Sẽ là sai lầm nếu như cho rằng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có thể phát triển dựa vào nông nghiệp, kể cả là mục tiêu chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. ĐBSCL phát triển dưới tiềm năng, trước hết là do chính chúng ta không đánh thức nó, trong rất nhiều năm.

Đồng bằng sông Cửu Long như cô gái đẹp ngủ quên cần đánh thức

Nhàn Đàm | 18/03/2017, 09:11

Sẽ là sai lầm nếu như cho rằng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có thể phát triển dựa vào nông nghiệp, kể cả là mục tiêu chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. ĐBSCL phát triển dưới tiềm năng, trước hết là do chính chúng ta không đánh thức nó, trong rất nhiều năm.

Một trong những câu chuyện nhận được nhiều sự chú ý trong nền kinh tế những ngày gần đây là những gì diễn ra xung quanh lĩnh vực nông nghiệp, mà cụ thể là câu chuyện lối thoát cho ngành lúa gạo Việt Nam. Nghị định 109/2010 được xem là bộc lộ những hạn chế rõ rệt khi tạo ra nhiều rào cản ngăn chặn doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu lúa gạo đang được đề nghị sửa đổi, cùng lúc với việc Chính phủ lên tiếng về sự cần thiết gỡ bỏ cơ chế hạn điền.

Tâm điểm của những diễn biến này không đâu khác ngoài ĐBSCL, khi đây chính là khu vực sẽ bị tác động nhiều nhất từ những thay đổi và điều chỉnh từ chính sách cho lĩnh vực lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước và có nhiều tiềm năng nhất trong việc phát triển các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng nếu cho rằng ĐBSCL chỉ có thể phát triển dựa vào nông nghiệp như lối mòn suy nghĩ trước đây, thì câu trả lời có lẽ là “không”. ĐBSCL phát triển dưới tiềm năng, trước hết là do chính chúng ta đã bỏ rơi nó, trong rất nhiều năm.

Một định kiến khá phổ biến khi nói về kinh tế tại khu vực ĐBSCL, đó là việc cho rằng tăng trưởng kinh tế tại đây chủ yếu dựa vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với các thế mạnh như lúa gạo và nuôi trồng thủy hải sản. Và khi mà ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng khá lạc hậu do chính sách hạn điền và chưa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thì việc ĐBSCL tăng trưởng chậm hơn mức kỳ vọng là điều có thể chấp nhận được. Điều đó có vẻ đúng, khi theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, thì nông nghiệp hiện chiếm khoảng trên 30% sản lượng kinh tế của khu vực ĐBSCL.

Theo nhận định của ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, trong câu chuyện dịch chuyển cơ cấu kinh tế tại khu vực này thì địa phương nào phụ thuộc lớn nào nông nghiệp đồng thời có tỷ trọng công nghiệp xây dựng thấp thì tốc độ tăng trưởng kinh tế thường là thấp, và ngược lại. Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng có cơ cấu kinh tế trong đó nông nghiệp chiếm tới 43,72% trong khi công nghiệp xây dựng chỉ chiếm 13,97%, tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2016 là 5,22%. Trong khi đó, Long An tăng trưởng kinh tế 2016 lên tới 9% với nông nghiệp chỉ chiếm 20% cơ cấu kinh tế còn công nghiệp xây dựng chiếm tới 44,9% (theo The Saigon Times).

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất ở đây là, vì sao nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ cao đến thế trong sản lượng kinh tế của khu vực ĐBSCL khi mà tổng mức huy động vốn cũng như đầu tư tại đây thường là cao hơn mức bình quân của cả nước trong một vài năm trở lại đây. Chưa kể đến việc ĐBSCL có liên kết với các trung tâm kinh tế và công nghiệp như TP.HCM và các tỉnh miền Đông. Về lý thuyết, với từng ấy điều kiện cần thiết, tỷ trọng của nông nghiệp trong sản lượng kinh tế của các tỉnh ĐBSCL phải giảm mạnh mới phù hợp. Thậm chí, theo ông Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI Cần Thơ, thì ảnh hưởng thật của nông nghiệp đối với kinh tế khu vực ĐBSCL còn lớn hơn nhiều con số 30%, vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp chế biến do nguyên liệu cho ngành này vẫn là cá, tôm, lúa gạo (theo The Saigon Times).

Không cần phải có con mắt của một nhà kinh tế cũng có thể hiểu được phần nào lý do vì sao ĐBSCL vẫn phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp cũng như có mức tăng trưởng kinh tế ì ạch như vậy. Bất cứ một cá nhân nào đi từ TP.HCM về các tỉnh ĐBSCL cũng hiểu được nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó: chúng ta đang thiếu đi sự kết nối giữa các tỉnh khu vực ĐBSCL với các trung tâm kinh tế và công nghiệp như TP.HCM và các tỉnh miền Đông, và do đó không thể lan tỏa sự phát triển từ các trung tâm này về các tỉnh ĐBSCL được.

Để kết nối TP.HCM và miền Đông với khu vực ĐBSCL rộng lớn, chúng ta hiện mới chỉ có rất ít các công trình hạ tầng cần thiết, bao gồm cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Các tuyến đường cao tốc quan trọng khác như Trung Lương - Mỹ Thuận hay Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa biết đến khi nào hoàn tất. Với cơ sở hạ tầng yếu kém và ít ỏi như vậy, không có gì khó hiểu khi các tỉnh khu vực ĐBSCL không thể thu hút vốn đầu tư, công nghệ từ TP.HCM và miền Đông, và chỉ giữ vai trò cung cấp nguồn nhân lực cho các trung tâm kinh tế lân cận này.

Điều đáng nói làđây không phải là sự thiếu sót trong chính sách đầu tư phát triển ở tầm quốc gia, mà nó là hệ quả của một tư duy sai lầm trong rất nhiều nămrằng ĐBSCL chỉ có tiềm năng về nông nghiệp, cứ để tự nó phát triển bằng các gói đầu tư vào nông nghiệp và không cần thiết phải kết nối nó với TP.HCM cũng như các tỉnh miền Đông làm gì. Đó là lý do vì sao phải đến năm 2000 chúng ta mới có cầu Mỹ Thuận, và phải mất 10 năm sau mới có cây cầu thứ hai là cầu Cần Thơ.

Vấn đề không phải là thiếu tiền, mà là trước đây, chúng ta chưa đánh giá chính xác tiềm năng của khu vực ĐBSCL, dẫn đến việc đầu tư quá ít và quá khiêm tốn cho hạ tầng tại đây. Nói cách khác, chúng ta chưa ưu áiĐBSCL đúng mức, không cho nó kết nối với các trung tâm phát triển năng động nhất cả nước là TP.HCM và miền Đông, trong khi đó chúng ta lại tìm mọi cách kết nối các trung tâm kinh tế khác trên khắp cả nước với các vùng lân cận để lan tỏa sự phát triển, như Bắc Ninh với Hà Nội chẳng hạn.

Cho đến giờ, chính sách phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL của Chính phủ dường như vẫn đang đi vào lối mòn này, khi có vẻ như nông nghiệp công nghệ cao đang được định hình là tương lai cho các tỉnh ĐBSCL. Dĩ nhiên với thế mạnh về nông nghiệp của mình, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là bước phát triển tất yếu cho khu vực ĐBSCL, nhưng như thế vẫn là tước đi một yếu tố phát triển mạnh mẽ khác là công nghiệp và dịch vụ được lan tỏa từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông nếu được kết nối bằng hạ tầng. Thậm chí, kể cả nếu như ĐBSCL tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao như ý định của Chính phủ, thì vẫn phải xây dựng hạ tầng đồng bộ trải khắp khu vực này để phục vụ mục tiêu đó. Hãy kết nối ĐBSCL với TP.HCM và miền Đông nói riêng và với nền kinh tế cả nước nói chung bằng mạng lưới hạ tầng thay vì bỏ rơi nó, khi đó với tiềm năng sẵn có của mình các tỉnh ĐBSCL sẽ tự phát triển.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bằng sông Cửu Long như cô gái đẹp ngủ quên cần đánh thức