Một số chính sách liên quan đến kinh tế như: Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ… chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2024.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ năm 2024

Tuyết Nhung 01/01/2024 11:02

Một số chính sách liên quan đến kinh tế như: Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ… chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2024.

Giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023 của Quốc hội.

Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế này.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1 đến hết ngày 30.6.2024.

Giảm thuế bảo vệ môi trường

Từ ngày 1.1.2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) vẫn là 2.000 đồng, dầu và mỡ nhờn 1.000 đồng/lít, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Nghị quyết số 42/2023 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, mức thuế bảo vệ môi trường đối với những mặt hàng này từ ngày 1.1 đến hết ngày 31.12.2024 được quy định như sau: xăng (trừ ethanol) 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 1.000 đồng/lít, dầu diesel 1.000 đồng/lít, dầu hỏa 600 đồng/lít, dầu mazut 1.000 đồng/lít, dầu nhờn 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn 1.000 đồng/kg.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024.

Theo tính toán của Chính phủ, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu bình quân mỗi tháng (đã gồm cả thuế giá trị gia tăng) khoảng 38.924 tỉ đồng. Nhưng việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm 2024 sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, góp phần giảm chi phí cho người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Từ ngày 1.1.2025, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần trong biểu khung thuế, tức 4.000 đồng/lít với xăng (trừ ethanol); dầu, mỡ nhờn 2.000 đồng (riêng dầu hỏa 600 đồng) và nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít theo quy định tại mục I khoản 1 điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng

Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1.1.2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ; tổ chức quốc tế; tổ chức phi lợi nhuận; quỹ hưu trí; quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao.

Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức trên cũng không phải chịu thuế suất 15%.

Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỉ đồng trong năm sau.

Tuy nhiên việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

Chính phủ sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Ngày 28.11.2023, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều 3 như sau: Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc kho bạc nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định về tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được như sau: Định kỳ hằng ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại kho bạc nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước.

Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần kho bạc nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách, tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách nhà nước.

Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 91/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 126/2020.

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 123/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ, Nghị định số 11/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhà nước.

Nghị định 82/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 12.1.2024.

Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, Nghị định số 83/2023 sửa đổi, bổ sung điều 17 về Phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ như sau:

Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.

Kho bạc nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu, khối lượng dự kiến phát hành, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất dự kiến, thời gian dự kiến phát hành, dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).

Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên. Ngoài ra, Nghị định số 83/2023 cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 điều 22 về trái phiếu ngoại tệ.

Nghị định cũng quy định về quy trình lựa chọn đại lý phân phối. Theo đó, khi có nhu cầu phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ thông qua đại lý phân phối, kho bạc nhà nước thông báo về kế hoạch tổ chức phát hành trên trang điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và sở giao dịch chứng khoán để các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đăng ký tham gia làm đại lý phân phối. Nội dung thông báo bao gồm:

Thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành: điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu (đồng tiền phát hành, kỳ hạn, mệnh giá, phương thức thanh toán gốc, lãi); khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành; thời điểm dự kiến phát hành, phương thức phát hành.

Thông tin về việc lựa chọn đại lý phân phối: điều kiện đối với đại lý phân phối theo quy định tại khoản 5 điều này; thời hạn và địa điểm nhận hồ sơ đăng ký làm đại lý phân phối.

Các tổ chức đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 5 điều này có nhu cầu làm đại lý phân phối nộp hồ sơ được niêm phong trực tiếp tại kho bạc nhà nước hoặc gửi bằng thư qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ theo thông báo của kho bạc nhà nước.

Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, kho bạc nhà nước thành lập tổ mở hồ sơ niêm phong và tổ chức đánh giá, lựa chọn một hoặc một số tổ chức làm đại lý phân phối căn cứ vào điều kiện và phương án tổ chức phân phối và thanh toán trái phiếu.

Trong vòng tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc nhận hồ sơ đăng ký làm đại lý phân phối, kho bạc nhà nước thông báo kết quả lựa chọn đại lý phân phối bằng văn bản cho các tổ chức đăng ký và công bố trên trang điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán.

Kho bạc nhà nước ký hợp đồng với đại lý phân phối theo mẫu do Bộ Tài chính hướng dẫn. Hợp đồng phân phối và thanh toán trái phiếu là căn cứ xác nhận các quyền, nghĩa vụ của đại lý phân phối và của kho bạc nhà nước.

Đại lý phân phối có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung về phân phối và thanh toán trái phiếu theo hợp đồng đã ký kết với kho bạc nhà nước.

Nghị định số 83/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2024.

Chính sách BHXH, lương hưu có hiệu lực

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Căn cứ điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi; đối với lao động nữ trong điều kiện bình thường là 56 tuổi 4 tháng (hiện nay, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường đối với lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, còn đối với lao động nữ là 56 tuổi).

Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội ban hành.

- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021.

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

- Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021 từ đủ 15 năm trở lên.

Bài liên quan
Mỹ quan tâm đến cơ chế ưu đãi thuế, chính sách thu hút vốn của Việt Nam
Nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến triển vọng kinh tế Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế, chính sách thu hút vốn và công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ năm 2024