Hôm 27.2, Hà Lan đã cảnh báo về việc áp đặt một loại phí mạng gọi là internet toll lên các Big Tech (hãng công nghệ lớn) để giúp trả tiền cho hàng tỉ euro đầu tư hạ tầng mạng, nói rằng việc này có thể vi phạm các quy tắc về tính công bằng của mạng và dẫn đến việc tăng giá cho người dân châu Âu.

Nước EU đầu tiên cảnh báo áp đặt phí internet với Big Tech sẽ khiến người dùng gánh hậu quả

Sơn Vân | 27/02/2023, 17:10

Hôm 27.2, Hà Lan đã cảnh báo về việc áp đặt một loại phí mạng gọi là internet toll lên các Big Tech (hãng công nghệ lớn) để giúp trả tiền cho hàng tỉ euro đầu tư hạ tầng mạng, nói rằng việc này có thể vi phạm các quy tắc về tính công bằng của mạng và dẫn đến việc tăng giá cho người dân châu Âu.

Bình luận của Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan - Micky Adriaansens đánh dấu phát ngôn đầu tiên từ một quốc gia EU sau khi Thierry Breton, người đứng đầu ngành công nghiệp EU, bắt đầu cuộc tham vấn hôm 24.2 về việc ai sẽ thanh toán hóa đơn để triển khai 5G và băng thông rộng tốn kém.

Deutsche Telekom, Orange, Telefonica, Telecom Italia và các nhà khai thác viễn thông khác từ lâu đã vận động hành lang để có được sự đóng góp của Big Tech và tìm được đồng minh ở Thierry Breton, cựu Giám đốc điều hành Orange (Pháp).

Trước đó, Orange nói với Reuters rằng ngành viễn thông không đòi hỏi những đặc quyền trong các đề nghị của mình. Tuy nhiên, người phát ngôn Orange cho biết cuộc tham vấn của EU là "dấu hiệu tích cực đầu tiên" về việc bắt đầu một cuộc tranh luận.

Các hãng viễn thông EU tuyên bố: “Chúng tôi tranh luận về một khuôn khổ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ thương mại công bằng và bình đẳng, thừa nhận sự đóng góp trực tiếp của những gã khổng lồ công nghệ vào chi phí mạng”.

Alphabet (công ty mẹ của Google), Apple, Meta Platforms (chủ sở hữu Facebook), Netflix, Amazon và Microsoft là những cái tên trong số các công ty cho biết thuế internet sẽ làm suy yếu các quy tắc của EU trong việc đối xử bình đẳng với tất cả người dùng.

Theo các nhà khai thác viễn thông, các hãng công nghệ lớn này chiếm hơn một nửa lưu lượng truy cập internet dữ liệu.

Bà Micky Adriaansens cho biết chính phủ Hà Lan đã xem xét một nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế Oxera cho thấy những hạn chế của loại thuế internet này.

"Nó sẽ trừng phạt người tiêu dùng", bà Micky Adriaansens chia sẻ với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn.

Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan nói rằng những người tiêu dùng trả phí thuê bao cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đồng thời cũng đăng ký các dịch vụ streaming và video có thể sẽ phải chứng kiến chi phí tăng lên vì các Big Tech có khả năng sẽ chuyển thuế internet cho họ.

Streaming là kỹ thuật truyền phát dữ liệu đa phương tiện, cho phép người dùng truy cập và xem nội dung video hoặc âm thanh trực tuyến mà không cần phải tải xuống hoàn toàn trước khi xem.

"Chúng ta nên phân tích vấn đề trước tiên và phản ứng bình thường của thị trường với những thách thức này là gì. Đầu tiên là chính phủ có tạo điều kiện hay có sẵn các quỹ khác hay thị trường chỉ có trách nhiệm chăm sóc cơ sở hạ tầng này? Tôi nghĩ rằng có mối lo ngại rằng cơ sở hạ tầng của chúng tôi không thể đáp ứng được kỳ vọng và tham vọng của chúng tôi. Tôi hiểu mối quan ngại đó nhưng tôi không nghĩ rằng đây là cách đi đúng đắn và nhanh chóng", bà Micky Adriaansens nói.

Theo nghiên cứu của Oxera, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của châu Âu không phải chịu gánh nặng chi phí mạng cao hơn dù lưu lượng dữ liệu internet tăng mạnh. Oxera cũng nhận thấy rằng lợi nhuận hoạt động của các hãng viễn thông này đã tăng nhờ hiện đại hóa mạng lưới dẫn đến ít nhân viên hơn và chi phí vốn thấp hơn.

Báo cáo của Oxera cho biết: “Phân tích của chúng tôi về các đề xuất đánh thuế cho thấy rằng một chính sách như vậy không thể được chứng minh một cách mạnh mẽ để tăng hiệu quả kinh tế, có khả năng mang lại chi phí thiết lập và giao dịch đáng kể”.

nuoc-eu-dau-tien-canh-bao-ap-dat-phi-internet-voi-big-tech.jpg
Các hãng viễn thông EU từ lâu đã vận động hành lang để Big Tech đóng góp chi phí vào hạ tầng mạng - Ảnh: Internet

Thierry Breton hôm 24.2 đã khởi động cuộc tham vấn kéo dài 12 tuần về các đề xuất "chia sẻ công bằng", theo đó các nền tảng Big Tech sẽ chịu nhiều chi phí hơn cho các hệ thống giúp họ tiếp cận người tiêu dùng.

Cuộc đối đầu giữa Big Tech và các công ty viễn thông của EU về việc ai sẽ chịu trách nhiệm tài chính cho cơ sở hạ tầng mạng là chủ đề thảo luận chính tại Mobile World Congress (MWC).

MWC là triển lãm công nghệ di động quốc tế hàng đầu được tổ chức hàng năm tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha). MWC là nơi các hãng công nghệ di động hàng đầu trên thế giới trình diễn các sản phẩm mới nhất và công nghệ tiên tiến nhất trong ngành ĐTDĐ và các thiết bị di động khác.

Hơn 80.000 người, bao gồm giám đốc điều hành công nghệ, nhà đổi mới và cơ quan quản lý, sẽ tham dự MWC 2023 tại Barcelona.

Đại diện từ các Big tech như Alphabet, Meta Platforms và Netflix dự kiến sẽ sử dụng MWC như một nền tảng để đẩy lùi các đề xuất của EU.

Các nhà cung cấp nội dung như Netflix, đã sắp xếp để Giám đốc điều hành Greg Peters gặp Thierry Breton tại hội nghị này, lập luận rằng các công ty của họ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Họ nói rằng việc trả thêm phí sẽ làm giảm đầu tư vào các sản phẩm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Qualcomm và các nhà sản xuất smartphone Android hợp tác phát triển tính năng nhắn tin qua vệ tinh

Trước thềm MWC, Qualcomm hôm 27.2 cho biết đang làm việc với một nhóm các hãng smartphone Android để bổ sung khả năng nhắn tin dựa trên vệ tinh cho thiết bị của họ.

Có trụ sở tại thành phố San Diego (bang California, Mỹ), Qualcomm là nhà cung cấp chip lớn nhất thế giới để kết nối ĐTDD với mạng dữ liệu không dây. Qualcomm cho biết đang hợp tác với Honor, Motorola (thuộc sở hữu của Lenovo), Nothing, OPPO, Vivo và Xiaomi để phát triển tính năng nhắn tin dựa trên vệ tinh cho các thiết bị.

Các hệ thống liên lạc dựa trên vệ tinh có thể gửi và nhận dữ liệu ở vùng sâu vùng xa hoặc vùng nông thôn, nơi không có mạng viễn thông khác. Qualcomm đã thông báo rằng đang bổ sung các khả năng này cho chip của mình vào đầu năm 2023.

Hoạt động của Qualcomm với các nhà sản xuất thiết bị Android có thể sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các thương hiệu đó với Apple, công ty năm ngoái giới thiệu gửi tin nhắn qua vệ tinh khẩn cấp như một trong những tính năng hàng đầu trên dòng iPhone 14. Những mẫu iPhone 14 đó tích hợp chip Qualcomm, dù Apple nói với Reuters rằng chúng cũng chứa phần cứng và phần mềm tùy chỉnh thuộc sở hữu của công ty này.

Qualcomm không cho biết khi nào tính năng nhắn tin vệ tinh từ các thương hiệu smartphone Android nêu trên sẽ khả dụng. Đầu năm 2023, Qualcomm cho biết một số smartphone Android sẽ có tính năng này vào nửa cuối năm nay.

Bài liên quan
'Big Tech gặp hạn trong năm 2022, Small Tech sẽ phát triển vào 2023'
Big Tech (hãng công nghệ lớn) gặp hạn là nhiên liệu kinh doanh cho làn sóng đổi mới tiếp theo trong công nghệ, theo cây viết Sid Mohasseb trên Fox News.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước EU đầu tiên cảnh báo áp đặt phí internet với Big Tech sẽ khiến người dùng gánh hậu quả