“Trước đây người ta nấu nước đường tạo vị ngọt và ép nước trái cây lấy màu xanh đỏ để chế biến sirô. Nhưng hiện nay làm như vậy vừa tốn công vừa không có lời, nên sirô chủ yếu làm bằng màu công nghiệp và đường hóa học”, Năm Bình thừa nhận.

Hiểm họa trong ly sirô đá bào siêu rẻ trước cổng trường

Hùng Anh | 19/04/2019, 05:59

“Trước đây người ta nấu nước đường tạo vị ngọt và ép nước trái cây lấy màu xanh đỏ để chế biến sirô. Nhưng hiện nay làm như vậy vừa tốn công vừa không có lời, nên sirô chủ yếu làm bằng màu công nghiệp và đường hóa học”, Năm Bình thừa nhận.

Tiết lộ từ người kinh doanh sirô đá bào siêu rẻ

Mới 7 giờ sáng, Năm Bình đã ì ạch dắt chiếc xe gắn máy cà tàng ra khỏi khu nhà trọ, chuẩn bị 1 ngày bán hàng. Xe hàng di động của Năm Bình chẳng có gì nhiều, gồm 2 chiếc thùng lạnh đựng nước đá xay nhuyễn mà anh ta đến cơ sở cung cấp nước đá đem về nhà từ sáng, chiếc giỏ xách cũ mèm đựng mớ ly nhựa dùng 1 lần, bịch ống hút nhựa và mấy cái chai lem luốc bên trong là các loại nước đủ màu xanh, đỏ, vàng… mà Bình gọi là sirô, kèm hộp sữa đặc và bịch kem tươi chẳng có nhãn hiệu. “Mấy tháng nay trời nắng nóng gay gắt nên hàng bán được lắm, phải đi sớm, chứ bình thường khoảng 9 giờ tui mới ra khỏi nhà trọ”, Năm Bình phân bua.

Năm Bình cho biết, quê gốc của mình ở 1 xã vùng sâu của H.Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), nhưng vườn ruộng không có, nên đến TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, thuê nhà trọ làm đủ thứ nghề để kiếm sống đã nhiều năm. 3 năm gần đây, Năm Bình chịu khó chạy xe gắn máy đi bán dạo mặt hàng sirô đá bào, kem cây ở các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, các khu nhà trọ công nhân có đông trẻ em.

Xe bán sirô đá bào trước cổng trường học - Ảnh: Thanh Anh

“Hồi nhỏ đi học tui cũng mê món sirô đá bào đủ màu xanh đỏ mát lạnh trước cổng trường. Theo tui nhớ, hồi đó những người bán món sirô đá bào rất công phu, phải nấu nước đường lấy vị ngọt, rồi ép trái cam, chanh, khóm… lấy nước pha vô nước đường nấu tiếp mới thành sirô trái cây bán cho học trò. Khi đám học sinh tụi tui đến mua, người bán lấy cục nước đá để lên 1 dụng cụ giống như cái ghế bằng gỗ nhỏ có gắn lưỡi dao kim loại, bào tới bào lui cho nước đá nhuyễn ra, sau đó cho vô ly, chế nước sirô vào, ngon tuyệt”, Năm Bình nhớ lại.

Lúc mới vô nghề, Năm Bình nhớ chuyện hồi nhỏ nên cũng sắm cái ghế bào nước đá bằng gỗ, hì hục nấu nước đường, ép nước trái cây để làm sirô. Nhưng chưa đầy tuần lễ thì Năm Bình quá oải, vì công sức bỏ ra nhiều mà tiền lời chẳng kiếm được bao nhiêu, nên lân la đến các cổng trường hỏi thăm bí quyết kinh doanh món “sirô đá bào tốc hành, siêu rẻ” của những người đi trước. Sau khi nắm được bí mật trong nghề, Năm Bình mới té ngửa vì… ngày nay hầu như chẳng còn ai tự bào đá, tự nấu nước sirô bằng đường cát, nước ép trái cây để bán.

“Mấy “sư phụ” của tui chỉ rõ, muốn đỡ nhọc công thì cứ đến các cơ sở cung cấp nước đá mua đá xay nhuyễn với giá 2.000 đồng/kg. Còn nước sirô thì hiện nay trên thị trường bày bán rất nhiều, với đủ loại màu sắc, đủ thứ mùi như dâu, cam, chanh, bưởi, bạc hà, nho… với giá từ 30.000 - 70.000 đồng/chai 500lm tùy nhà sản xuất. 1 chai sirô như vậy chỉ bán được 50 ly sirô đá bào, tiền lời không nhiều, nên ai cũng… tự ra chợ mua phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, hương liệu về làm sirô bán mới có lời. Kem tươi thì mua ký ở các cơ sở sản xuất, thêm hộp sữa đặc có đường nữa là… ra nghề ngon lành”, Năm Bình kể.

Theo lời Năm Bình, mua 1 kg đường “siêu ngọt” mà thực chất là đường hóa học giá 350.000 đồng, thêm khoảng 100.000 đồng phẩm màu và hương liệu các loại đem về pha chế là có thể thu được 100 lít sirô hương trái cây đủ loại để bán. “Cứ tính, 1 lít sirô tự chế làm được 100 ly sirô đá bào, bán với giá siêu rẻ 5.000 đồng/ly, sau khi trừ chi phí nước đá, ly nhựa, ống hút, xăng xe… thì cũng còn lời 3.000 đồng/ly.

Gần đây nhiều người bán sirô đá bào còn cho thêm vào ly nước chút kem tươi, chút sữa để thu hút học trò, bán với giá 5.000 đồng/ly nhỏ, 10.000 đồng/ly lớn, kiếm lời nhiều hơn. Mấy “sư phụ” còn chỉ tui 1 chiêu thức để đánh lừa những người tiêu dùng cẩn thận: cứ đến vựa ve chai tìm mua những chai sirô có nhãn hiệu đã qua sử dụng đem về rửa sạch, cho sirô tự bào chế vào thì tha hồ bán, chẳng ai nghi ngờ gì hết”, Năm Bình cho biết.

Hiểm họa tiềm ẩn trong ly sirô đá bào siêu rẻ

Theo Võ Quốc, người có thâm niên nhiều năm buôn bán hóa chất, hiện nay sirô đá bào đang là thức uống rất được giới trẻ ưa thích trong những ngày nóng bức. Nhưng tại các quán giải khát, 1 ly sirô đá bào được pha chế an toàn bằng nước đá, nước sirô sạch, kem, sữa tươi bảo đảm chất lượng dùng kèm với mứt trái cây hoặc trái cây tươi các loại có giá từ 20.000 - 40.000 đồng tùy ly lớn nhỏ, vượt quá khả năng của các học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Chính vì vậy mà món sirô đá bào siêu rẻ với giá 5.000 - 10.000 đồng/ly vẫn sống khỏe ở các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở từ thành thị đến nông thôn.

“Chưa nói đến chất lượng nước đá hiện nay không đảm bảo an toàn, nhiễm đủ loại vi khuẩn gây bệnh; chỉ riêng phần nước sirô làm bằng đường hóa học, phẩm màu công nghiệp và các loại hương liệu trái cây, kem tươi không rõ nguồn gốc đã rất nguy hiểm đối với sức khỏe các em học sinh. Chỉ cần nhìn các em sau khi uống các ly sirô đá bào siêu rẻ mà cả giờ đồng hồ sau môi, miệng, lưỡi vẫn còn dính đủ màu xanh, đỏ, vàng… thì biết chất lượng củanước sirô như thế nào”, Quốc cho biết.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Thu ở P.6, TP.Mỹ Tho có con đang học THCS, cho biết bản thân bà rất lo ngại chất lượng thức uống của các xe nước ngọt, trà sữa, sirô đá bào trước cổng trường, nhưng không thể kiểm soát được con mình có mua nước ở những xe này để uống hay không. Theo 1 giáo viên chuyên ngành hóa - sinh ở Tiền Giang, hiện nay nhiều người chế biến thực phẩm, đặc biệt là chế biến các loại nước ngọt, sirô, đang sử dụng 3 loại đường hóa học rất phổ biến là Saccharin, Aspartame và Maltodextrin, bất chấp tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Các loại đường hóa học đều có vị ngọt cao gấp nhiều lần đường tự nhiên chế biến từ mía (cụ thể đường Saccharin có độ ngọt cao từ 200 - 700 lần so với đường tự nhiên), có đặc tính dễ tan trong nước, không màu, không mùi, khó phát hiện. Thực phẩm có chứa đường hóa học chỉ được phát hiện khi người dùng cảm nhận được vị ngọt gắt bất thường và sau khi ăn uống sẽ có vị chát đắng đọng lại rất lâu trong cổ họng.

Sirô đá bào siêu rẻ giá 5.000 - 10.000 đồng/ly - Ảnh: Thanh Anh

Theo vị giáo viên này, trên thực tế dù 3 loại đường hóa học nêu trên được phép sử dụng, nhưng các cơ quan chuyên môn luôn lưu ý, khuyến cáo kỹ càng về liều lượng dùng trong chế biến thực phẩm để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên do chạy theo lợi nhuận nên nhiều người chế biến thực phẩm đã vô tư sử dụng đường hóa học quá mức cho phép, khiến sản phẩm trở nên độc hại đối với người tiêu dùng.

Cụ thể, đường Saccharin khi vào cơ thể quá liều lượng sẽ gây ra nhiều phản ứng như đau đầu dữ dội, tiêu chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Đối với đường Aspartame, nếu sử dụng quá liều lượng lâu ngày thì sẽ gây ra các chứng như giảm thị lực, mù lòa, ù tai, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, mất ngủ, nếu phụ nữ có thai sử dụng thì thai nhi dễ bị dị tật. Riêng đường Mattodextrin là nguyên nhân gây ra hiện tượng đường trong máu tăng cao, dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Trong khi đó các loại phẩm màu công nghiệp (màu tổng hợp) đều rất độc hại và có nhiều khả năng gây ung thư cho cơ thể con người.

“Điều đáng nói là lâu nay hầu như các cơ quan chuyên môn không đả động gì đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm của những xe bán thức ăn, thức uống trước cổng các trường học. Nếu các em học sinh chưa bị ngộ độc thực phẩm tức thì sau khi sử dụng thức ăn, thức uống chứa đường hóa học, phẩm màu công nghiệp thì việc các em liên tục ăn uống các loại thực phẩm không an toàn lâu ngày sẽ dẫn đến quá trình tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ gây ung thư và các bệnh mãn tính rất cao”, vị giáo viên nói.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểm họa trong ly sirô đá bào siêu rẻ trước cổng trường