Ngược lại với các biện pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong nước đó, chính phủ Trung Quốc lại khuyến khích gia tăng các hoạt động đánh bắt hải sản tại các vùng biển trong khu vực dù nguy cơ cạn kiệt cũng lớn không kém

Khi Trung Quốc chơi trò hai mặt trong việc đánh bắt cá

Nhàn Đàm | 19/08/2016, 10:36

Ngược lại với các biện pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong nước đó, chính phủ Trung Quốc lại khuyến khích gia tăng các hoạt động đánh bắt hải sản tại các vùng biển trong khu vực dù nguy cơ cạn kiệt cũng lớn không kém

Trung Quốc thèmkhát cá

Trung Quốc hiện đang là nước tiêu thụ thủy hải sản lớn nhất thế giới. Tính đến thời điểm năm 2015, nước này đã chiếm khoảng 35% tổng mức tiêu thụ thủy hải sản trên toàn cầu. Tuy nhiên, một phần lớn trong đó lại đến từ sự đánh bắt vô tội vạ của ngư dân Trung Quốc tại các vùng biển lân cận. Sự phàm ăn đó đang khiến các đại dương dần kiệt quệ.

Một sự kiện đáng chú ý diễn ra trong tuần này là việc Indonesia đã đánh chìm 60 tàu cá nước ngoài vào ngày Quốc khánh của nước này hôm 17.8. Phần lớn trong số đólà các tàu cá của ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ do đánh bắt trái phép. Đây có thể xem là một trong những lần các tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ và tiêu hủy với số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Nó là một thông điệp cứng rắn từ phía Indonesia trước tình trạng số lượng tàu cá Trung Quốc xâm nhập hải phận nước này để đánh bắt trái phép đang tăng lên với tốc độ chóng mặt. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó là vì các vùng biển gần với hải phận Trung Quốc đang lâm vào tình trạng ngày càng cạn kiệt do đánh bắt vượt quá mức cho phép để cung cấp cho thị trường tiêu thụ thủy hải sản khổng lồ của nước này. Sự phàm ăn của Trung Quốcđang là lý do khiến các đại dương lân cận nước này dần cạn kiệt.

Các đội tàu đánh bắt xa bờ đông đảo của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây vẫn được xem là một công cụ mang tính chính trị của chính phủ nước này, đặc biệt là trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải. Các độitàu nàythường xuyên xâm nhập vùng biển các nước lân cận để đánh bắt thủy hải sản trái phép. Tuy nhiên, nó còn do một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém, đó là lợi ích kinh tế. Trung Quốc hiện đang là nước tiêu thụ thủy hải sản lớn nhất thế giới. Tính đến thời điểm năm 2015, Trung Quốc đã chiếm khoảng 35% mức tiêu thụ thủy hải sản trên toàn cầu. Do sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng dẫn đến thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc tăng lên đáng kể đã khiến cho nhu cầu với các loại thực phẩm có giá thành đắt đỏ hơn như thủy sản tăng lên nhanh chóng. Một phần nhu cầu thủy hải sản khổng lồ này của xã hội Trung Quốc được giải quyết thông qua nhập khẩu, nhưng phần lớn lại đến từ những nỗ lực gia tăng sản lượng đánh bắt của ngành ngư nghiệp nước này trong các vùng biển lân cận.

Những nỗ lực gia tăng sản lượng đánh bắt này khiến cho ngành ngư nghiệp của Trung Quốc tăng nhanh về số lượng, và gần như trở thành một đạo quân thực sự. Theo thống kê, đội tàu cá cơ giới đánh bắt xa bờ của Trung Quốc trong giai đoạn 1979-2013 đã tăng từ 55.225 lên con số 694.905 tàu thuyền. Đồng thời số lượng lao động làm việc trong ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản này cũng tăng lên gấp nhiều lần, từ mức 2,25 lên tới hơn 14 triệu người. Thu nhập của ngư dân Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể, từ mức 15 USD/tháng vào năm 1979 lên tới 2.000 USD/tháng vào năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, các ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản của Trung Quốc đang tạo ra một khoản lợi nhuận lên tới 260 tỉ USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% GDP của nền kinh tế Trung Quốc.

Sự tham lam và tính hai mặt

Tuy nhiên, hệ quả của sự phàm ăn của người Trung Quốc này là vô cùng khủng khiếp, đặc biệt là về môi trường sinh thái. Phần lớn lượng thủy hải sản khổng lồ mà xã hội Trung Quốc tiêu thụ hàng năm đều đến từ đánh bắt tự nhiên từ các con sông lớn trong nội địa và các đại dương lân cận, đã khiến cho lượng thủy hải sản tại các khu vực này bị tàn phá một cách nặng nề. Chẳng hạn như trường hợp của sông Trường Giang, một trong hai con sông lớn nhất Trung Quốc và cung cấp tới 60% lượng cá nước ngọt cung cấp cho thị trường tiêu thụ nước này. Theo thống kê lượng thủy sản mà sông Trường Giang sản sinh ra ở thời điểm hiện tại chỉ còn bằng chưa đầy1/4 so với thời điểm năm 1954. Hơn 170 loài thủy sản cư ngụ tại dòng sông này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do đánh bắt quá đà và ô nhiễm môi trường.

Điều tương tự cũng đang xảy ra đối với các vùng biển và đại dương lân cận Trung Quốc.Không phải ngẫu nhiên khi lượng tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Indonesia tăng mạnh khiến cho chính phủ nước này phải bắt giữ và tiêu hủy một lượng lớn để răn đe. Lý do chính cho tình trạng này là vì các vùng biển lân cận và gần bờ với Trung Quốc đã trở nên cạn kiệt thực sự do ô nhiễm và mức đánh bắt quá độ của ngư dân Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc trước thời điểm Indonesia tiêu hủy một số tàu cá nước này cũng đã thừa nhận rằng nguồn lợi thủy hải sản tại một khu vực rộng lớn trên biển Hoa Đông đã gần như không còn. Tại các vùng biển phía Nam nước này cũng không khá khẩm gì hơn, theo tính toán lượng cá tại một số vùng biển này đã giảm tới 95% so với thời điểm những năm 1950. Sự cạn kiệt thủy hải sản tại các vùng biển gần bờ ở cả phía Đông lẫn phía Nam đã khiến cho ngày càng có nhiều ngư dân Trung Quốc chấp nhận đi xa hơn để đánh bắt, kể cả những vùng biển được xem là khá xa như của Indonesia.

Không khó để nhận ra rằng, sự đánh bắt theo kiểu tận thu và vô trách nhiệm của Trung Quốc tại các đại dương trong khu vực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, dẫn tới sự hủy diệt thủy hải sản tại các vùng biển này, và ảnh hưởng lớn đến các quốc gia khác trong khu vực. Khác với các loại nông sản, thủy hải sản trên các đại dương được xem là nguồn lợi chung và không thể có chuyện một quốc gia đánh bắt theo kiểu tận thu cho riêng mình. Nhưng đáng tiếc là chính phủ Trung Quốc lại đang hành xử theo cách thức không lấy gì làm đẹp cho lắm. Theo đó, chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng ngư dân nước này đã thường xuyên vượt mức giới hạn đánh bắt bền vững hàng năm khoảng 30%, và có thể dẫn tới sự cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản ở nước này cũng như tại các vùng biển trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chỉ áp dụng các biện pháp bảo tồn nguồn lợi này trong phạm vi nước mình mà thôi.

Cụ thể, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt theo mùa tại một số đoạn trên sông Trường Giang vào năm 2002, và tại một số vùng biển ở miền Nam vào năm 1999 để bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản tại các khu vực này. Vào năm 2013, thậm chí Trung Quốc còn xem xét thi hành một lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Trường Giang trong vòng 10 năm để khôi phục nguồn lợi thủy sản của con sông này, dù sau đó đã không được thông qua.

Ngược lại với các biện pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong nước đó, chính phủ Trung Quốc lại khuyến khích gia tăng các hoạt động đánh bắt hải sản tại các vùng biển trong khu vực dù nguy cơ cạn kiệt cũng lớn không kém. Vào năm 2013, Bắc Kinh đã dành một khoản trợ cấp trị giá 6,5 tỉ USD hỗ trợ cho các hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân nước này, một phần lớn trong đó là hỗ trợ về giá nhiên liệu cho phép ngư dân đánh bắt ngày càng xa hơn. Thậm chí, quân đội Trung Quốc còn có một chương trình riêng để hỗ trợ hoạt động này, như cung cấp các thiết bị định vị GPS cũng như điều tàu bảo vệ tại các khu vực đánh bắt, màphần lớn là xâm nhập trái phép lãnh hải các nước trong khu vực.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Trung Quốc chơi trò hai mặt trong việc đánh bắt cá