HCM
Không những vậy, nơi đây còn là địa chỉ uy tín đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài. Nhiều sinh viên, học viên của Khoa đã trở thành nòng cốt tại các cơ sở giáo dục hoặc các cơ quan văn hóa, truyền thông ở phía Nam và của cả nước. Nhiều cán bộ, sinh viên từ ngôi nhà Khoa Văn đã trở thành lãnh đạo của ngành giáo dục, của UBND các tỉnh, thành. Đơn cử như: nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Tấn Phát, cố Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Vũ Hùng; bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐNDTP.HCM, các ông Hồ Việt Hiệp, Nguyễn Thanh Bình làm phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; cùng hàng chục cựu sinh viên trở thành giám đốc, phó giám đốc các Sở GD-ĐT các tỉnh thành. Ngoài ra nơi đây đã sản sinh ra nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị như những viên gạch đầu tiên cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là thành quả không phải đơn vị nào cũng có thể đạt được!
Đội ngũ tập thể giảng viên khoa Ngữ văn ĐHSP TP.HCM
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS – TS Nguyễn Thành Thi chia sẻ rằng: những năm qua, tập thể lãnh đạo khoa Ngữ văn đã điều hành theo nguyên tắc “biết lắng nghe” từ các sáng kiến mới, ý tưởng hay của chuyên gia và đồng nghiệp. Đồng thời phải đưa ra quyết định đúng đắn, dứt khoát, kịp thời. Tuy vậy theo PGS – TS Nguyễn Thành Thi: khó khăn lớn nhất mà ông và tập thể Ban chủ nhiệm khoa đang đối mặt đó là sự hụt hẫng về đội ngũ. “Những người thầy lớn, các giảng viên kỳ cựu lần lượt nghỉ hưu, số đông giảng viên trẻ hoặc sinh viên giỏi được giữ lại khoa để làm giảng viên đều đang trong thời gian “tập sự”. Vì thế họ phải tiếp tục được đào tạo và tự đào tạo, mới có thể đủ sức thay thế các thầy cô lớp trước.”, PGS – TS Thi nói.
8 định hướng chiến lược…
Bước vào giai đoạn mới, để hoàn thành nhiệm vụ của một Khoa trọng điểm, hướng đến thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông và đại học, khoa Ngữ văn sẽ xây dựng một chương trình hành động theo 8 định hướng với các điểm nhấn: Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, tạo điều kiện nâng cao năng lực giao tiếp nghề nghiệp bằng ngoại ngữ; Ứng dụng CNTT của giảng viên và sinh viên; Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực; Từng bước chuẩn bị cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Chủ nhiệm khoa Nguyễn Thành Thi: Thời gian tới sẽ có rất nhiều việc phải làm mà trong đó, việc lớn nhất là chuẩn bị và tập trung nguồn lực vào đổi mới nội dung phương thức đào tạo của khoa trong bối cảnh “đổi mới căn bản toàn diện” giáo dục đại học cũng như giáo dục phổ thông.
Tường Anh
Lễ kỷ niệm 40 năm sẽ diễn ra vào ngày 10.11. PGS – TS Đinh Phan Cẩm Vân cho biết: “Chúng tôi ý thức rõ đây là công việc quan trọng, 40 năm không chỉ là cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa các thế hệ mà là một thời điểm có ý nghĩa để nhìn lại truyền thống 40 năm của một Khoa lớn trong một trường Đại học trọng điểm của phía Nam. Chúng tôi phải có trách nhiệm làm sáng lên những truyền thống tốt đẹp của ngành Sư phạm Văn khoa; gắn kết tình cảm, sức mạnh, lòng yêu nghề của những người đã lựa chọn con đường không ít gian nan này...”.
Điều mà PGS – TS Cẩm Vân mong muốn nhất ở lễ hội, đó là các thế hệ giảng viên, sinh viên Ngữ văn tiếp thêm sức mạnh cho nhau, giữ ngọn lửa yêu nghề, yêu người hơn. Nhân dịp này Khoa đã hoàn thành hai tạp chí Khoa học: Nghiên cứu văn học, số tháng 9.2016 và Tạp chí Ngôn ngữ, số tháng 10.2016, gồm các bài nghiên cứu của các giảng viên trong Khoa.