Đó là phát biểu của Zhang Yaling, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp chip AI Enflame Technology.
Nỗ lực phát triển các dịch vụ giống như ChatGPT của các công ty Trung Quốc có thể bị cản trở bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ nhằm hạn chế cường quốc châu Á tiếp cận với các chip tiên tiến, một thành phần quan trọng trong các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI).
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, chatbot AI của công ty khởi nghiệp OpenAI (có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ) đã trở thành hiện tượng toàn cầu, gây ấn tượng với người dùng internet về khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện và trả lời câu hỏi giống con người.
Khi các hãng công nghệ lớn Trung Quốc chạy đua để tạo ra chatbot AI tương tự ChatGPT, xuất hiện những lo ngại rằng tham vọng của họ có thể bị cản trở do thiếu chip AI có thể cung cấp sức mạnh tính toán khổng lồ cần thiết để hỗ trợ các mô hình AI tinh vi, theo một số người tham gia tại Hội nghị các nhà phát triển AI toàn cầu tại Thượng Hải.
“Nếu Trung Quốc muốn tạo ChatGPT của riêng mình, chúng tôi cần hàng chục ngàn chip A100 để cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết”, Zheng Weimin, giáo sư Đại học Thanh Hoa trực thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho hay. Zheng Weimin đề cập đến A100 - bộ xử lý đồ họa hiệu suất cao được sản xuất bởi hãng chip Nvidia (Mỹ).
Chính phủ Mỹ năm ngoái đã công bố quyết định hạn chế Nvidia bán chip A100 cho các khách hàng ở Trung Quốc.
Theo Yang Fan, đồng sáng lập và Phó chủ tịch của SenseTime (công ty phần mềm AI hàng đầu Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt thương mại kể từ năm 2019), giá chip A100 đã tăng 50% trong hai tuần qua do sự náo nhiệt xung quanh ChatGPT.
“Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất chip và phần mềm có thể hỗ trợ ít nhất 50 đến 70% công suất tính toán cần thiết để chạy ChatGPT”, Yang Fan nhấn mạnh.
Zhang Yaling, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp chip AI Enflame Technology có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái phần mềm chip AI của Nvidia vì họ vẫn chưa hình thành hệ thống nguồn mở, tự túc của riêng mình.
“Chúng tôi hy vọng rằng với sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ, nỗ lực phối hợp của toàn ngành và đầu tư liên tục, chúng tôi có thể xây dựng một hệ sinh thái phù hợp cho các chip AI riêng”, Zhang Yaling nói.
Zhang Yaling cho biết thêm rằng ông hy vọng Trung Quốc có thể tạo ra đối thủ cạnh tranh với ChatGPT trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Bất chấp những thách thức về công nghệ, nhiều công ty Trung Quốc bày tỏ sự lạc quan rằng ChatGPT sẽ mang lại những cơ hội mới ở nước này.
“Với ChatGPT, lần đầu tiên chúng tôi thấy khả năng tư duy logic đáng ngạc nhiên của AI, cho phép nó tự suy nghĩ và đưa ra các quyết định phức tạp”, Li Di, Giám đốc điều hành Xiaoice – công ty con của Microsoft tại Trung Quốc, từng ra mắt trợ lý thông minh của mình vào năm 2014.
Microsoft là nhà đầu tư chính vào OpenAI. Hôm 23.1, Microsoft thông báo quyết định đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho công ty tạo ra ChatGPT.
“Vòng cách mạng mới này sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người, từ những người phát triển các mô hình lớn tiếp theo cho đến những người tạo ra các ứng dụng dựa trên chúng”, Li Di nhận định.
Xu Li, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SenseTime, cho biết sự ra đời của AI tiên tiến “giống như cuộc cách mạng công nghiệp”. Theo Xu Li, với nền tảng đám mây Sensecore AI mới ra mắt, SenseTime đặt mục tiêu cung cấp cơ sở hạ tầng AI hiệu quả, chi phí thấp cho các công ty đang phát triển các sản phẩm giống như ChatGPT.
Dù ChatGPT không khả dụng ở Trung Quốc và chỉ có thể truy cập thông qua mạng riêng ảo (VPN) nhưng chatbot AI này đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của người dùng internet, đặc biệt là sau khi những gã khổng lồ công nghệ như Baidu và Alibaba thông báo ý định tung ra các dịch vụ tương tự.
Đầu tháng 2, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu cho biết sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot tương tự ChatGPT vào tháng 3. Trong khi Alibaba thông báo Viện nghiên cứu Damo Academy của họ đang phát triển chatbot AI riêng. Các hãng công nghệ khác như JD.com, Zhihu, Xiaomi và 360 Security Technology cũng đã công bố kế hoạch tích hợp chatbot AI vào dịch vụ của họ.
Zhai Jia, Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia China, nhận định: "Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho cơn sốt trong các công nghệ giống ChatGPT sẽ lấp đầy cơ hội trên toàn bộ chuỗi ngành công nghiệp, từ điện toán chip, mô hình đào tạo AI đến thu thập, xử lý dữ liệu và tài năng AI".
Giá trị của generative AI được dự đoán sẽ đạt 60 tỉ USD vào năm 2025, chiếm 30% thị trường AI toàn cầu, khi công nghệ này tìm thấy trong nhiều ứng dụng ngoài ChatGPT, chẳng hạn như khám phá thuốc, theo Jeff Walters, Giám đốc quản lý chung khu vực Trung Quốc tại công ty tư vấn chiến lược toàn cầu Boston Consulting Group (Mỹ).
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.
Thế nhưng tại Trung Quốc, các mô hình đào tạo chính thống vẫn bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài, như PyTorch hay TensorFlow, và việc thu hút các nhân viên kỹ thuật có kỹ năng để thực hiện đào tạo AI vẫn là một thách thức, theo Zhai Jia.
Theo trang China Daily, cách đây vài ngày, các tập đoàn lớn Trung Quốc như Tencent, Alibaba nhận được chỉ đạo từ chính phủ về việc ngừng cung cấp dịch vụ ChatGPT cả trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nền tảng của bên thứ ba. Bài đăng trên Weibo cho thấy giới chức nước này lo ngại chatbot AI của OpenAI có thể hỗ trợ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch vì lợi ích địa chính trị.
Ngoài lệnh cấm ChatGPT, Trung Quốc cũng thông báo các công ty trong nước muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ AI liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Không tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý khởi chạy các dịch vụ kiểu ChatGPT.
Sau khi quy định mới được công bố, Tencent cho biết đã cấm các bên cung cấp ChatGPT và dịch vụ liên quan tại Trung Quốc. Theo trang Gizmochina, Tencent thậm chí có thể đã cấm cả dịch vụ có chút tương đồng với chatbot nổi tiếng của OpenAI để tránh nguy cơ mắc lỗi.