Mặc dù sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực dần về cuối năm nhưng trong cả năm 2023 vẫn tăng trưởng chậm, không có sự bứt phá, tăng tốc.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Sản xuất công nghiệp cả năm 2023: Tăng trưởng chậm, không có bứt phá

Lam Thanh 02/01/2024 11:15

Mặc dù sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực dần về cuối năm nhưng trong cả năm 2023 vẫn tăng trưởng chậm, không có sự bứt phá, tăng tốc.

Phục hồi dần chặng cuối năm

Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt những vẫn ở mức cao. Trong nước, đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp tích cực hơn trong những tháng cuối năm, quý sau cao hơn quý trước.

Cụ thể, quý 4/2023 ước tăng 5%, quý 3 tăng 2,8%, quý 2 giảm 0,2%, quý 1 giảm 2,6%. Trong đó, có 2/4 số ngành công nghiệp cấp 1 quan trọng giảm sâu, tăng mức thấp so cùng kỳ năm trước (ngành khai khoáng giảm 3,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% so cùng kỳ, cũng là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 3,5%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,8%).

Thông tin đến báo chí, Tổng cục Thống kê cho biết xu hướng tích cực của sản xuất công nghiệp ngay từ quý 2 kéo dài đến hết năm thể hiện qua tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

cn-1.jpeg
Sản xuất công nghiệp năm 2023 dần phục hồi ở cuối năm

Trong cả năm 2023, trong số 33 ngành công nghiệp cấp 2 thì có tới 21 ngành có tăng trưởng so với cùng kỳ (chiếm 63,6% số ngành công nghiệp cấp 2). Như vậy cho thấy số ngành sản xuất tăng trưởng nhiều hơn số ngành sản xuất giảm so với cùng kỳ.

Trong đó, đáng chú ý là một số ngành chủ lực cả năm có tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: ngành dệt, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm thuốc lá...

Ngoài ra, một số ngành các tháng đầu năm giảm mạnh, đến cuối năm đã có phục hồi rất tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ như: ngành sản xuất xe có động cơ, 3 quý đầu năm giảm so với cùng kỳ, quý 4 đã tăng trở lại; ngành sản xuất kim loại 6 tháng đầu năm giảm mạnh, đến 6 tháng cuối năm tăng trưởng tốt trên 15%...

Một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước, nhờ có các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp, khai thác tốt lợi thế địa phương, chính quyền địa phương quan tâm, sát sao chỉ đạo đã có tăng trưởng tốt, điển hình như: Bắc Giang, Trà Vinh, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nam, Kiên Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng mặc dù sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực dần theo thời gian nhưng trong cả năm 2023 không có sự bứt phá, tăng tốc mà tăng trưởng chậm.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nhận định tình hình sản xuất công nghiệp trong năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng thuận lợi là Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong thời gian qua đã tích cực, chủ động có các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), giúp các DN ổn định và phát triển sản xuất.

Ví dụ, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho DN và hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, giảm lãi suất cho vay, đơn giản hơn thủ tục vay vốn; các nút thắt về khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được tháo gỡ tạo điều kiện thúc đẩy các ngành vật liệu xây dựng phát triển.

Ngoài ra, việc đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian qua, tạo điều kiện tốt cho các DN về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy nhanh hơn lưu thông hàng hóa; việc xúc tiến đầu tư của chính phủ, các bộ ngành khiến một số dự án lớn được ký kết góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trong năm 2024.

cn-2.jpeg
Nhiều khó khăn ngành sản xuất công nghiệp phải đối mặt trong năm tới

Về khó khăn, Tổng cục Thống kê cho rằng tiềm lực tài chính của DN có hạn và đã tới hạn, trong khi tiêu chuẩn sản xuất của các đơn hàng quốc tế ngày càng khắt khe hơn và yêu cầu cao hơn, không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng các yêu cầu sản xuất hướng tới xanh và phát triển bền vững.

Thêm nữa, giá nhiên liệu và năng lượng trong năm 2023 diễn biến phức tạp, hiện tượng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương phía bắc cũng gây tâm lý thận trọng cho các DN khi đầu tư mở rộng sản xuất.

Cơ quan này cũng nhận xét hoạt động sản xuất của DN trong năm 2023 tuy phục hồi theo chiều hướng tích cực dần lên, đặc biệt là vào các tháng cuối năm, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm. Tốc độ tăng tưởng ngành công nghiệp năm 2023 có thể nói là thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra gặp khó dẫn đến hàng tồn kho trong doanh nghiệp hiện đang rất cao. Chưa kể, các dự báo cho thấy kinh tế thế giới năm 2024 dự báo còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Với các phân tích, Tổng cục Thống kê đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 còn gặp rất nhiều khó khăn cả trong nước và quốc tế. Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ.

Theo đó, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất công nghiệp cả năm 2023: Tăng trưởng chậm, không có bứt phá