Dự đoán của nhiều chuyên gia trên thị trường dầu lửa thế giới đã trở thành hiện thực, khi cuối cùng giá dầu cũng đã tăng chạm mốc 50 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 26.5 vừa qua,

Giá dầu đạt 50 USD và dấu mốc cho sự tan rã của OPEC?

29/05/2016, 06:12

Dự đoán của nhiều chuyên gia trên thị trường dầu lửa thế giới đã trở thành hiện thực, khi cuối cùng giá dầu cũng đã tăng chạm mốc 50 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 26.5 vừa qua,

Đây được xem là kết quả tất yếu của đà tăng liên tục của giá dầu trong khoảng thời gian hơn một tháng trước đó. Việc giá dầu chạm mốc 50 USD/thùng sau gần hai năm liên tục ở dưới mức giá này được xem như một sự hồi sinh của thị trường dầu mỏ, đồng thời cũng đem lại sự hồi sinh cho không ít các quốc gia xuất khẩu dầu trên thế giới đã rơi vào tình trạng khó khăn do giá dầu sụt giảm quá mạnh trong hai năm qua. Nhưng, mức giá 50 USD/thùng này lại đang có thể là dấu hiệu cho một sự báo tử khác, khi nó có thể sẽ là dấu mốc cho sự tan rã của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC).

Việc giá dầu quay trở lại mức 50 USD/thùng đang là một tin không thể vui hơn cho khá nhiều các quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước xuất khẩu dầu. Đó là Nga, khi mức giá 50 USD/thùng hiện nay được xem là đã ở rất gần mức giá đủ để giúp nước này cân bằng ngân sách là 60 USD/thùng; tương tự là Iran và Iraq khi mức giá đủ để các nước này cân bằng ngân sách cũng là khoảng gần 60 USD/thùng. Kuwait và Qatar thì dễ thở hơn, ngân sách của hai nước này sẽ được cân bằng khi giá dầu chạm mức ngoài 50 USD/thùng một chút. Tuy nhiên, niềm vui này có thể sẽ không được kéo dài khi mức giá 50 USD/thùng hiện nay cũng đang ở rất gần mốc 60-65 USD/thùng vốn là mức giá đủ để các công ty khai thác dầu phiến Mỹ quay trở lại hoạt động, vốn là một động thái có thể đẩy giá dầu xuống thấp trở lại.

Nhưng, điều quan trọng hơn hết trong sự kiện giá dầu quay trở lại mức 50 USD/thùng lần này, là nó dường như đang báo hiệu một sự tan rã thực sự của OPEC, với vai trò là tổ chức có khả năng can thiệp vào giá dầu mạnh nhất trên thế giới. Dù các quan chức của ngành dầu lửa Ả Rập Saudi tuyên bố, nguyên nhân giá dầu tăng cao trở lại lần này là kết quả của chiến lược ghìm giá dầu thấp của OPEC do nước này khởi xướng trong suốt hơn hai năm qua để buộc các nước nằm ngoài OPEC như Mỹ hay Nga chùn chân, thì thực tế lại không như vậy. Trước hết, việc giá dầu tăng trở lại lần này phần lớn do các yếu tố khách quan, như nạn cháy rừng ở Canada và bất ổn chính trị tại Nigeria khiến sản lượng khai thác bị giảm khá mạnh. Nói cách khác, việc giá dầu tăng trở lại không hoàn toàn do chính sách giữ nguyên sản lượng khai thác của OPEC do Saudi khởi xướng. Và về một khía cạnh nhất định, nó đang là minh chứng cho sự thất bại của Saudi trong tư cách quốc gia lãnh đạo OPEC về mặt chính sách điều hành.

Ngoài ra,việc giá dầu tăng trở lại mức 50 USD/thùng cũng đặt ra một câu hỏi cho OPEC: Làm gì tiếp bây giờ? Trên thực tế Ả Rập Saudi đã chính thức công khai dự án cải tổ nền kinh tế, trong đó nước này sẽ hướng đến đa dạng hóa nền kinh tế thay vì phụ thuộc vào dầu mỏ như trước. Dù Saudi vẫn đang là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới thì việc đa dạng hóa nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc nước này đang chuẩn bị rời khỏi cuộc chơi với tư cách người đứng đầu OPEC. Saudi từ lâu đã không còn quan tâm đến cuộc chiến trên thị trường dầu, khi nước này đã sa thải người lãnh đạo ngành công nghiệp dầu của mình trong suốt hai thập niên qua là Ali al-Naimi, người vốn chủ trương giữ nguyên sản lượng để buộc Nga và Mỹ khuất phục, và thay bằng Khalid al-Falih. Al-Falih được xem là một nhà quản trị linh hoạt hơn, được đặt lên chiếc ghế này nhằm hướng đến việc cổ phần hóa tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi là Aramco – một biểu tượng cho nỗ lực chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào dầu lửa của Ả Rập Saudi.

Việc Saudi không còn là nước đề ra chiến lược chung cho OPEC và lên kế hoạch ứng phó với những sự biến động trên thị trường, mà điển hình là việc giá dầu quay trở lại mốc 50 USD/thùng lần này, đang là những dấu hiệu cho thấy một sự tan rã âm thầm của OPEC. OPEC trên thực tế đã không còn có thể can thiệp mạnh nhất vào giá dầu trên thị trường thế giới như đã làm trong hơn 50 năm qua, điển hình là sự thất bại của thỏa thuận đóng băng sản lượng ở Doha, Qatar. Có khả năng chi phối mạnh nhất đến giá dầu thế giới hiện nay là Mỹ, cụ thể hơn là các công ty dầu đá phiến Mỹ.

Trên thực tế, các công ty dầu đá phiến Mỹ không có khả năng can thiệp vào giá dầu theo ý muốn của mình, nhưng các công ty này lại là tác nhân đảm bảo rằng giá dầu sẽ khó có thể quay trở lại mức 70 USD/thùng. Sự sụt giảm mạnh giá dầu trong thời gian qua đã khiến cho khá nhiều các công ty dầu phiến Mỹ rơi vào cảnh ngưng hoạt động do không có lãi, theo thống kê thì sản lượng dầu khai thác của Mỹ đã giảm liên tiếp trong 11 tuần vừa qua và xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm tháng 9.2014, và sản lượng khai thác trung bình của Mỹ trong năm nay sẽ giảm khoảng 8,5% so với năm 2015. Ngoài Mỹ , các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC cũng bị ảnh hưởng theo, khi tổng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC đã có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1992. Tuy nhiên, theo tính toán của các tập đoàn năng lượng, mức giá 60-65 USD/thùng là đủ để hầu hết các công ty dầu phiến quay trở lại hoạt động, và có thể lại đẩy giá dầu xuống thấp hơn do nguồn cung tăng vọt.

Điều này có nghĩa OPEC gần như chẳng còn lý do gì để tồn tại, khi mà quyền quyết định giá dầu giờ đây đang bị chia đôi, một nửa trong tay OPEC còn một nửa trong tay người Mỹ. OPEC có thể quyết định hạ giá dầu xuống theo ý muốn như họ đã làm trong hơn hai năm qua, nhưng người có thể nâng giá dầu lên cao vượt quá mức 65-70 USD/thùng thì lại là các công ty dầu phiến Mỹ. Và khi mà nước lãnh đạo OPEC trong hơn 50 năm qua là Ả Rập Saudi đã tuyên bố đa dạng hóa nền kinh tế để không phụ thuộc vào dầu mỏ như hơn nửa thế kỷ qua nữa, thì cũng là OPEC đến lúc tan rã. Khi lý do để tồn tại đã không còn, còn người lãnh đạo thì không còn quá mặn mà với dầu mỏ, việc OPEC tan rã là điều sớm muộn sẽ xảy ra mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá dầu đạt 50 USD và dấu mốc cho sự tan rã của OPEC?