Tên sách này là Danh nhân Việt Nam, nhưng bài viết lại có sự đánh tráo khái niệm, hoặc nhầm lẫn, thiếu hiểu biết, khi chuyển “danh nhân” thành “doanh nhân”. Ví dụ như ngay đoạn đầu tiên viết “Viết về doanh nhân Nguyễn Biểu, trang 8 có đoạn viết”, hoặc đoạn sau “Viết về doanh nhân Đoàn Thị Điểm”

Nguyễn Biểu, Đoàn Thị Điểm là 'danh nhân' hay 'doanh nhân'?

04/11/2016, 15:16

Tên sách này là Danh nhân Việt Nam, nhưng bài viết lại có sự đánh tráo khái niệm, hoặc nhầm lẫn, thiếu hiểu biết, khi chuyển “danh nhân” thành “doanh nhân”. Ví dụ như ngay đoạn đầu tiên viết “Viết về doanh nhân Nguyễn Biểu, trang 8 có đoạn viết”, hoặc đoạn sau “Viết về doanh nhân Đoàn Thị Điểm”

Có một chuyện khá lạ khi tôi đọc tờ Tri thức và thời đại số 51, phát hành tháng 9.2016. Lật nhanh mấy trang tạp chí, mắt tôi dừng lại ở mục “Nhặt sạn” của tạp chí này, bởi tò mò cái tên mục là lạ. Hiểu theo nội dung mà tôi đọc, thì mục này là nhặt sạn, tức vạch lỗi các ấn phẩm xuất bản, mà cụ thể ở đây là sách. Quả là cũng hay ho khi mục này giúp độc giả biết được lỗi của các ấn phẩm. Ấy nhưng hỡi ôi!

Trang 15 của tạp chí này “nhặt sạn” cuốn sách Danh nhân Việt Nam của tác giả Nguyễn Phương Bảo An, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Khỏi bàn đến những “hạt sạn” đã được “nhặt” trong cuốn sách được đề cập. Điều gây ngỡ ngàng cho tôi, và hẳn là tất thảy độc giả, là Người đọc sách (tác giả “nhặt sạn” tác phẩm này ký tên như vậy) đã có nhầm lẫn cực kỳ nghiêm trọng?

Tên sách này là Danh nhân Việt Nam, nhưng bài viết của Người đọc sách trên Tri thức và thời đại lại có sự đánh tráo khái niệm, hoặc nhầm lầm, thiếu hiểu biết, khi chuyển “danh nhân” thành “doanh nhân”. Ví dụ như ngay đoạn đầu tiên viết “Viết về doanh nhân Nguyễn Biểu, trang 8 có đoạn viết”, hoặc đoạn sau “Viết về doanh nhân Đoàn Thị Điểm”. Sợ mình lâu nay có thể lầm giữa “danh nhân” với “doanh nhân” chăng, hoặc hai khái niệm này là một? Về nhà, tôi mở ngay vài cuốn từ điển trong tủ sách gia đình để kiểm tra, thì tá hỏa thực sự.

Tra trong sách Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức do Nhà in Trung Bắc Tân Văn in năm 1931, đã định nghĩa “danh nhân” ở trang 146, phần mục từ “danh” là “Người có tiếng”. Còn “doanh nhân” trong từ điển này, chưa xuất hiện định nghĩa. Định nghĩa này khá xa xôi với hiện thời vì đã gần một thế kỷ.

Tiếp đó tôi xem sách Việt Nam tân từ điển minh họa của Thanh Nghị, do Nhà sách Khai Trí xuất bản 1967 tại Sài Gòn, trang 388 ghi định nghĩa “Danh nhân” như sau: “Danh nhân (nhơn) dt (p. homme célèbre) Người có tiếng tài giỏi”. Cũng sách này, ở trang 420 đã định nghĩa về “Doanh nhân” là: “Doanh nhân dt. (p. homme d’affaire) Người kinh doanh”. Như vậy, rõ ràng “danh nhân” và “doanh nhân” là hai đối tượng khác nhau. Dẫu đều cùng là danh từ, thì “doanh nhân” chỉ những người làm trong lĩnh vực cụ thể, đó là kinh doanh, buôn bán, còn “danh nhân” theo định nghĩa trên, chỉ những người tài năng, nổi tiếng, phạm vi bao quát rộng hơn. Đó là hiểu biết về “danh nhân” và “doanh nhân” cách ngày nay 50 năm.

Để chắc ăn, tôi mở tiếp Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học xuất bản năm 2003. Đây là cuốn sách dân báo chí chúng tôi ngầm xem như một từ điển Tiếng Việt chuẩn mực nên rất hay dùng. Khi mở trang 241, thấy “danh nhân” được định nghĩa là “Người có danh tiếng. Danh nhân lịch sử” (đánh máy, in nghiêng đúng theo sách. Phần in nghiêng là phần ví dụ cho định nghĩa). Và “doanh nhân” được định nghĩa ở trang 259 là “Người làm nghề kinh doanh”.

Đến đây thì đã rõ, những Nguyễn Biểu, anh hùng thời Hậu Trần, rồi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đích thị là “danh nhân”, chứ họ có kinh doanh, buôn bán gì đâu mà được xếp vào “doanh nhân”? Huống hồ cái thời của cụ Biểu (đầu thế kỷ XV) và bà Điểm (thế kỷ XVIII), người ta chỉ có thể gọi nhưng người buôn bán lớn là thương nhân, thương gia mà thôi. Rõ ràng ở đây, người phê bình sách đã tỏ ra cực kỳ thiếu hiểu biết về hai khái niệm “danh nhân” và “doanh nhân”, hoặc cho đó là một. Nếu hai vị trên là “doanh nhân”, hẳn Ngày doanh nhân Việt Nam 13 tháng 10 hàng năm của giới doanh nhân nước ta hiện nay, tưởng nên để ý chứ nhỉ?

Thêm một điều nữa cũng rất đáng cười, đó là bài viết phê bình tác giả Nguyễn Phương Bảo An đã viết tác phẩm Vân Đài loại ngữ của cụ Lê Quý Đôn thành “vân Đình loại ngữ”, hoặc có lúc viết là “vân đình loại ngữ”. Nhưng tiếp đó tác giả Người Đọc Sách lại có câu “Nếu soạn giả phát kiến thấy có Đaoan Đình loại ngữ thì xin công bố cho mọi người được biết”. Ôi, giờ lại xin hỏi tác giả bài phê bình này cho tôi và độc giả được hay, tác phẩm “Đaoan Đình loại ngữ” mà ông/bà đề cập là sách… chi chi? Dẫu biết có thể là do đánh máy sai đấy, nhưng “nhặt sạn” cho người, lại có cả ban biện tập xem bài trước khi in, mà chính mình lại tạo ra đầy sạn thế này, thì có chấp nhận được chăng? Điều này làm tôi nhớ đến câu ngạn ngữ của dân ta: “Chân mình thì lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Hài Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyễn Biểu, Đoàn Thị Điểm là 'danh nhân' hay 'doanh nhân'?