Các tính năng lái xe tự động tiềm ẩn rủi ro an toàn cao do tài xế thiếu hiểu biết về cách hệ thống hoạt động, theo một lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể đang cân nhắc hạn chế sự phát triển nhanh chóng của hệ thống lái xe tự động sau vụ tai nạn chết người liên quan đến tính năng tự lái trên mẫu xe điện SU7 của Xiaomi.
Vụ tai nạn xảy ra hôm 29.3 tại tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, khiến ba người thiệt mạng. Điều này đã thúc đẩy Xiaomi điều tra nguyên nhân và xem xét lại công nghệ hỗ trợ lái xe, khi Giám đốc điều hành Lôi Quân tuyên bố công ty sẽ không né tránh trách nhiệm. Xiaomi, hãng điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc, đã ra mắt mẫu ô tô điện SU7 đầu tiên của mình vào năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng bi kịch này không nên được xem xét một cách đơn lẻ. Việc sử dụng rộng rãi công nghệ tự lái sơ bộ, còn được gọi là điều hướng trên chế độ lái tự động (NOA), mang lại rủi ro an toàn cao vì tài xế chưa hiểu rõ vai trò của hệ thống cũng như các quy định liên quan.
"Hàng triệu tài xế cần được đào tạo để sử dụng hệ thống NOA đúng cách. Họ phải luôn cảnh giác khi hệ thống được kích hoạt, và tài xế vẫn chịu trách nhiệm về sự an toàn của bản thân lẫn hành khách", David Zhang, Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật xe thông minh quốc tế, nhận định.
Hôm 1.4, Xiaomi cho biết trong một tuyên bố rằng chiếc SU7 đang chạy với tốc độ 116km/giờ trên đường cao tốc với hệ thống hỗ trợ lái được kích hoạt. Hệ thống đã cảnh báo tài xế giành quyền kiểm soát trước khi xe đâm vào rào chắn bê tông.
Theo dữ liệu được gửi đến cảnh sát địa phương và đăng trên tài khoản Weibo của Xiaomi, hệ thống lái tự động đã phát cảnh báo về chướng ngại vật phía trước. Tài xế bên trong SU7 đã cố gắng giảm tốc độ, nhưng xe vẫn va chạm với trụ bê tông ở tốc độ 97km/giờ.
Báo Economic Observer (Trung Quốc) đưa tin cảnh sát giao thông địa phương nói với cha của một trong những nạn nhân rằng SU7 đã bốc cháy sau khi tông vào trụ bê tông và chìa khóa xe không mở được cửa.
Ông Lôi Quân đăng tải trên mạng xã hội Weibo tối 1.4 rằng Xiaomi đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để hỗ trợ cuộc điều tra của cảnh sát.
"Cảm ơn tất cả sự quan tâm và những lời chỉ trích của các bạn. Mọi ý kiến đều đã được ghi nhận và chúng tôi sẽ có hành động cụ thể để giải quyết những lo ngại của các bạn", Giám đốc điều hành Xiaomi nói.
Trong một tuyên bố khác vào tối muộn, 9 giờ sau phản hồi trước đó của Xiaomi về vụ tai nạn, Lôi Quân nói rằng: "Đến thời điểm này, tôi cảm thấy mình không thể chờ đợi thêm nữa, tôi phải đứng lên và cam kết thay mặt Xiaomi: Dù có chuyện gì xảy ra, Xiaomi sẽ không né tránh trách nhiệm".
Lôi Quân cam kết công ty sẽ làm hết sức để "giải đáp những lo ngại của gia đình các nạn nhân và xã hội".
Trong một tuyên bố riêng tối 1.4, Xiaomi cho biết phiên bản tiêu chuẩn SU7 có tính năng cảnh báo va chạm và phanh khẩn cấp, nhưng hiện không phản ứng với các chướng ngại vật như cọc tiêu giao thông, đá và động vật.
Xiaomi cũng xác nhận có hỏa hoạn sau vụ tai nạn. "Hiện vẫn chưa có kết luận chính xác nào về việc liệu cửa xe có thể mở được vào thời điểm xảy ra tai nạn hay không", Xiaomi cho biết, đồng thời nói thêm rằng hiện họ chưa thể tiếp cận được chiếc xe.
Xiaomi có hai phiên bản hệ thống lái xe thông minh trên ô tô điện SU7. Xiaomi cho biết chiếc xe gặp nạn là phiên bản tiêu chuẩn của SU7, có công nghệ lái xe thông minh kém tiên tiến hơn.
Sau khi thông tin về vụ tai nạn của SU7 được đăng tải, cổ phiếu Xiaomi đã giảm 5,5% hôm 1.4, nhưng phục hồi 1,5% lên mức 47,50 HKD trên sàn chứng khoán Hồng Kông vào sáng 2.4.
SU7 ra mắt vào tháng 3.2024, khiến khách hàng kinh ngạc với phong cách, hiệu suất và công nghệ của nó. Vào tháng 12.2024, doanh số SU7 ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn Tesla Model 3 (ô tô điện bán chạy nhất tại Trung Quốc), 25.815 so với là 21.046.
Không phải tai nạn đầu tiên liên quan đến công nghệ xe tự lái tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, hầu hết hệ thống lái xe tự động được phân loại ở mức độ 2 (L2) hoặc L2+, nghĩa là xe có thể kiểm soát vô lăng, tăng tốc và phanh, nhưng vẫn cần tài xế luôn sẵn sàng can thiệp.
Luật pháp Trung Quốc không cho phép tài xế rời tay khỏi vô lăng khi lái xe.
"Khi phát triển công nghệ lái xe tự động, tất cả các bên liên quan phải tuân thủ luật và quy định ngay cả khi những chiếc ô tô được thử nghiệm trên các tuyến đường chỉ định có thể đạt mức độ tự động hóa cao", Lý Khả Hồng, Phó chủ tịch hãng công nghệ Cowarobot có trụ sở tại Thượng Hải, cho hay.
Cowarobot đang vận hành xe tự lái trong các khu vực hạn chế tại 30 thành phố ở Trung Quốc. "Dịch vụ robotaxi và robobus tại một số khu vực vẫn chỉ là chương trình thử nghiệm, chưa phải thương mại thực tế", Lý Khả Hồng nói thêm.
Chưa có hãng sản xuất ô tô điện thông minh nào ở Trung Quốc đạt đến cấp độ 3 (L3), vốn được coi là hệ thống "rảnh tay" nhưng vẫn yêu cầu tài xế duy trì sự cảnh giác và sẵn sàng tiếp quản khi cần, theo tiêu chuẩn của SAE International (Mỹ).
Trung Quốc, thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới, đang chứng kiến sự "phổ cập hóa" hệ thống hỗ trợ lái xe cao cấp trên các dòng xe phổ thông.
Tại hội thảo China Future Tech của tờ SCMP đầu năm nay, Paul Gong, trưởng nhóm nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại UBS, nói rằng các hãng từ BYD ("ông vua xe điện" của Trung Quốc) đến các công ty khởi nghiệp như Leapmotor đang tăng cường đổi mới để vượt lên đối thủ.
UBS là viết tắt của Union Bank of Switzerland (Ngân hàng Liên hiệp Thụy Sĩ). Đây là một tập đoàn tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên về dịch vụ ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản và dịch vụ tài chính. UBS là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, nghiên cứu kinh tế và đầu tư.
Dự kiến trong năm nay, cứ ba chiếc ô tô mới bán ra tại Trung Quốc thì có hai chiếc (tương đương 15 triệu xe) sẽ được trang bị công nghệ lái tự động ở cấp độ L2 trở lên, theo Trương Dũng Vĩ, Tổng thư ký tổ chức phi chính phủ China EV100 – nơi tập hợp hầu hết lãnh đạo hàng đầu trong ngành ô tô điện Trung Quốc.
China EV100 là tổ chức phi lợi nhuận tại Trung Quốc, tập trung vào nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp ô tô điện. Được thành lập vào năm 2014, China EV100 tập hợp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và học giả để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành xe điện và công nghệ liên quan, gồm pin, trạm sạc và xe tự hành.
Vụ tai nạn của Xiaomi SU7 không phải là trường hợp đầu tiên liên quan đến công nghệ xe tự lái tại Trung Quốc.
Năm 2022, một chiếc Tesla Model Y gặp tai nạn tại thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, khiến hai người thiệt mạng và ba người bị thương. Camera giám sát cho thấy chiếc Model Y bất ngờ tăng tốc khi đang đỗ, lao vào các phương tiện khác và một cửa hàng. Tòa án sau đó phán quyết rằng vụ tai nạn không phải do lỗi kỹ thuật của Tesla.
Năm ngoái, video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một chiếc ô tô điện của Denza (liên doanh giữa BYD và Mercedes-Benz) đã tông vào một chiếc xe khác trong lúc chạy thử nghiệm. Nguyên nhân là do nhân viên bán hàng ngồi trên ghế hành khách yêu cầu tài xế buông vô lăng và nhả phanh khi chế độ tự lái được kích hoạt.