Giá dầu trên thị trường thế giới sắp cán mốc 50 USD/thùng, mức giá được xem là rất gần với mốc mà nhiều quốc gia đã đánh giá là đủ để ổn định tài khóa quốc gia ở mức khoảng 60-65 USD/thùng.

Hoàng hôn của 'nhà nước dầu lửa'

25/05/2016, 10:51

Giá dầu trên thị trường thế giới sắp cán mốc 50 USD/thùng, mức giá được xem là rất gần với mốc mà nhiều quốc gia đã đánh giá là đủ để ổn định tài khóa quốc gia ở mức khoảng 60-65 USD/thùng.

Nhưng, không phải vì thế mà các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới tỏ ra vui mừng, vì chưa khi nào mà tương lai của ngành công nghiệp năng lượng từng giữ vị trí độc tôn trên thị trường năng lượng thế giới này lại đang trở nên bấp bênh hơn thời điểm hiện tại.

Cường quốc xuất khẩu dầu số một thế giới và là nước đã chi phối giá dầu trong hơn nửa thế kỷ qua là Ả Rập Saudi đã dứt khoát cai nghiện dầu, với một chương trình đồ sộ trị giá tới 3.000 tỷ USD để đa dạng hóa nền kinh tế. Đó là phát súng lệnh để các nước xuất khẩu dầu lớn khác trên thế giới phải bắt đầu tự đặt ra câu hỏi về tương lai cho mình, mà Nga là một ví dụ. Giấc mơ trở thành một đế chế năng lượng đã là mục tiêu của tổng thống Vladimir Putin trong gần 20 năm qua, và giờ đây nó đang đứng trước nguy cơ ra đi vĩnh viễn.

Vấn đề tương lai của ngành dầu khí nói riêng và tương lai của nền kinh tế Nga nói chung chưa khi nào lại được đặt ra một cách nghiêm túc và đầy ưu tư đến thế ở thời điểm hiện tại. Một trong những sự kiện gây tiếng vang nhất trong nền kinh tế Nga tuần này là bài báo do tỷ phú Nga Petr Aven và hai nhà kinh tế ở Moscow có tựa đề “Buổi hoàng hôn của các petrostate”, trong đó đặt ra vấn đề rằng liệu đã đến lúc Nga cần chấm dứt chính sách đặt trọng tâm phát triển kinh tế lên vai các tập đoàn năng lượng vẫn được biết đến với biệt danh “petrostate” (nhà nước dầu lửa) như một cách thể hiện tầm quan trọng của các tập đoàn này trong nền kinh tế Nga. Đó là Gazprom, đó là Rosneft, các tập đoàn dầu mỏ, khí đốt nổi tiếng không chỉ trong lãnh thổ Nga mà còn ở châu Âu và trên toàn cầu.

Sở dĩ bài báo của Aven gây tiếng vang, không chỉ do tầm quan trọng của vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại, mà còn ở chỗ lý lịch của nhà tỷ phú là tác giả bài báo nữa. Petr Aven là Bộ trưởng thương mại của Nga trong giai đoạn những năm 1992, khi đó Vladimir Putin đang giữ vị trí phụ trách các vấn đề thương mại quốc tế tại văn phòng thị trưởng thành phố St.Petersburg, mối quan hệ và sự chia sẻ những nhận thức chung về các vấn đề kinh tế và thương mại quốc tế giữa Aven và Putin vì thế là rất mật thiết.

Sau khi ông Putin trở thành tổng thống Nga thì Aven là cổ đông lớn và là một trong những người điều hành tập đoàn Rosneft. Vì thế, ở thời điểm hiện tại Aven vừa là một trong những người thân cận nhất của tổng thống Putin, lại vừa là một trong những người am hiểu nhất về các tập đoàn năng lượng của Nga, nói cách khác là một trong những người đủ tư cách nhất để bàn luận và đáng để lắng nghe nhất về vấn đề tương lai của nền kinh tế Nga có nên tiếp tục đặt trọng tâm vào các tập đoàn năng lượng hay không.

Quan điểm chủ chốt trong bài báo của Petr Aven là: thị trường dầu lửa thế giới sẽ không bao giờ còn trở lại sự thịnh vượng như cách đây vài năm, khi giá dầu ở trên mức 100 USD/thùng. Mặc dù không trực tiếp khẳng định sự thất thế đối với tầm quan trọng của dầu mỏ với thế giới trong tương lai, nhưng Aven đưa ra những luận điểm chủ chốt để cho rằng, vai trò của dầu mỏ với thế giới trong tương lai sẽ ngày càng giảm dần.

Hai yếu tố chủ chốt nhất tác động tới quá trình này, theo Aven, đều đến từ nước Mỹ. Đầu tiên, đó là cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến. Với cuộc cách mạng này, sản lượng khai thác dầu trên thế giới sẽ ngày càng nhiều trong khi giá thành càng lúc càng giảm do tiến bộ về công nghệ khai thác.

Với cuộc cách mạng dầu đá phiến, sản lượng khai thác dầu trên thế giới có thể tăng hơn 25% trong những năm sắp tới, trong khi nhu cầu sử dụng dầu mỏ thì lại đang có xu hướng giảm, trước hết là do tốc độ tăng của dân số thế giới không tương ứng với tốc độ tăng sản lượng khai thác, và sau đó là việc các quốc gia đang ngày càng có xu hướng sử dụng các loại nhiên liệu sạch thay vì dầu mỏ hay than đá. Một trong những ví dụ điển hình là Đức, nước đang có tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch lên tới khoảng hơn 70% tổng năng lượng quốc gia, chủ yếu là năng lượng gió và mặt trời.

Yếu tố thứ hai có thể tác động lớn tới sự sụt giảm tầm quan trọng của dầu lửa, là các tiến bộ về công nghệ. Chiếc xe ô tô điện nổi tiếng mới được trình làng của hãng công nghệ Tesla của Mỹ trong thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình, nó được xem là bước ngoặt trong lĩnh vực công nghệ khi tạo nên một cơn sốt với xe điện, và trực tiếp tác động tới hầu hết các hãng xe danh tiếng nhất toàn cầu đổ xô vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất ô tô điện.

Thậm chí đây được xem là loại phương tiện của tương lai, khi tiềm năng về công nghệ của loại phương tiện này được đánh giá là vượt trội so với các loại xe sử dụng nhiên liệu xăng dầu. Các mẫu ô tô điện được đánh giá là thân thiện với môi trường hơn nhiều so với các loại xe sử dụng xăng và thải ra khí Carbon, chưa kể nó có thể chạy tới 400 dặm mới cần sạc một lần, chi phí vận hành vì thế cũng tiết kiệm hơn nhiều so với ô tô chạy xăng.

Sự ra đời của mẫu ô tô điện bình dân với mức giá chỉ hơn 30.000 USD một chút của Tesla, vì thế đang được xem là lời báo tử cho không chỉ loại hình công nghiệp sản xuất ô tô chạy xăng truyền thống, mà còn cho cả ngành công nghiệp dầu mỏ trong tương lai. Dĩ nhiên, sẽ cần phải mất rất nhiều thời gian để các mẫu xe điện có thể thay thế phần lớn hoặc hoàn toàn các loại xe sử dụng xăng truyền thống, khi mà mục tiêu của Tesla đến năm 2018 cũng chỉ sản xuất khoảng 500.000 xe mà thôi.

Tuy nhiên, không ai dám chắc khoảng thời gian còn lại ấy của ngành công nghiệp dầu mỏ có thể kéo dài bao lâu, vì hiện nay tất cả các hãng xe danh tiếng nhất thế giới đều đổ xô vào nghiên cứu và sản xuất xe điện. Chỉ mình Tesla đến năm 2018 sẽ chỉ sản xuất được 500.000 xe điện, nhưng nếu hầu hết các hãng xe lớn khác cũng tung ra các mẫu xe điện và sản xuất quy mô lớn thì không ai dám chắc điều gì có thể xảy ra với ngành công nghiệp dầu mỏ.

Bài báo của Aven cũng cho rằng, Nga nên tham khảo trường hợp của Ả Rập Saudi, khi cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đã cương quyết cai nghiện dầu. Hoàng tử phó vương Saudi là Mohammad bin Salman đã chính thức công bố kế hoạch cải tổ nền kinh tế nước này với tổng trị giá lên tới 3.000 tỷ USD, trong đó đặt mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế Ả Rập Saudi, đặt nhiều trọng tâm vào các lĩnh vực như thương mại và sản xuất công nghiệp, dù trước đó khá nhiều các quan chức cấp cao Saudi cho biết nước này sẽ vẫn tập trung vào các lĩnh vực năng lượng khác sau khi cai nghiện dầu mỏ, chẳng hạn như khí đốt và nhất là năng lượng mặt trời, vì Saudi sở hữu những sa mạc rộng lớn đầy nắng và có nhiệt độ cao, rất thích hợp để sản xuất điện năng mặt trời quy mô lớn với chi phí chỉ bằng 1/3 mức giá trung bình trên thế giới.

Điều này cho thấy Saudi không chỉ cương quyết cai nghiện dầu mỏ, mà còn là với các loại hình khai thác năng lượng khác, và đặt trọng tâm mạnh mẽ vào các lĩnh vực có mức ổn định và giá trị cao như thương mại và công nghiệp. Aven cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại thì rõ ràng Nga có nhiều lợi thế hơn hẳn, khi nước này trước đó vẫn nằm trong khối 8 nước công nghiệp phát triển là G8.

Vấn đề chủ chốt nhất với Nga ở thời điểm hiện tại theo quan điểm của Aven là, liệu Nga có dám cương quyết cai nghiện dầu mỏ như Ả Rập Saudi đã làm hay không mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoàng hôn của 'nhà nước dầu lửa'