Để đảm bảo cung ứng, Bộ Công Thương giao EVN lên kịch bản sản lượng điện sẽ huy động theo từng tháng cho các nhà máy, đơn vị để họ chủ động lập kế hoạch sản xuất điện.
Kinh tế - đầu tư - dự án

EVN lên kịch bản cung ứng theo tháng để tránh thiếu điện

Tuyết Nhung 03/01/2024 20:25

Để đảm bảo cung ứng, Bộ Công Thương giao EVN lên kịch bản sản lượng điện sẽ huy động theo từng tháng cho các nhà máy, đơn vị để họ chủ động lập kế hoạch sản xuất điện.

dien.jpg
Năm 2024, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu của Việt Nam là hơn 306 tỉ kWh - Ảnh: IT

Bộ Công Thương vừa phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 từ tháng 4 - 7.

Theo đó, kế hoạch được phê duyệt theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để dự phòng điều hành công tác đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia với tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 là 109,183 tỉ kWh.

Bộ Công Thương đề nghị EVN có trách nhiệm công bố kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 bao gồm kế hoạch huy động sản lượng điện từng tháng theo phương án 2 tại Công văn số 7726/EVN-KH+KTSX cho Chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.

Trước ngày 15.3.2024, EVN có trách nhiệm cập nhật, báo cáo Bộ Công Thương về Kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện), đặc biệt là miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 với các kịch bản nhằm kiểm soát, ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện, có dự phòng đảm bảo ứng phó với các tình huống cực đoan, sự cố, khó khăn xếp chồng;

Tăng cường phối hợp cung cấp thông tin với PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc cũng như chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, tuân thủ quy định và các quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp điện.

Bộ Công Thương cũng đề nghị EVN tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các đơn vị phát điện thuộc phạm vi quản lý về công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm sản xuất điện an toàn, ổn định theo kế hoạch vận hành và huy động của hệ thống điện quốc gia; theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện, hạn chế tối đa các sự cố tổ máy.

Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực phối hợp rà soát phương án vận hành lưới điện 500-220-110kV; kiểm tra, rà soát lại chỉnh định sa thải tổ máy phát điện, các hệ thống sa thải đặc biệt trên toàn hệ thống điện, hệ thống rơ le sa thải phụ tải theo tần số thấp (F81) nhằm ứng phó với những sự cố nghiêm trọng trên lưới điện truyền tải 500 kV Bắc - Nam khi đang truyền tải cao... cũng như đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các khách hàng sử dụng điện triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện... đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Khí Việt Nam phối hợp với các Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện khí đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho sản xuất điện; khẩn trương hoàn thiện công tác nghiệm thu theo quy định hiện hành để đưa vào vận hành thương mại của nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đảm bảo độ sẵn sàng, vận hành tin cậy trong các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024; Chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành quản lý việc bảo dưỡng các tổ máy phát điện, khắc phục kịp thời sự cố tổ máy phát điện, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục; có chiến lược chào giá phù hợp với quy định, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các cam kết tiêu thụ nhiên liệu và thu hồi đủ quyền của Việt Nam trong các cam kết nhiên liệu.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị cung cấp than khác có trách nhiệm: Chủ động phối hợp với các Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than xây dựng kế hoạch cung cấp than chi tiết cho các tháng cao điểm mùa khô năm 2024; đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, có dự phòng phù hợp cho các nhà máy nhiệt điện than theo để đảm bảo sẵn sàng phát điện trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024; Tổng công ty Điện lực - TKV tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành quản lý việc bảo dưỡng các tổ máy phát điện, khắc phục kịp thời sự cố tổ máy phát điện (nếu có), đảm bảo vận hành an toàn, liên tục.

Trước đó, cuối tháng 12.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu ngành điện đẩy nhanh các dự án nguồn, lưới trọng điểm và chuẩn bị kịch bản dự phòng để không thiếu điện trong năm 2024.

Tính toán của Bộ Công Thương cuối năm ngoái cho thấy, trường hợp lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia cơ bản đủ điện. Còn trường hợp thời tiết cực đoan, miền Bắc có thể thiếu 420 - 1.770 MW trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và 7.

Năm nay, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu của Việt Nam là hơn 306 tỉ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô. EVN nhận định cung ứng điện năm nay vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Cùng đó, quản lý vận hành, đầu tư xây dựng các dự án nguồn, lưới điện gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan
Giao cho EVN tính toán khung giá phát điện tái tạo có hợp lý?
Nhiều ý kiến lo ngại về cách tính toán khung giá phát điện với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp và việc giao cho EVN tham gia tính toán xây dựng có hợp lý?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVN lên kịch bản cung ứng theo tháng để tránh thiếu điện