Nông dân làng hoa Hòa An (An Giang) và Sa Đéc (Đồng Tháp) đang vào vụ sản xuất hoa Tết. Họ hy vọng vụ hoa năm nay sẽ trúng mùa, được giá.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nông dân làng hoa Nam Bộ đã sẵn sàng mang hoa xuống phố

Tô Văn 03/01/2024 12:07

Nông dân làng hoa Hòa An (An Giang) và Sa Đéc (Đồng Tháp) đang vào vụ sản xuất hoa Tết. Họ hy vọng vụ hoa năm nay sẽ trúng mùa, được giá.

Nằm cạnh bờ sông Hậu thuộc xã Hòa An, huyện Chợ Mới, làng hoa Hòa An có truyền thống lâu đời với nghề trồng hoa. Với tổng diện tích lên đến hơn 10ha, nơi đây hiện trồng và cung cấp nhiều loại hoa khác nhau cho khu vực nội thành như hoa cúc, hoa hồng, hoa thược dược... Ngoài ra, để mở rộng diện tích trồng hoa, đủ đáp ứng nhu cầu các dịp cao điểm, người dân còn thuê thêm đất ở các vùng lân cận.

6-hoa-an.jpg
Cánh đồng hoa tại ấp An Thạnh, xã Hòa An, huyện Chợ Mới , tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn
4-hoa-an.jpg
5-hoa-an.jpg
Thời điểm này, nông dân An Giang đang tất bật với công việc tỉa nụ, tưới nước với kỳ vọng về một vụ hoa Tết bội thu - Ảnh: Tô Văn

Ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, vào thời điểm này, trên cánh đồng hoa tại ấp An Thạnh, xã Hòa An, những người nông dân đang tất bật với công việc tỉa nụ, tưới nước với kỳ vọng lạc quan về vụ hoa Tết.

Là người có kinh nghiệm trồng hoa cúc lâu năm, bà Nguyễn Thị Nhàn (53 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, hầu hết các hộ trồng hoa tết ở đây đang “chạy nước rút”, khoảng 2 tuần nữa sẽ chở hoa ra chợ bán.

“Tôi trồng chủ yếu là hoa cúc. Năm nay, tôi sẽ mang ra thị trường hơn 6.000 chậu. Hiện đã có thương lái đặt mua và tôi đã đăng ký lô bán ở TP.Long Xuyên. Hy vọng năm nay bán được giá”.

Chia sẻ về quá trình chăm sóc giống hoa này, bà Nhàn cho hay: “Bên cạnh yếu tố kỹ thuật về cách gieo hạt thế nào, tỉa nụ ra sao, yếu tố quan trọng ảnh hưởng tốt hay xấu đến lứa hoa là thời tiết. Nếu gặp mưa lớn, cây hoa có thể bị úng nước và chết. Thế nên, ngoài kỹ thuật trồng và chăm sóc, yếu tố quyết định chính là thời tiết. Nếu trời đẹp, nắng ấm, độ ẩm cao, hoa sẽ dễ nở hơn”.

2-hoa-an.jpg
Một nông dân đang tưới nước cho hoa - Ảnh: Tô Văn
3-hoa-an.jpg
Một du khách đến tham quan, chụp ảnh làng hoa Hòa An - Ảnh: Tô Văn

Trong khi đó, ông Tư Dũng (một nông dân có trên 30 năm kinh nghiệm trồng hoa tại làng hoa Hòa An) cho biết thêm: “Để đưa ra thị trường sản phẩm đạt chất lượng cao, tôi tranh thủ buổi sáng ra vườn kiểm tra một lượt, những bông cúc nhỏ, không đạt chuẩn thì phải ngắt để tập trung nuôi nụ chính to, nở đẹp”.

Cũng theo ông Tư Dũng, gia đình ông trồng hoa với diện tích 1ha, do vào thời điểm gần mang hoa ra chợ nên mỗi ngày gia đình ông thuê gần 10 người chăm sóc, lặt lá vàng, ngắt nụ con.

8-hoa-an8.jpg
9-hoa-an9.jpg
Nông dân ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp có cách trồng hoa cây kiểng độc đáo so với những nơi khác - Ảnh: Trung Phạm

Trong khi đó, tại TP. Sa Đéc, vừa phục vụ Festival hoa - kiểng Sa Đéc, vừa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, so với mọi năm, vụ hoa Tết năm nay, nông dân làng hoa có sự tính toán kỹ lưỡng hơn, xuống giống có lựa chọn để phù hợp thị hiếu khách hàng.

Anh Võ Văn Thành (phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Vườn tôi trồng khoảng 6.000 giỏ hoa các loại gồm cúc các loại và dừa cạn, trong đó có 4.000 giỏ hoa cúc đã có thương lái đặt hàng trước”.

Cũng theo anh Thành, nông dân ở Sa Đéc có cách trồng hoa cây kiểng độc đáo so với những nơi khác, đó là đặt hoa cây kiểng lên những giàn cao có khung thép hoặc cây tràm rồi dẫn nước ngập trên ruộng.

“Cách làm này phát sinh thêm chi phí khung giàn, thời gian chăm sóc nhưng bù lại hoa cây kiểng nằm trên ruộng nước hạn chế được sâu bọ, không phải phun thuốc nhiều như những nơi khác. Ngoài ra, vì đặc điểm trồng hoa trên ruộng ngập nước mà nhiều nông dân ở đây còn thu hút khách du lịch tham quan”, anh Thành bày tỏ.

Tương tự, nhiều nông dân ở An Giang, Đồng Tháp cho biết, những ngày gần Tết, họ vẫn có thể chở hoa kiểng bằng xe tải, thậm chí cả xe ba gác ra chợ bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Những loại hoa kiểng bán dịp tết hút hàng thường là cúc vạn thọ, cúc đại đóa, hồng, mâm xôi, mai vàng.

10-hoa-an10.jpg
7-sadec7.jpg
Nông dân miền Tây sẵn sàng mang hoa xuống phố - Ảnh: Trung Phạm

Ông Phương Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay địa phương đã quy hoạch vùng trồng hoa tại ấp An Thạnh, xã Hòa An với diện tích là 10ha, tập trung thành 1 điểm để kêu gọi nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện cho bà con trồng hoa tập trung để thu hút khách tham quan, du lịch.

“Thu nhập trung bình đối với các hộ làng nghề từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm. Nếu một số hộ trồng hoa chậu, có diện tích nhiều hơn (diện tích từ 7.000m2 trở lên), kỹ thuật tốt thì thu nhập cao hơn rất nhiều, mỗi tháng trừ chi phí thu lãi khoảng 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm là các chợ đầu mối, các thương lái thu mua trong và ngoài tỉnh như: Đồng Tháp, Kiêng Giang, Cà Mau, Cần Thơ...

Còn tại Đồng Tháp, chỉ tính riêng TP.Sa Đéc có hơn 946 ha hoa, kiểng với hơn 2.000 chủng loại, diện tích tăng hơn hai lần so với năm 2015.

Tổng số cơ sở kinh doanh hoa kiểng là 190 hộ, tập trung ở phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông. Các sản phẩm làm ra tại đây không những cung ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận qua đường tiểu ngạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân làng hoa Nam Bộ đã sẵn sàng mang hoa xuống phố