Giáo sư Trương Nguyện Thành, Hiệu phó trường ĐH Văn Lang đã có những chia sẻ rất chân thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11).

'Giáo sư quần đùi' Trương Nguyện Thành: Ngày nhà giáo bàn về Dục

Trương Nguyện Thành | 20/11/2020, 08:30

Giáo sư Trương Nguyện Thành, Hiệu phó trường ĐH Văn Lang đã có những chia sẻ rất chân thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11).

“Tôi xin chúc quý thầy cô một ngày thật đầy ý nghĩa và hạnh phúc với lựa chọn nghề trồng người của mình. Cũng không có ngày nào tốt hơn để quý thầy cô có cơ hội bỏ ra vài phút lắng đọng để suy nghĩ về triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục là nền tảng lý luận để đưa ra các giải pháp, quy trình, cơ chế... cho đào tạo.

truongnguyenthang-gd.jpg
Giáo sư Trương Nguyện Thành, Hiệu phó trường ĐH Văn Lang

Thế triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

Sau một thời gian suy nghĩ và quan sát thì tôi cho rằng chúng ta không phải truy tìm triết lý giáo dục Việt Nam ở đâu xa mà nó thật sự nằm trong hai chữ ‘Giáo dục’!

"Giáo dục" xuất phát từ tiếng Nôm, giáo (教) có nghĩa là "dạy cho biết”, dục (育) có nghĩa là "nuôi nấng"; giáo dục có nghĩa là nuôi dạy. Thế thầy cô ở trường dạy điều gì? Theo quan sát tôi nhận thấy trường học Việt Nam tập trung phần chính ở trí dục, dạy kiến thức và một phần nhỏ thể dục. Còn đức dục, dạy nhân cách thì phần lớn rơi vào trách nhiệm của cha mẹ qua thể hiện của câu tục ngữ ‘Tiên học lễ, hậu học văn’.

Điều quan trọng là giáo dục phản ảnh triết lý và nhận định trọng tâm của quy trình đào tạo nằm ở việc “dạy” chứ không phải ở việc “học” và trách nhiệm nằm ở người lớn trong việc “nuôi” chứ không ở “người học”. Nói một cách khác nếu không có ai dạy thì không có lý do để học và được phản ảnh qua câu tục ngữ ‘Không thầy đố mày làm nên’. Và nếu không có ai nuôi cho ăn học thì không có áp lực để học? Điều này có thật sự phản ảnh trong văn hóa xã hội của người Việt chúng ta chăng? Tôi nghĩ quý thầy cô và các bạn có thể đưa ra nhận định riêng cho mình trong vấn đề này.

Câu hỏi chính cho mọi chúng ta rằng “Triết lý giáo dục” này có còn phù hợp cho phát triển xã hội và kinh tế Việt Nam ngày nay và tương lai hay không? Cá nhân tôi cho rằng “không”.

Chúng ta đang chứng kiến tốc độ ứng dụng công nghệ vào cuộc sống đang tăng ở cấp độ nhân nếu không nói là cấp lũy thừa. Điều này đưa đến thay đổi nhanh chóng trong thị trường lao động đòi hỏi con người cần phải học hỏi suốt đời (life-long learning) mà chúng ta thường nghe trong thập niên qua. Con người cần phải có kỹ năng học, xóa học, học lại cái mới liên tục. Nhưng để làm được điều này thì trọng tâm của quy trình đào tạo là ở việc “học” chứ không còn ở việc “dạy”. Người học có thể học từ nhiều nguồn khác nhau, từ bạn bè, đồng nghiệp, ở công ty, trên mạng, kể cả từ robots chứ không chỉ từ thầy cô. Lúc bấy giờ vai trò của thầy cô là người hỗ trợ chứ không còn là tâm điểm truyền đạt kiến thức.

Trách nhiệm của việc học lúc bấy giờ không còn ở người “nuôi” nữa mà ở người học. Giá trị “tự” như tự giác, tự lập trở nên quan trọng. Để có kỹ năng học hỏi suốt đời thì phải có kỹ năng TỰ HỌC. Mà muốn có nó thì phải xuất phát từ lòng ham muốn học hỏi kiến thức của chính bản thân người đó.

Vì "Giáo dục" xuất phát từ tiếng Nôm thì nên chăng chúng ta nên tìm ở tiếng Nôm một triết lý đào tạo mới. Dục trong "Giáo dục" có nghĩa là nuôi nấng như nói trên. Nhưng trong tiếng Nôm chữ Dục (欲) mang nghĩa là "ham muốn" như dục vọng. Ngoài ra chữ thức (识) có nghĩa là sự hiểu biết như kiến thức, tư tưởng, điều suy nghĩ trong đầu như ý thức.

Nên chăng chúng ta nên đổi chữ "Giáo dục" (教育) thành "Thức dục" (识 欲) - Ham muốn kiến thức và ý thức?

Với ham muốn kiến thức và ý thức thì trọng tâm của quy trình đào tạo là ở người học. Người học có thể tự tìm tòi, học hỏi kiến thức ở nhiều nguồn khác nhau và có thể học ở bất kỳ nơi đâu ở bất kỳ thời điểm nào cũng như tự rèn luyện ý thức hệ của mình.

Một lần nữa chúc quý thầy cô một ngày Nhà giáo Việt Nam vui vẻ, hạnh phúc với nhiều suy tư. Tôi biết cá nhân mình thường suy nghĩ hơi khác người nên nếu có nói điều gì phật lòng thì thành thật xin lỗi quý thầy cô”.

Bài liên quan
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận giải thưởng 'Nobel châu Á'
Tối 16.11, giải thưởng Ramon Magsaysay (được mệnh danh là Nobel châu Á) lần thứ 66 đã được trao cho các cá nhân, tập thể tại Nhà hát Metropolitan ở thủ đô Manila, Philippines.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Giáo sư quần đùi' Trương Nguyện Thành: Ngày nhà giáo bàn về Dục