Quân đội Israel đã trút các đợt không kích xuống dải Gaza vào sáng sớm nay 17.5, đồng thời cho biết đã phá hủy 15 km địa đạo và 9 căn cứ đầu não của Hamas.

Israel không kích dữ dội chưa từng thấy, Gaza trong cơn cùng quẫn

Anh Tú | 17/05/2021, 16:18

Quân đội Israel đã trút các đợt không kích xuống dải Gaza vào sáng sớm nay 17.5, đồng thời cho biết đã phá hủy 15 km địa đạo và 9 căn cứ đầu não của Hamas.

gaza-1.jpeg

Cư dân ở Gaza bị đánh thức bởi trận không kích trong đêm đêm được mô tả là nặng nề nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu một tuần trước, và thậm chí còn mạnh hơn một đợt không kích vào thành phố Gaza một ngày trước đó khiến 42 người thiệt mạng và san phẳng ba tòa nhà.

Không có thông tin ngay lập tức về thương vong từ các cuộc tấn công mới nhất. Một tòa nhà ba tầng ở thành phố Gaza đã bị hư hại nặng nề, nhưng người dân cho biết quân đội đã cảnh báo họ 10 phút trước khi xảy ra cuộc tấn công và mọi người đã kịp dọn ra ngoài. Họ cho biết nhiều cuộc không kích đã oanh tạc vào vùng đất canh tác nông nghiệp gần đó.

Thị trưởng Gaza, Yahya Sarraj nói với Al-Jazeera TV rằng các cuộc không kích đã gây ra thiệt hại lớn cho đường xá và các cơ sở hạ tầng khác. Ông nói: “Nếu tình trạng đối đầu tiếp tục, chúng tôi dự đoán tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn".

Ông cũng cảnh báo rằng khu vực đang cạn kiệt nhiên liệu và các thiết bị thay thế khác. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng nhà máy điện duy nhất của Gaza có nguy cơ cạn kiệt nhiên liệu. Khu vực lãnh thổ này đã bị mất điện từ 8-12 giờ hằng ngày và nước máy không thể uống được.

Cuộc chiến nổ ra hôm 10.5, khi Hamas bắn rocket tầm xa vào Jerusalem sau nhiều tuần đụng độ giữa người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel. Các cuộc biểu tình tập trung vào việc kiểm soát gắt gao một thánh địa điểm nóng trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và việc những người định cư Do Thái đe dọa trục xuất hàng chục gia đình Palestine.

Kể từ đó, quân đội Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích mà họ nói là nhắm vào cơ sở hạ tầng của quân đội Hamas. Các chiến binh Palestine ở Gaza cũng đã bắn hơn 3.100 quả rocket vào Israel.

gaza-2.jpeg

Ít nhất 188 người Palestine đã thiệt mạng trong hàng trăm cuộc không kích ở Gaza, trong đó có 55 trẻ em và 33 phụ nữ, chưa kể 1.230 người bị thương. Phía Israel cũng có 8 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Gaza, trong đó có một cậu bé 5 tuổi và một người lính.

Samir al-Khatib, một quan chức cứu hộ khẩn cấp ở Gaza, cho biết: “Tôi chưa từng thấy mức độ tàn phá này qua 14 năm làm việc. Thậm chí, cuộc chiến năm 2014 cũng không sánh bằng”.

Quân đội Israel cho biết họ đã tấn công 9 ngôi nhà ở các khu vực khác nhau tại phía bắc Gaza là nơi ở của "các chỉ huy cấp cao" Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo đã kiểm soát lãnh thổ kể từ khi giành chính quyền vào năm 2007.

Trong những ngày gần đây, Israel đã nhắm vào nhà của một số lãnh đạo cấp cao của Hamas, trong đó có Yehiyeh Sinwar, lãnh đạo cao nhất ở Gaza. Ban lãnh đạo của Hamas đã chuyển sang hoạt động ngầm khi cuộc giao tranh bắt đầu và không có ai ở nhà vào thời điểm xảy ra không kích.

Hamas và nhóm chiến binh Thánh chiến Hồi giáo cho biết ít nhất 20 chiến binh của họ đã bị chết, trong khi Israel cho biết con số này cao hơn nhiều và đã công bố hình ảnh kèm danh tính của hơn hai chục chỉ huy mà họ nói là đã "bị loại khỏi vòng chiến đấu".

Quân đội cho biết họ đã tấn công 35 "mục tiêu khủng bố" cũng như các đường hầm, mà họ nói là một phần của hệ thống phức tạp được gọi là "đường tàu điện ngầm", mà các chiến binh sử dụng để lẩn tránh máy bay. Quân đội cho biết 54 máy bay đã tham gia chiến dịch không kích.

gaza-3.jpeg

Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm Chủ nhật, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết các cuộc tấn công của Israel đang tiếp tục “tổng lực" và sẽ "mất thời gian." Israel muốn nhóm chiến binh Hamas phải trả “một cái giá đắt”.

Lãnh đạo hàng đầu của Hamas Ismail Haniyeh, người đang sống ở nước ngoài, cho biết nhóm đã được liên hệ với Mỹ, Nga, Ai Cập và Qatar như một phần của nỗ lực ngừng bắn nhưng “sẽ không chấp nhận một giải pháp mà không đếm xỉa tới sự hy sinh của Người dân Palestine”.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Al-Akhbar của Lebanon, ông đổ lỗi cuộc chiến là do các hành động của Israel ở Jerusalem và khoe rằng các tên lửa đã “làm tê liệt hệ thống chiếm đóng (Israel) bằng cách đặt lệnh giới nghiêm đối với công dân và phong tỏa các sân bay và bến cảng của họ”.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi cho biết chính phủ của ông đang làm việc để "khẩn cấp" chấm dứt bạo lực. Ai Cập, có biên giới với Gaza và Israel, đã đóng vai trò trung tâm trong việc làm trung gian ngừng bắn sau các đợt giao tranh trước đó.

Các cuộc không kích của Israel đã san bằng một số tòa nhà cao nhất của Thành phố Gaza, mà Israel cáo buộc có cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas. Trong số đó có tòa nhà mà AP và các hãng truyền thông khác đặt văn phòng.

Sally Buzbee, trưởng văn phòng của AP, đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ không kích phá hủy văn phòng AP hôm thứ Bảy. Quân đội Israel cho biết đã báo động cho nhân viên và người dân trước cuộc tấn công và tất cả đều có thể sơ tán khỏi tòa nhà an toàn.

gaza-4.jpeg

Ông Netanyahu cáo buộc rằng tình báo quân đội Hamas đang hoạt động bên trong tòa nhà và cho biết mọi bằng chứng sẽ được chia sẻ thông qua các kênh tình báo. Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều chưa xác nhận về bằng chứng nào.

AP đã hoạt động từ tòa nhà trong 15 năm, trong cả ba cuộc chiến trước đó giữa Israel và Hamas. Các máy quay của hãng thông tấn, hoạt động từ văn phòng trên tầng cao nhất và sân thượng, cung cấp các cảnh quay trực tiếp suốt 24 giờ khi các tên lửa của phiến quân hướng về phía Israel và các cuộc không kích của Israel bắn vào thành phố và các khu vực xung quanh.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AP, Gary Pruitt đã đưa ra tuyên bố sau cuộc tấn công hôm 15.5 nói rằng ông "bị sốc và kinh hoàng" khi Israel nhắm mục tiêu vào tòa nhà. Ông cho biết "không có dấu hiệu nào cho thấy Hamas đang ở trong tòa nhà hoặc đang hoạt động trong tòa nhà".

“Đây là điều mà chúng tôi tích cực kiểm tra trong khả năng của mình. Chúng tôi sẽ không bao giờ cố ý khiến các nhà báo của mình chịu rủi ro".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Israel không kích dữ dội chưa từng thấy, Gaza trong cơn cùng quẫn