Những thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh (vốn là điều chỉ số xếp hạng PCI phản ánh rõ nhất) chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Những tỉnh thành có xếp hạng PCI cao nhất vì thế chưa chắc đã là những nơi thu hút đầu tư FDI nhiều nhất.

Công bố xếp hạng PCI 2016: Góp một lời giải bài toán kinh tế cho Thủ tướng

Nhàn Đàm | 17/03/2017, 11:36

Những thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh (vốn là điều chỉ số xếp hạng PCI phản ánh rõ nhất) chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Những tỉnh thành có xếp hạng PCI cao nhất vì thế chưa chắc đã là những nơi thu hút đầu tư FDI nhiều nhất.

Ngày 14.3 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 và là năm thứ 12 liên tiếp chỉ số này ra đời. Đối với nền kinh tế Việt Nam, đây là một chỉ số quan trọng khi nó là bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân, tỉnh nào có xếp hạng PCI càng cao đồng nghĩa với việc sở hữu môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và phát triển ở mức độ cao nhất cả nước, sẽ càng có nhiều cơ hội thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như phát triển doanh nghiệp tại địa phương. Nhưng, giá trị của PCI và bảng xếp hạng chỉ số này hằng năm còn có ý nghĩa quan trọng hơn thế, khi nó đang chỉ ra một cách rõ ràng nhất những lỗ hổng trong nền kinh tế Việt Nam nếu như muốn cất cánh. Theo một khía cạnh nhất định, nó có thể là lời giải cho bài toán tái cơ cấu nền kinh tế của Thủ tướng.

Trước hết, cần thừa nhận rằngPCI không đồng nghĩa với tỷ lệ thuận về mức độ thu hút vốn đầu tư cho một địa phương nhất định, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đà Nẵng là một ví dụ rất điển hình. Tính cả kết quả xếp hạng PCI của năm 2016 với vị trí dẫn đầu, Đà Nẵng đã có năm thứ 4 liên tiếp và là lần thứ 7 giữ vị trí quán quân về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trên toàn quốc; thế nhưng mức độ thu hút FDI của thành phố lại không tỷ lệ thuận với điều đó. Chẳng hạn như trong cả năm 2015, Đà Nẵng chỉ thu hút được vỏn vẹn 44,3 triệu USD vốn FDI, trong khi cả nước đạt tới 24 tỉ USD, dù xếp đầu bảng về chỉ số PCI trong năm 2015 nhưng Đà Nẵng lại chỉ xếp thứ 33/53 tỉnh thành trên cả nước về mức độ thu hút FDI (theo CafeF).

Thậm chí, dòng vốn FDI thu hút được có quy mô khá khiêm tốn này còn đang đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị hôm 14.3 vừa qua cho biết, quý 1/2016 tiếp tục chứng kiến đà sụt giảm thu hút vốn FDI vào địa bàn thành phố cả về số dự án lẫn quy mô vốn, trong 3 tháng đầu năm chỉ có 9 dự án FDI được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn chỉ khoảng 2,53 triệu USD, giảm 1 dự án và 5,75 triệu USD so với cùng kỳ 2015 (theo CafeF). Trái lại với điều đó, những thành phố khác dù có thứ hạng PCI khá thấp lại luôn nằm trong top cả nước về thu hút đầu tư FDI, điển hình là Hà Nội, trong 3 năm 2013-2015 xếp hạng của Hà Nội về PCI lần lượt là 33, 26 và 24.

Dĩ nhiên, không phải các nội dung trong chỉ số PCI không quan trọng với các nhà đầu tư nước ngoài. Bản khảo sát mới nhất thu thập ý kiến của 1.550 doanh nghiệp FDI từ 46 quốc gia khác nhau đang hoạt động tại 14 tỉnh thành ở Việt Nam công bố hôm 14.3 vừa qua cho thấycác nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến những vấn đề thuộc môi trường kinh doanh như các rào cản hay bất cập về quy định, thuế phí… (theo The Saigon Times). Vậy tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại không mấy mặn mà với những thành phố đầu bảng về xếp hạng PCI như Đà Nẵng?

Theo lý giải của chính những quan chức Đà Nẵng, thì những thuận lợi về môi trường kinh doanh (vốn là điều chỉ số xếp hạng PCI phản ánh rõ nhất) chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí môi trường kinh doanh không phải là yếu tố quan trọng nhất. Theo đánh giá của lãnh đạo Đà Nẵng cũng như một số doanh nghiệp FDI, các yếu tố quan trọng nhất để lựa chọn đầu tư ở Việt Nam trước hết là quy mô thị trường, khả năng tiếp cận thị trường đó dựa trên cơ sở hạ tầng, sau đó là các yếu tố như công nghiệp hỗ trợ và các ưu đãi từ chính quyền địa phương. So với các trung tâm khác như Hà Nội và TP.HCM thì Đà Nẵng không có thị trường quy mô lớn, cơ sở hạ tầng kết nối cũng chưa được đầu tư quy mô và đồng bộ, và công nghiệp hỗ trợ tại đây cũng gần như chưa có gì, vì thế rất khó thu hút được các nhà đầu tư FDI.

Tuy nhiên, báo cáo xếp hạng PCI này cũng không hẳn là hoàn toàn vô tác dụng, đặc biệt là với các trường hợp như Đà Nẵng. Chỉ số này có thể không nằm trong ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với các nhà đầu tư trong nước thì có, đặc biệt là với các doanh nghiệp tại địa phương. Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp mới thành lập nhiều hơn và giúp tăng trưởng bền vững hơn dù có thể tốc độ tăng trưởng không quá nhanh như việc thu hút FDI tạo ra.

Bài học rút ra từ câu chuyện này trên tầm vĩ mô là gì? Nó cho thấy rằng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh quả thực quan trọng, nhưng vẫn là chưa đủ nếu như muốn tái cơ cấu nền kinh tế như mục tiêu Chính phủ đang đặt ra. Nói phũ phàng một chút, thì những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua của Thủ tướng mới chỉ giải quyết được phần nổi của vấn đề. Đúng là nó sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp mới nhiều hơn, nhưng khi mà hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và siêu nhỏ thì điều này cũng gần đồng nghĩa với việc cố gắng chăm bón cho mấy cây bonsai với hy vọng chúng sẽ trở thành cổ thụ. Để tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam thành công cần nhiều hơn thế, trước hết là một nền móng thực sự vững chắc với ngành công nghiệp hỗ trợ vững mạnh phải là ưu tiên hàng đầu.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công bố xếp hạng PCI 2016: Góp một lời giải bài toán kinh tế cho Thủ tướng