Hai cột mốc quan trọng đối với nền kinh tế thế giới diễn ra trong tuần này là Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản và giá dầu quay trở lại mức 50 USD/thùng sau gần một năm.
Nếu như Hội nghị thượng đỉnh G7 được cho là sẽ giải quyết các vấn đề vĩ mô về tài chính và tỷ giá không chỉ của 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển để thúc đẩy kinh tế thế giới hồi phục, thì việc giá dầu tăng cao trở lại có thể là một đòn bẩy quý giá cho quá trình hồi phục kinh tế thế giới này. Giá dầu tăng cao có thể khiến ngành công nghiệp năng lượng ở hàng loạt các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Nga hồi sinh mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kỳ vọng này chỉ có thể xảy ra nếu giá dầu thế giới tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khỏi mốc khởi điểm là 50 USD hiện nay. Hy vọng cho giá dầu thế giới là có, chỉ có điều rất mong manh.
Có nhiều lý do để việc giá dầu tăng trở lại thậm chí còn đáng chú ý hơn cả Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản trong tuần qua. Vấn đề quan trọng nhất về khía cạnh kinh tế mà G7 sẽ xem xét trong cuộc họp lần này vẫn là chính sách tỷ giá, trong đó là những cuộc tranh cãi bất tận về việc các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU) có nên tiếp tục chính sách duy trì tỷ giá thấp để hồi phục tăng trưởng hay không. Trên thực tế vấn đề này đã được bàn thảo nhiều lần trong gần một năm qua, điển hình gần nhất là Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Thượng Hải hồi cuối tháng 2 năm nay, nhưng tất cả vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Mỹ muốn các nền kinh tế như Nhật Bản hay EU thận trọng hơn với chính sách lãi suất âm, và hạn chế sử dụng trừ trường hợp khẩn cấp, trong khi Nhật và EU lại cho rằng đó là động thái cần thiết để vực dậy kinh tế Nhật và EU nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
So với những cuộc tranh cãi bất tận tại Hội nghị thượng đỉnh G7, thì việc giá dầu quay trở lại mức 50 USD/thùng được cho là đáng chú ý hơn. Tác động của sự kiện này với nền kinh tế thế giới là rõ ràng hơn. Trước hết, nó có thể cứu một số quốc gia xuất khẩu dầu đang lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế, như Iran, hay thậm chí là khủng hoảng kinh tế như Venezuela. Sau đó, nó có thể vực dậy nền kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới như Nga, Ả Rập Saudi hay Iraq. Mỹ cũng không là ngoại lệ, khi việc giá dầu tăng cao có thể là tác nhân thúc đẩy các DN dầu đá phiến của nước này hoạt động trở lại hoặc nâng cao công suất khai thác, một động thái có thể tăng việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các công ty khai thác dầu phiến Mỹ có thể thu được lợi nhuận ở mức giá khoảng 55 USD/thùng và nhiều khả năng sẽ hoạt động trở lại trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hy vọng giá dầu tăng trở lại có thể trở thành một chiếc đòn bẩy quý giá cho nền kinh tế thế giới hồi phục ở thời điểm hiện tại là tương đối mong manh. Khá nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ có thể vượt qua mốc 50 USD/thùng rồi nhanh chóng sụt giảm mạnh trong thời gian tới. Lý do chủ yếu là vì các sự kiện đang gây ra sự gián đoạn nguồn cung, vốn là lý do khiến dầu tăng giá, sẽ nhanh chóng chấm dứt. Đó là các vụ cháy rừng ở Canada hay những bất ổn về chính trị ở Nigeria. Một khi sự gián đoạn nguồn cung dầu do những sự kiện này kết thúc, thì tình trạng dư thừa sẽ lại xuất hiện và giá dầu sẽ lại giảm mạnh, có thể xuống dưới 40 USD/thùng.
Đó là chưa kể việc giá dầu tăng cao cũng có thể sẽ khiến khá nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ vốn đã ngưng hoạt động từ đầu năm nay do giá dầu thấp có thể quay trở lại hoạt động, và vì thế có thể đẩy giá xuống thấp hơn do dư thừa nguồn cung trở nên trầm trọng hơn. Theo thống kê, 50 công ty khai thác dầu lớn nhất thế giới cho biết, mức giá trung bình tối thiểu mà họ cần để hoàn vốn và tiếp tục duy trì công suất khai thác là vào khoảng 53 USD/thùng, nghĩa là rất gần mức giá hiện nay. Không nghi ngờ gì việc nếu giá dầu tăng lên tới 53 USD/thùng thì tình trạng dư cung sẽ lại diễn ra do các công ty hàng đầu thế giới sẽ ngay lập tức đẩy cao sản lượng.
Nhưng dù mong manh thì vẫn không phải là không có những kỳ vọng lớn lao. Thực tế có thể sẽ diễn ra khác đi so với những dự đoán mang tính lý thuyết. Sự sụt giảm giá dầu mạnh mẽ trong vòng gần hai năm qua dường như đang tạo ra những hậu quả lớn hơn dự đoán cho ngành công nghiệp dầu ở nhiều quốc gia. Mỹ là một ví dụ điển hình. Sản lượng khai thác của nước này đã giảm tuần thứ 11 liên tiếp và đang đạt mức sản lượng thấp nhất kể từ năm 2014. Số doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ nộp đơn xin phá sản đang có xu hướng gia tăng mạnh kể từ đầu năm 2016 đến nay, và vì thế không dễ dàng để ngành công nghiệp dầu ở nước này có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất kể cả khi giá dầu tăng trở lại.
Nhà phân tích William Foiles của Bloomberg Intelligence cho rằng, phản ứng của các công ty dầu đá phiến Mỹ trong sự kiện giá dầu tăng trở lại mức 50 USD/thùng lần này có thể sẽ là thận trọng hơn. Vào năm ngoái, khi giá dầu tăng lên mức trên 60 USD/thùng, trong khi mức giá trung bình để các công ty dầu đá phiến Mỹ có lãi là khoảng 55 USD/thùng, thì một số tiền lớn đã được các công ty này vay mượn để phục hồi sản xuất và thậm chí là tăng sản lượng để kiếm lời. Nhưng chỉ đến tháng 8 giá dầu đã sụt giảm mạnh chỉ còn dưới 40 USD/thùng và tất cả đã sụp đổ. Việc kỳ vọng quá cao và đánh giá sai mức tăng trưởng của giá dầu là nguyên nhân khiến nhiều công ty dầu phiến Mỹ phải ngưng hoạt động hoặc phá sản.
Đó là lý do mà William Foiles cho rằng, giờ đây các công ty này sẽ trở nên thận trọng hơn. Họ sẽ không lập tức khôi phục hoạt động khi giá dầu mới chỉ vừa chạm mức 50 USD/thùng, kể cả khi đạt tới 60 USD/thùng đi nữa. Trừ phi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy giá dầu có thể tăng trên 60 USD/thùng trong một thời gian đủ dài thì các công ty dầu đá phiến Mỹ mới trở lại hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng dư cung trên thị trường thế giới trong thời gian tới có thể sẽ được giảm nhẹ đáng kể, và có thể trở thành một đòn bẩy để nâng giá dầu lên cao trở lại, ít nhất là cho đến cuối năm nay. Đó có thể sẽ là một tin tức tích cực mà nền kinh tế thế giới đang chờ đợi.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)