Giống như các nước trên thế giới, ngành điện Việt Nam bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện..., giá cả luôn bị điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Giá điện có thể tăng tiếp?

Tuyết Nhung | 09/01/2023, 12:16

Giống như các nước trên thế giới, ngành điện Việt Nam bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán lẻ điện..., giá cả luôn bị điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Theo xu thế phát triển chung của thị trường điện (phù hợp thông lệ quốc tế tại những nước đã thực hiện thị trường bán buôn, bán lẻ điện như Mỹ, Singapore, Anh, các nước Bắc Âu, Úc, Newzeland, Philipines…), khi thị trường bán buôn và bán lẻ điện đi vào hoạt động sẽ có cạnh tranh tại khâu phát điện và khâu bán lẻ điện. Nhà nước chỉ xây dựng khung pháp lý, các đơn vị tham gia thị trường tự do cạnh tranh, giá điện được xác định dựa trên cung - cầu trên thị trường. Riêng khâu truyền tải điện và khâu phân phối điện mang tính độc quyền tự nhiên nên vẫn chịu sự điều tiết của nhà nước (cơ quan nhà nước phê duyệt giá cho các dịch vụ này).

Theo cơ cấu ngành điện nêu trên, Bộ Công Thương cho biết giá bán lẻ điện đến khách hàng sử dụng điện được xây dựng căn cứ theo chi phí sản xuất, kinh doanh điện của từng khâu hay nói một cách khác thì giá điện được xây dựng từ các yếu tố hình thành giá, trong đó có những yếu tố mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát và có những yếu tố chủ quan mà đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát.

Yếu tố chi phí mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát bao gồm: Giá nhiên liệu là giá chủ yếu ảnh hưởng tới giá điện của các nhà máy nhiệt điện (than, khí). Khi giá nhiên liệu biến động theo giá thị trường thế giới thì giá phát điện cũng có biến động tương ứng.

Tỷ giá hối đoái: Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến giá điện thể hiện qua đơn vị phát điện với chi phí nhập khẩu điện được tính theo ngoại tệ; chi phí mua điện từ các nhà máy BOT ngoài sự biến động theo giá nhiên liệu nêu trên còn được tính theo giá công suất (đồng/kW/tháng) và giá điện năng (đồng/kWh) được quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ. Ảnh hưởng gián tiếp đến chi phí mua điện từ các nhà máy khác đối với khoản vay ngoại tệ để đầu tư (được tính trong giá cố định bình quân) do phần lớn các nhà máy có sử dụng vốn vay ngoại tệ.

Đối với đơn vị truyền tải, phân phối điện: Ngoài các khoản vay bằng đồng nội tệ, các đơn vị điện lực còn có các khoản vay bằng đồng ngoại tệ để đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải và phân phối. Như vậy, sẽ phát sinh khoản chi phí do chênh lệch tỷ giá thực hiện và đánh giá lại (được xác định trên cơ sở tỷ giá tại thời điểm đầu năm với tỷ giá tại thời điểm thanh toán gốc vay và tỷ giá tại thời điểm cuối năm).

Cơ cấu sản lượng điện phát: Cơ cấu sản lượng điện phát là tỷ lệ % điện sản xuất tính theo các loại hình nhiệt điện (than, khí, dầu), thủy điện, các dạng năng lượng khác. Mỗi loại hình nhà máy, tùy thuộc vào đặc tính công nghệ, nhiên liệu sẽ có giá điện khác nhau (giá điện của sản xuất thủy điện hoàn toàn khác so với sản xuất nhiệt điện) và tỷ trọng các loại hình nhà máy điện phụ thuộc theo mùa trong năm. Ví dụ, trong mùa mưa thì hệ thống điện huy động nhiều nhà máy thủy điện, trong mùa khô thì huy động ít nhà máy thủy điện và huy động nhiều các nhà máy nhiệt điện, năng lượng khác. Vì vậy, khi cơ cấu sản lượng của các loại hình phát điện thay đổi thì tổng chi phí phát điện cũng thay đổi.

Giá thị trường phát điện cạnh tranh: hình thành khách quan theo quy luật cung cầu, không phụ thuộc vào chủ quan của đơn vị phát điện.

Các yếu tố mang tính chủ quan mà đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát, Bộ Công Thương cho biết ngoài 4 yếu tố đầu vào mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát nêu trên, các yếu tố chi phí khác như chi phí vật liệu, tiền lương, khấu hao, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác, lãi vay là các yếu tố chi phí mà các đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát được. Các chi phí này chủ yếu nằm ở khâu truyền tải, phân phối và phụ trợ, quản lý ngành.

Mỗi một quốc gia sẽ có cơ cấu chi phí cấu thành giá điện khác nhau, ví dụ ở Úc, chi phí truyền tải, phân phối điện chiếm tỷ trọng rất lớn do lãnh thổ rộng lớn trong khi Úc lại chủ động được nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí), hay tại Lào có nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng rất lớn nên có chi phí phát điện thấp hơn các nước khác trong khu vực. Như vậy, nên việc so sánh giá điện giữa các nước với nhau hay so với thu nhập bình quân là chưa đảm bảo tính chất so sánh trên cùng một mặt bằng.

Đối với ngành điện Việt Nam, chi phí phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành (gần 80%), trong đó phần lớn là các yếu tố chi phí biến động khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát như đã phân tích ở trên nên giá bán lẻ điện bình quân sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn trước những biến động của giá nhiên liệu trên thế giới.

"Do vậy, tại Việt Nam, việc điều hành giá điện cần thực hiện nhằm phản ánh đúng, đủ biến động của các yếu tố chi phí nhằm đảm bảo cho các đơn vị điện lực bù đắp được chi phí và có lợi nhuận hợp lý để tiếp tục đầu tư, mở rộng nguồn và lưới điện nhưng cũng đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu vĩ mô của nhà nước thông qua việc thực hiện các quy định liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 10 tháng năm 2022, Công ty mẹ là EVN lỗ khoảng 15.758 tỉ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng.

Tập đoàn cho hay bối cảnh tình hình tài chính như vậy sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo trong một số vấn đề. Trước hết là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Ngoài ra, trong vài năm gần đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10 - 30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Cuối cùng là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Theo các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021. Do đó, dự kiến năm 2023, EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.

Năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời, tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao.

Theo EVN, giá điện Việt Nam bất động từ tháng 3.2019 đến nay trong khi giá điện thế giới đang tăng từng ngày, EVN muốn cơ quan điều hành cho tăng giá điện theo đúng quy định.

EVN mới đây cũng đưa ra báo cáo về giá bán điện trong quý 4/2022 của Việt Nam và so sánh tương quan với giá điện thế giới. Theo đó, giá điện bán lẻ của Việt Nam hiện đang duy trì ở mức bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế GTGT). EVN nhấn mạnh, mức giá này được giữ từ tháng 3.2019 đến nay.

EVN cho biết, điều này gây bất cập bởi giá thành sản xuất kinh doanh điện của nửa đầu năm 2022 liên tục tăng do áp lực tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tính toán lại giá điện đúng với quy luật thị trường khi kiểm soát được lạm phát. Việc tính toán lại giá điện phải đúng theo tinh thần không tạo chuyển đổi đột ngột, để người dân an tâm.

Bài liên quan
Sắp có khung giá điện cho năng lượng tái tạo
Dự kiến từ ngày 25 - 30.11 tới, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá điện có thể tăng tiếp?