Nghiện đường đang gia tăng. Trên toàn cầu, lượng đường tiêu thụ đã tăng gấp bốn lần trong 60 năm qua và hiện chiếm khoảng 8% tổng lượng calo mà chúng ta nạp.
Nghe có vẻ như đường giúp chúng ta no bụng, nhưng thực chất đường bổ sung là calo rỗng. Chúng không có bất kỳ chất dinh dưỡng nào như vitamin hoặc chất xơ. Kết quả là gánh nặng khổng lồ lên sức khỏe cộng đồng với đường liên quan đến tình trạng béo phì trên toàn thế giới. Một số ước tính cho thấy một nửa dân số toàn cầu có thể bị béo phì vào năm 2035.
Theo ước tính chỉ riêng tại Mỹ, việc cắt giảm 20% lượng đường có thể tiết kiệm được 10,3 tỉ USD chi phí y tế. Tuy nhiên, tác động của đường không chỉ giới hạn ở sức khỏe và tiền bạc.
Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề về môi trường do trồng đường, như mất môi trường sống và đa dạng sinh học, ô nhiễm nước từ phân bón và nhà máy. Nhưng nhìn chung, mặc dù là loại cây tạo đường được trồng nhiều nhất trên hành tinh, nhưng đường vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng khoa học.
Làm thế nào để giảm tiêu thụ đường?
Trong một bài viết gần đây, hai nhà khoa học (Giáo sư toàn cầu của Viện Hàn lâm Anh Paul Behrens, đồng thời Chủ nhiệm chương trình Tương lai của thực phẩm thuộc Đại học Oxford và Nhà nghiên cứu chính Alon Shepon từ Khoa nghiên cứu môi trường, Đại học Tel Aviv) đã đánh giá tác động của đường đối với môi trường và khám phá các cách thức để giảm lượng đường trong chế độ ăn uống xuống mức khuyến nghị thông qua việc giảm sản xuất hoặc sử dụng đường theo những cách có lợi cho môi trường.
Bằng cách loại bỏ dần đường, chúng ta có thể tiết kiệm đất đai có thể được tái tạo và tích trữ carbon. Điều này đặc biệt quan trọng ở các vùng nhiệt đới đa dạng sinh học, nơi sản xuất đường tập trung như Brazil và Ấn Độ.
Nhưng một lựa chọn khác, dễ được các nước vốn dựa vào xuất khẩu đường chấp nhận hơn là chuyển hướng đường khỏi chế độ ăn uống và chuyển chúng sang các mục đích sử dụng có lợi cho môi trường khác như nhựa sinh học hoặc nhiên liệu sinh học.
Nghiên cứu của hai nhà khoa học cho thấy triển vọng lớn nhất là sử dụng đường để nuôi các vi khuẩn tạo ra protein. Sử dụng đường cho loại protein vi khuẩn này có thể sản xuất đủ các sản phẩm thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật để nuôi sống 521 triệu người. Và nếu dùng thay thế protein động vật, nó cũng có thể mang lại lợi ích rất lớn về việc giảm khí thải và nước.
Hai nhà khoa học ước tính rằng nếu protein này thay thế thịt gà, nó có thể giảm gần 250 triệu tấn khí thải. Chúng ta sẽ thấy mức tiết kiệm còn lớn hơn khi thay thế thịt bò. Vì đường có tác động đến khí hậu thấp hơn nhiều so với thịt, nên điều này rất hợp lý.
Một giải pháp thay thế khác là chuyển hướng sang dùng đường để sản xuất nhựa sinh học, thay thế khoảng 20% tổng thị trường polyethelyne, một trong những dạng nhựa phổ biến nhất và được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ bao bì đến ống. Hoặc nếu sản xuất nhiên liệu sinh học, chúng ta có gần 200 triệu thùng ethanol.
Brazil hiện sản xuất khoảng 85% ethanol của thế giới và họ sản xuất chúng từ đường. Nhưng thay vì phải trồng nhiều đường hơn để sản xuất ethanol, chúng ta có thể chuyển hướng đường từ chế độ ăn uống. Ước tính này dựa trên một thế giới mà chúng ta giảm lượng đường trong chế độ ăn uống xuống mức tối đa trong các khuyến nghị về chế độ ăn uống (hướng tới đường chiếm 5% lượng calo hàng ngày). Lợi ích sẽ còn nhiều hơn nữa nếu chúng ta giảm lượng đường tiêu thụ sâu thêm
Thách thức về chuỗi cung ứng
Nghe có vẻ như là một chiến thắng lớn: cắt giảm đường để giảm béo phì và bảo vệ môi trường. Nhưng những thay đổi này đặt ra một thách thức lớn trong chuỗi cung ứng đường trải dài hơn 100 quốc gia và hàng triệu người phụ thuộc vào thu nhập từ đường.
Các chính sách quốc gia như thuế đường rất quan trọng, nhưng việc phối hợp quốc tế cũng rất quan trọng trong chuỗi cung ứng rộng lớn như vậy. Nông nghiệp bền vững đang được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc, COP29, tại Azerbaijan. Sản xuất đường bền vững nên được đưa vào các cuộc đàm phán toàn cầu do có nhiều vấn đề về môi trường và nảy sinh từ việc thay đổi cách chúng ta trồng và tiêu thụ đường.
Hai nhà khoa học cũng đề xuất rằng các nhóm quốc gia có thể cùng nhau hợp tác trong quan hệ đối tác chuyển đổi đường giữa người sản xuất và người tiêu dùng, khuyến khích chuyển hướng đường khỏi chế độ ăn uống của mọi người sang những mục đích sử dụng có lợi hơn. Tổ chức Y tế Thế giới có thể điều phối việc này, tổ chức đã kêu gọi giảm lượng tiêu thụ đường. Một số tiền để tài trợ cho những nỗ lực này thậm chí có thể đến từ một phần tiền trong ngân sách quốc gia dành cho y tế.
Hai nhà khoa học kết luận: Chúng ta không thể hy vọng chuyển đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ đường chỉ sau một đêm. Nhưng bằng cách khám phá những công dụng khác của đường, chúng ta có thể nhấn mạnh những lợi ích về môi trường mà chúng ta đang bỏ lỡ và giúp các nhà hoạch định chính sách vạch ra con đường tiết kiệm tài nguyên cho ngành công nghiệp này đồng thời cải thiện sức khỏe cộng đồng.