Trải qua 100 năm xây dựng, trưởng thành và 60 năm mang tên Lê Hồng Phong; trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đang đứng trước vận hội mới - vận hội đưa giáo dục Việt Nam hòa nhập với giáo dục thế giới.

Ngôi trường anh hùng ở vùng quê văn hiến

Trần Bá Giao | 17/11/2020, 11:34

Trải qua 100 năm xây dựng, trưởng thành và 60 năm mang tên Lê Hồng Phong; trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đang đứng trước vận hội mới - vận hội đưa giáo dục Việt Nam hòa nhập với giáo dục thế giới.

le-hong-phong-nam-dinh-1.jpg

Nam Định xưa thuộc Sơn Nam Hạ, đến đời nhà Nguyễn một phần đất Sơn Nam Hạ được tách ra và đạt tên là tỉnh Nam Định. Nam Định được coi là vùng quê có truyền thống Văn hiến. Từ xa xưa khi nhà Trần coi Nam Định là quê hương của mình thì hào khí Đông A luôn được giữ gìn phát huy hun đúc nên truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử từ xưa đến nay. Đặc biệt trong thời nhà Nguyễn, Nam Định đã được chọn đặt làm nơi Trường Thi để tuyển chọn nhân tài phục vụ cho đất nước.

Trong dòng chảy lịch sử, sau khi đã thôn tính được Việt Nam, thực dân Pháp đã mở trường học ở những nơi có truyền thống hiếu học. Ngày 24.8.1920 theo Văn bản số 2455 của toàn quyền Đông Dương bấy giờ trường Thành Chung Nam Định được thành lập.

Trường Thành Chung là trường học cho cả vùng phía Nam đồng bằng Bắc Bộ để sau này tiếp tục phát triển và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được coi là hậu duệ của trường Thành Chung Nam Định.

Với bề dày lịch sử của mình, 100 năm qua từ trường Thành Chung Nam Định đến trường Lê Hồng Phong Nam Định hiện nay đã đóng góp cho đất nước nhiều anh tài trên nhiều lĩnh vực. Nhiều lãnh tụ cách mạng, nhiều nhà văn hóa, khoa học đã từ trường Thành Chung mà bước vào đời với khí phách của những con người yêu đất nước, yêu nhân dân như các nhà hoạt động cách mạng - các lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam: Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Đức Thọ,.... các nhà giáo mẫu mực như Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Hữu Tảo, Hoàng Ngọc Phách, Phó Đức Tố, Vũ Tam Tập, Đào Văn Định.... Sau Cách mạng Tháng 8 nhiều nhánh trường học được phát triển trên cơ sở từ Trường Thành Chung để rồi tiếp nối, hội tụ thành Trường Cấp 3 Liên Khu III và sau đó là Trường Cấp 3 Lê Hồng Phong.

Với 60 năm mang tên lãnh tụ Lê Hồng Phong (từ năm 1959 đến nay) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn là một trong những trường chất lượng cao của cả nước. Trường đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng quý giá của Đảng và Nhà nước: Danh hiệu Anh Hùng lao động trong trong thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân Chương độc lập: Hạng Ba (1994), Hạng Nhì (1999), Hạng Nhất (2004, 2012) và năm nay 2020 này cùng nhiều Huân chương khác, bằng khen, giấy khen của các cấp... Trường đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi, tài năng sau này trở thành những chính khách, những trí thức, những tướng lĩnh, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay học sinh nhà trường đã giành được 1.454 giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia , với 67 giải Nhất, 475 giải Nhì, 561 giải Ba và 351 giải khuyến khích; 26 Huy Chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế với 04 HCV, 09 HCB, 13 HCĐ; 11 Huy Chương trong các kỳ thi Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 06 HCB, 05 HCĐ. Trong nhiều năm gần đây Trường luôn luôn đứng ở tốp 5 những trường THPT dẫn đầu toàn quốc.

Một thế hệ nhà giáo tâm huyết với nghề dạy học

le-hong-phong-nam-dinh-3.jpg
Buổi tọa đàm giáo dục với chủ đề "Ngôi trường trăm tuổi hôm nay và mai sau"

Xin được phép đi sâu vào phân tích một trong nhưng nguyên nhân dệt nên trang sử vàng Lê Hồng Phong - Nam Định. Trước hết, xin kể đến các thế hệ lãnh đạo nhà trường từ những năm đầu Trường mang tên Lê Hồng Phong. Là một nhà giáo mẫu mực đã từng dạy ở trường Thành Chung, thầy Đào Văn Định được giao làm Hiệu trưởng trường cấp 3 Lê Hồng Phong ngay từ những năm đầu mang tên trường Lê Hồng Phong tiếp nối là thầy Nguyễn Văn Chiểu. Tuy mới chỉ làm Hiệu trưởng được 2 năm học 1962 -1964 nhưng thầy đã để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là thời gian thầy xung phong vào chiến trường miền Nam thời Chống Mỹ. Bị giặc bắt và đưa đi đầy ở nhà tù Phú Quốc, thầy đã nêu cao khí tiết Cách mạng và tiếp tục phát huy sở trường của mình để mở các lớp học ở ngay trong nhà tù của bọn đế quốc Mỹ và tay sai. Sau thầy Chiểu, đến thầy Trần Đức Dực rồi thầy Lê Văn Hạp làm Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Hạp là một nhà giáo có tâm, có tầm và có tài. Những năm làm hiệu trưởng tại trường Lê Hồng Phong, thầy đã chú ý bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương cho học sinh noi theo.

Chính nhờ tấm gương của Thầy mà đội ngũ lãnh đạo nhà trường và giáo viên của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sau này đã noi gương bồi dưỡng, rèn luyện tiếp bước các bậc tiền bối, tiếp tục đưa trường phát triển, như: thầy Phạm Tiến, thầy Nguyễn Văn Xuyên, thầy Vũ Đức Thứ... Thầy Phạm Tiến sau được điều sang làm Phó giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam Ninh, thầy Nguyễn Văn Xuyên lên làm Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam Ninh, sau này khi tách tỉnh, thầy Xuyên được đề bạt là Phó chủ tịch của tỉnh Nam Định.

Bên cạnh đội ngũ lãnh đạo tài giỏi của Trường còn cả một đội ngũ các nhà giáo tâm huyết với nghề. Các thế hệ nhà giáo Lê Hồng Phong thực sự là những nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhiều thầy, cô giáo trưởng thành từ Trường đã được đề bạt giữ chức vụ cao hơn trong ngành giáo dục như các thầy Nguyễn Văn Xuyên Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định, thầy Trần Bá Giao - Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, thầy Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT, thầy Ngô Vĩ Nông, thầy Vũ Đức Thọ đều là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT... nhiều thầy cô giáo tiếp tục học cao hơn đi sâu nghiên cứu khoa học như thầy Nguyễn Quang Trung, thầy Lương Việt Thái, cô Phan Thu Hiền, cô Phan Thị Luyến, cô Nguyễn Thị Hồng Vân...

Các thế hệ học sinh luôn là niềm tự hào của Nhà Trường

Từ những năm 60 của thế kỷ trước nhiều học sinh của Trường đã đạt được các giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi miền Bắc như Nguyễn Đức Đại, Đặng Vũ Bình, Nguyễn Quang Phái, Trần Quang Vinh, Trần Mạnh Thường, Lê Văn Vỵ. Lứa học sinh này có người trở thành nhà văn như Trần Mạnh Thường, người là GS.TS hiệu trưởng một trường Đại học như anh Đặng Vũ Bình... Tiếp nối truyền thống ấy, có năm học, học sinh trường cấp 3 Lê Hồng Phong đạt cả giải nhất toán, giải nhì văn (không có giải nhất), như Nguyễn Văn Tuấn và Tiết Kim Lại (học sinh lớp 10 năm học 1965- 1966)...

Tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương các lứa học sinh của Trường sau Cách mạng Tháng 8 đã là niềm tự hào của quê hương Nam Định. Làm sao mà kể hết được những tấm gương học sinh Lê Hồng Phong tiêu biểu, chỉ xin nêu một số học sinh từ thời cấp 3 liên khu 3 và sau này là Lê Hồng Phong như các Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Phạm Minh Hạc, GS.TS. Trần Đình Thiên (con trai nhà văn Nam Cao - cả hai bố con đều được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh). Tiếp nối thành tích đó, nhiều học sinh Lê Hồng Phong ở thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ XX cũng đã đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, như GS.TS. Bùi Mạnh Nhị, GS.TS. Trần Thọ Đạt, PGS.TS Bùi Anh Tuấn đều từng là Hiệu trưởng Trường Đại học. Nhiều học sinh nhà trường đã vững vàng về chính trị để trở thành các nhà chính trị, đảm đương ở nhiều lĩnh vực: Phạm Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Xây Dựng; Trần Sỹ Thanh - Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội, Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Sĩ Hiệp - đều là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại của Quốc hội; Trần Thanh Nghiêm - Chuẩn Đô đốc -Tư lệnh Hải Quân...

Trường Lê Hồng Phong Nam Định gần đây còn đóng góp cho đất nước nhiều doanh nhân, đó là Phạm Tuấn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Trường Thọ; là một doanh nhân thành đạt - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Fecom (tập đoàn này doanh thu trên 1.000 tỷ/năm; là Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Taseco, Bùi Thị Bạch Hải - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên... Các em dù ở cương vị nào, là chính khách, trí thức, doanh nhân, chiến sĩ... đều rất khiêm tốn bộc lộ niềm kính trọng, tự hào về các thầy, cô giáo, về bạn bè mình - các học sinh của Trường Lê Hồng Phong thân yêu.

Bài học thành công của ngôi trường từng là đơn vị Anh Hùng

le-hong-phong-nam-dinh-2.jpg
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn là niềm tự hào của các thế hệ học sinh

Tự hào về truyền thống yêu nước, anh hùng của quê hương Nam Định, tiếp tục truyền thống, phát huy hơn nữa để xây dựng trưởng thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội (như cách nói trước đây). Đúng như thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hạp từng nói đó là: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân là động lực là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên sức mạnh Lê Hồng Phong”.

Trường Lê Hồng Phong đã coi giáo dục trí dục là trung tâm, cốt yếu. Đây là chức năng đặc trưng của nhà trường trên cơ sở hiểu đúng tương quan của nó đối với các mặt giáo dục khác, nghĩa là nhà trường phải coi giáo dục toàn diện: Đức, Trí, Thể, Mỹ là tổng thể trong hoạt động giáo dục của nhà trường.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định trở thành một trong những trường chất lượng cao của cả nước là nhờ có những nhà giáo làm cán bộ quản lý nhà trường giỏi và một đội ngũ giáo viên có tâm, có tầm hết lòng vì học sinh thân yêu. Xin được nói lời tri ân đối với đội ngũ nhà giáo Trường Lê Hồng Phong Nam Định qua các giai đoạn phát triển của nhà trường.

Các em học sinh của Trường luôn được tôn trọng và yêu thương để niềm tự hào đó được phát huy liên tục, tạo thành một động lực để các lứa học sinh nối tiếp nhau dệt lên bảng vàng thành tích của ngôi trường Anh Hùng ở đất Thành Nam - Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Hướng đi của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định trong thời gian tới.

Ở cuối bài viết này, xin được đề cập đến hướng đi của trường chuyên Lê Hồng Phong Nam Định trong thời gian tới. Một tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam đang chờ đón trường Lê Hồng Phong Nam Định tiếp tục phát triển xứng đáng với truyền thống của quê hương hiếu học, anh hùng...

Trải qua 100 năm xây dựng, trưởng thành và 60 năm mang tên Lê Hồng Phong; trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định đang đứng trước vận hội mới - vận hội đưa giáo dục Việt Nam hòa nhập với giáo dục thế giới. Trong xu thế toàn cầu hóa, trong quá trình xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, văn minh và dân chủ - Giáo dục là quốc sách hàng đầu; trường Lê Hồng Phong Nam Định cần quán triệt tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện để nhà trường là vườn ươm các tài năng có tâm hồn mang tên Việt Nam, có lý tưởng và hoài bão cống hiến cho dân tộc cho đất nước. Trường học phải thực sự là nơi mở ra các cơ hội để tiếp thu văn hóa, văn minh nhân loại, học sinh cần phấn đấu với niềm mê say trở thành “công dân toàn cầu”. Nhà trường cần mở rộng sự giao lưu và Hợp tác Quốc tế để trở thành một trong những trung tâm bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đào tạo được những học sinh ưu tú vươn lên chiếm đỉnh cao khoa học với khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.

Xin bày tỏ niềm kính yêu và sự trân trọng đối với sự cống hiến của các nhà giáo qua những năm tháng xây dựng và phát triển của trường Lê Hồng Phong Nam Định.

Xin bày tỏ niềm tin yêu đối với các thế hệ học sinh đã phát huy truyền thống đáng tự hào của trường Lê Hồng Phong Nam Định trong những năm tháng qua.

Chúc trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định - Đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới, ngày càng phát triển, xứng đáng với quê hương Nam Định hiếu học - anh hùng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi trường anh hùng ở vùng quê văn hiến