Những quan điểm về chống tự do thương mại, như nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng thất nghiệp với lao động Mỹ của Donald Trump hay Hillary Clinton đang chưa thực sự bao quát được vấn đề.

Cách hiểu của Donald Trump và Hillary Clinton về thâm hụt thương mại với Trung Quốc

26/05/2016, 11:01

Những quan điểm về chống tự do thương mại, như nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng thất nghiệp với lao động Mỹ của Donald Trump hay Hillary Clinton đang chưa thực sự bao quát được vấn đề.

Đâu đang là vấn đề và xu hướng dẫn đầu trong cuộc chạy đua chức tổng thống Mỹ hiện nay, đồng thời được người dân Mỹ quan tâm nhất? Câu trả lời là vấn đề thương mại tự do. Dù khác biệt hầu hết về quan điểm trong phần lớn mọi vấn đề chính trong cuộc tranh cử, thì hầu hết các ứng cử viên lớn nhất hiện nay đều có sự tương đồng trong duy nhất chủ đề tự do thương mại. Từ Donald Trump của đảng Cộng Hòa cho đến Hillary Clinton và Bernie Sanders của đảng Dân chủ, tất cả đều công kích các hiệp định tự do thương mại, nhấn mạnh vào tình trạng thâm hụt thương mại mà Mỹ phải chịu trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc vốn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp, giảm tiền lương ở Mỹ. Dù quan điểm có phần dân túy này đang được nhiều người dân Mỹ ủng hộ, thì trên thực tế mối đe dọa từ vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc đang được người Mỹ hiểu sai.

Các ứng cử viên đang chạy đua đến chức tổng thống Mỹ đã không sai khi chọn vấn đề các tác động của tự do thương mại như một chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử. Các tác động của tự do thương mại với nền kinh tế Mỹ là rất rõ ràng. Dù đã đem lợi rất nhiều lợi ích như giảm giá thành các hàng hóa nhập khẩu, thì tự do thương mại cũng đang lấy đi không ít từ nền kinh tế Mỹ, chủ yếu là việc làm và suy giảm tiền lương. Theo thống kê, kể từ thời điểm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, thì tính đến năm 2015 nước Mỹ đã mất tổng cộng khoảng 5 triệu việc làm, đồng thời tiền lương cho lao động ở Mỹ cũng giảm khá mạnh. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp đang gia tăng và ngày càng có sức nóng hơn bao giờ hết trong xã hội Mỹ.

Lý do của tình trạng này là sự chuyển dịch hoạt động sản xuất của các tập đoàn và công ty Mỹ, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ ở nước này. Mức lương trung bình của một lao động Trung Quốc vào năm 2001 – thời điểm nước này gia nhập WTO – là khoảng 60 cent USD một giờ, một mức lương quá rẻ mạt. Dĩ nhiên điều này cũng góp phần mang lại nhiều lợi ích cho người dân Mỹ, chẳng hạn như iPhone được sản xuất ở Trung Quốc rồi xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ có giá rẻ hơn nếu như Apple vẫn đặt cơ sở sản xuất của mình tại Mỹ. Nhưng, nó cũng tạo ra một bộ phận lớn người thất nghiệp, chủ yếu là những lao động chân tay đơn giản mà nước Mỹ vẫn quen gọi là những “công nhân cổ xanh”. Việc nhấn mạnh vào các tác động tiêu cực của tự do thương mại, mà tình trạng thất nghiệp gia tăng là một ví dụ, đang là chiến thuật của các ứng cử viên để tranh thủ sự ủng hộ của hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp hiện nay.

Nhưng, trên thực tế, dường như tất cả các ứng cử viên đang chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ đều đang nhận thức sai về hệ quả mà tự do thương mại đem lại, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Theo đó, vấn đề lớn nhất mà kinh tế Mỹ phải đối mặt trong tương lai không phải là vấn đề thất nghiệp của những công nhân cổ xanh, mà là của những “công nhân cổ trắng” – tức lực lượng lao động trí óc trong nền kinh tế. Trên thực tế, đe dọa của Trung Quốc với lực lượng công nhân cổ xanh Mỹ trong tương lai gần là rất ít, vì lực lượng lao động ở Trung Quốc đã sắp đạt đỉnh và không thể lấy thêm việc làm của người Mỹ cũng như các nước khác nữa. Theo thống kê, lực lượng lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh ở mức 234 triệu lao động vào năm 2012 và bắt đầu có xu hướng giảm xuống, nói cách khác công nhân Mỹ sẽ không mất thêm việc làm vào tay công nhân Trung Quốc như trước nữa.

Mối đe dọa lớn nhất với Mỹ trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong tương lai lại đang là vấn đề những “công nhân cổ trắng”. Trái ngược với công nhân cổ xanh đang có xu hướng giảm, lực lượng công nhân cổ trắng ở Trung Quốc đang gia tăng rất mạnh, trong hơn một thập niên qua đã có khoảng 60 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp ở Trung Quốc, và đến năm 2030 con số này có thể lên đến 200 triệu, tức là cao hơn toàn bộ lực lượng lao động trong nền kinh tế Mỹ hiện nay. Điều này có nghĩa là, đe dọa thất nghiệp với lao động trí óc ở Mỹ đang ngày càng tăng lên, vì lao động chân tay Trung Quốc đã từng lấy đi việc làm từ công nhân Mỹ, thì giờ đây lao động trí óc Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự.

Đã có rất nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng này đang ngày càng gia tăng. Điển hình là trong lĩnh vực công nghệ, nơi các tập đoàn và công ty Mỹ như Apple hay Microsoft đang thuê ngày càng nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu Trung Quốc hơn. Sự cạnh tranh việc làm giữa các công nhân cổ trắng hiện nay đang có xu hướng nghiêng về phía Trung Quốc, do trình độ giữa hai bên không quá chênh lệch trong khi tiền lương mà công nhân cổ trắng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận lại thấp hơn so với Mỹ.

Đó là chưa kể, các công nhân cổ trắng Mỹ đang phải cạnh tranh ngay trên chính sân nhà của mình. Theo thống kê số sinh viên Trung Quốc đến các trường đại học Mỹ để học tập đang ngày càng gia tăng với tốc độ rất nhanh. Nếu như con số này chỉ là hơn 65.000 sinh viên vào năm 2005, thì đến năm 2015 nó đã tăng lên thành 304.000 sinh viên. Rất nhiều trong số này đang ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp, và đang trực tiếp cạnh tranh và lấy đi việc làm của rất nhiều sinh viên Mỹ. Và xu hướng này sẽ ngày càng gia tăng thậm chí còn đe dọa thị trường lao động Mỹ hơn là các tác động mà tự do thương mại đem lại, vì người Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu rất cao sang Mỹ du học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Điều này đang cho thấy những quan điểm về chống tự do thương mại như là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng thất nghiệp với lao động Mỹ của Donald Trump hay Hillary Clinton đang chưa thực sự bao quát được vấn đề. Kể cả khi Mỹ đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc hay buộc các công ty Mỹ chuyển nhà xưởng về nước, thì nước Mỹ cũng sẽ không thể ngăn cản làn sóng cạnh tranh việc làm từ phía các “công nhân cổ trắng” đến từ Trung Quốc. Nghĩa là mức thất nghiệp sẽ vẫn cao.

Điều này có nghĩa, trừ phi Mỹ cắt đứt mọi quan hệ kinh tế với Trung Quốc và cấm du học sinh nước này sang Mỹ học tập và ở lại làm việc, còn nếu không thì kinh tế Mỹ sẽ vẫn phải chịu một số tác động từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc, theo cách này hay cách khác. Và việc ngăn chặn các hiệp định thương mại như các ứng cử viên cho chức tổng thống Mỹ hiện nay đang làm, rõ ràng không phải là một giải pháp có hiệu quả về lâu dài.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách hiểu của Donald Trump và Hillary Clinton về thâm hụt thương mại với Trung Quốc