Nhiều chuyên gia cho rằng không ít doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) dù được ưu đãi lớn nhưng thiếu thiện chí đầu tư nguồn lực cho việc phát triển các nhà cung cấp địa phương, chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.
Tài chính và đầu tư

FDI: Ưu đãi lớn, đóng thuế thấp và tiền chảy về nước mẹ tăng mạnh

Lam Thanh 10/12/2023 16:58

Nhiều chuyên gia cho rằng không ít doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) dù được ưu đãi lớn nhưng thiếu thiện chí đầu tư nguồn lực cho việc phát triển các nhà cung cấp địa phương, chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.

Ưu đãi lớn, đóng thuế thấp, ít chuyển giao công nghệ

Theo sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022, có 22.242 DN FDI. So với khu vực DN tư nhân thì khu vực DN FDI đang được hưởng ưu đãi rất nhiều và trên mọi phương diện.

Trong nghiên cứu của GS-TS Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Phùng Thị Phương Anh, về lĩnh vực kinh doanh, FDI chủ yếu tập trung ở những các sản phẩm chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng trong nước thấp; sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp…

Nghiên cứu cũng chỉ ra, khu vực FDI ghi dấu ấn về thành tích xuất khẩu, nhưng dù chiếm tới 65%-70% kim ngạch xuất khẩu cả nước mỗi năm, khu vực này cũng nhập khẩu rất lớn. Điều này cho thấy, mức độ lan tỏa của các DN FDI đến các khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế.

fdi-2.jpeg
FDI chủ yếu tập trung ở những các sản phẩm chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp

Hậu quả khá nghiêm trọng là trong nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng luồng tiền gửi về nước từ các DN FDI có xu hướng tăng lên rõ rệt.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong thời gian 10 năm trở lại đây (2010-2021), tốc độ tăng trưởng luồng tiền chảy ra thuần túy từ các DN FDI tăng 5,1 lần, nhanh hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP (là 3,1 lần).

Hiện tượng trên dẫn đến GNI (tổng thu nhập quốc gia) so với GDP (tổng sản phẩm trong nước) giảm từ 97% năm 2010 xuống còn 94,9% năm 2021.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh chính sách thuế đối với các DN FDI vừa ưu đãi về ngành nghề, vừa ưu đãi về lĩnh vực hoạt động, về dự án đầu tư, dự án mở rộng…

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, mặc dù thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) phổ biến theo Luật Thuế TNDN là 20%, nhưng với ưu đãi miễn, giảm, thì mức thuế suất của các DN FDI thường là 5%-10%. Một số tập đoàn có dự án lớn mức thuế chỉ là 3%-6%. Vì vậy, nhiều DN FDI có lợi nhuận cao, nhưng nộp thuế lại rất ít.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho biết doanh thu của khu vực FDI năm 2021 tăng 19% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế tăng đến 29,6% nhưng số nộp NSNN chỉ tăng 9,3% so với năm 2020.

fdi-1.jpeg
Nhiều DN FDI có lợi nhuận cao, nhưng nộp thuế lại rất ít

Như vậy, số nộp NSNN có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy rằng mức đóng góp vào NSNN chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các DN FDI.

Mức độ thiếu bao trùm trong góc độ này cho thấy: Lợi nhuận trước thuế của các DN FDI cao hơn khu vực DN ngoài nhà nước tới 181% và chiếm tới 48% tổng lợi nhuận DN. Trong khi đó thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước.

Theo số liệu phân tích báo cáo tài chính của các DN FDI năm 2021, số lượng DN báo lỗ, chiếm tới 55% và báo lỗ lũy kế còn cao hơn (62% số DN FDI), có xu hướng tăng nhanh (năm 2012 là 44%, năm, 2017 là 52%).

Nhưng đáng nói, trong khi các DN báo lỗ nhưng vẫn tiếp tục được mở rộng sản xuất, kinh doanh và các số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của DN FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao (trên 30%), như: linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

FDI thiếu thiện chí trong nâng cấp năng lực công nghệ bản địa

PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng ở một số quốc gia (như Singapore), FDI đặc biệt được sử dụng để nâng cấp năng lực công nghệ bản địa.

"Trong chính sách thương mại, công cụ quan trọng nhất ở Việt Nam là thuế quan đã không được sử dụng một cách hiệu quả để thúc đẩy học hỏi công nghệ như trong một số nước/vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan", ông Thanh nêu.

Theo ông Thanh, mức độ lan tỏa công nghệ từ các DN FDI sang các DN Việt Nam thấp. Khả năng liên kết để phát triển công nghệ giữa các DN trong nước và các DN FDI khá hạn chế. Không có nhiều DN FDI phát triển công nghệ mới tại Việt Nam.

fdi-4.jpg
PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA)

Tương tự như vậy, các DN FDI không tập trung mạnh vào phát triển các nhà thầu Việt Nam hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp địa phương. Lý do đằng sau là sự không đáp ứng và lạc hậu của ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Cũng cần nhấn mạnh rằng, nhiều DN FDI thiếu thiện chí và nỗ lực để đầu tư nguồn lực và thời gian cho việc phát triển các nhà cung cấp, nhà thầu địa phương”, ông Thanh nói.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) đánh giá, dù FDI là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế, dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, tạo dựng một hình ảnh mới cho Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu… nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.

Cụ thể, việc chuyển giao công nghệ giữa các DN FDl và DN trong nước vẫn còn yếu… Cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho DN FDI của các DN nội địa Việt Nam còn hạn chế.

Trong khi 90% DN FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60% (WB, 2017). Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp.

viet.jpeg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP)

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng đặc điểm của dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến chủ yếu từ các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á. Các DN này tận dụng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng và tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động rẻ và trẻ của Việt Nam.

Do vậy, 10 năm trở lại đây, dù Việt Nam đã huy động được dòng vốn FDI rất đáng kể và đóng góp lớn vào việc xuất khẩu, tạo ra thặng dư thương mại, nhưng Việt Nam cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất điện thoại, thiết bị máy móc, điện tử viễn thông… Có thể thấy, tỷ lệ nhập khẩu từ các DN trong hệ sinh thái của các DN FDI là rất lớn.

Từ đó dẫn đến giá trị gia tăng của DN Việt Nam vào trong giá trị xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo là thấp, kém hơn khá nhiều so với các quốc gia khu vực Đông Á, Đông Nam Á.

doanh.jpeg
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Tại toạ đàm mới đây, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận thực tế rằng, nhóm DN FDI mang thương hiệu nước ngoài và sẽ không ở Việt Nam mãi; nếu tương lai có quốc gia nào ưu đãi hơn Việt Nam, các DN này có thể chuyển đi bất cứ lúc nào. Do đó, cần phải đầu tư và khuyến khích nhiều hơn cho DN dân tộc của Việt Nam, để có thể hợp tác với DN đầu tư nước ngoài.

“Ưu tiên DN đầu tư nước ngoài thì trong vòng 1 nhiệm kỳ có thể biến 1 tỉnh thành tỉnh công nghiệp, thế nhưng giá trị gia tăng thực sự ở Việt Nam là bao nhiêu thì tôi cho là còn ít. Cần có thêm nghiên cứu về việc làm sao để gia tăng thực sự giá trị gia tăng làm ra ở Việt Nam từ những liên kết của DN Việt và DN FDI”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Bài liên quan
Đà Nẵng: Khởi tố Tổng giám đốc Công ty GFDI cùng thuộc cấp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố 5 bị can là lãnh đạo và nhân viên Công ty GFDI về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
FDI: Ưu đãi lớn, đóng thuế thấp và tiền chảy về nước mẹ tăng mạnh