Quy định phòng chống dịch không đồng nhất giữa các địa phương khiến doanh nghiệp vận tải thiệt hại ít nhất 100 tỉ đồng/ngày.

Doanh nghiệp mất 100 tỉ đồng/ngày vì quy định phòng chống dịch không đồng nhất

Tuyết Nhung | 28/07/2021, 18:25

Quy định phòng chống dịch không đồng nhất giữa các địa phương khiến doanh nghiệp vận tải thiệt hại ít nhất 100 tỉ đồng/ngày.

Nhiều "cái khó"

Khi dịch bệnh bùng phát tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

phong-chong-dich.jpg
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa - Ảnh: Internet

Nói về khó khăn của doanh nghiệp thời dịch, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt. Điều này đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.

Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất đang gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể là các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị nhiều địa phương đánh giá không phải là "hàng hóa thiết yếu", do đó không được vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp.

Việc áp dụng các quy định về phòng dịch, trong đó có yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 đối với các tài xế vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương. Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải có Giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển… Điều này đã phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỉ đồng/ngày.

Việc phân luồng giao thông của các địa phương còn chưa hợp lý đã dẫn đến ùn tắc kéo dài tại nhiều cung đường vận tải hàng hóa phục vụ phòng dịch cũng như sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, đối với hoạt động logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tại nhiều địa phương và cảng biển còn có tình trạng ách tắc cầu cảng, chi phí dịch vụ cầu cảng, hạ tầng tăng lên rất cao, gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như việc nhập khẩu nguyên vật liệu.

Nhiều doanh nghiệp ở phía Bắc cũng cho biết việc áp dụng phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" gây nhiều khó khăn như: điều kiện ăn ở cho công nhân và người lao động không đảm bảo, thời gian sinh hoạt ngoài giờ làm việc nảy sinh nhiều phức tạp và có thể có hệ lụy về mặt tâm lý, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu, chi phí xét nghiệm tăng cao, thời gian bắt buộc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” có thể kéo dài dẫn đến các bất ổn trong nội bộ doanh nghiệp…

Khác với các doanh nghiệp phía Bắc, phần lớn các doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác rất lớn, do đó không đủ điều kiện áp dụng phương châm nêu trên và buộc phải đóng cửa tạm thời. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Điều này một phần vừa gây lãng phí thời gian và chi phí chuẩn bị để tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa khiến doanh nghiệp không thể lên kế hoạch về sản xuất, nhân sự… để phục hồi sản xuất trong bối cảnh hàng ngàn lao động nhập cư đang rời khỏi thành phố và các khu công nghiệp để về quê hiện nay.

Ưu tiên tiêm vắc xin

Trên cơ sở kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, Cục Công nghiệp cho rằng cần tiến hành một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ nhất là Bộ Y tế cần bổ sung đối tượng lao động trong ngành vận tải, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin.

Đồng thời, sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin.

Thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Các địa phương cần tùy theo tình hình trên địa bàn để đơn giản hóa các quy định, thủ tục phòng dịch.

Cụ thể là đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương, cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng.

Đối với các đối tượng là lái xe, phụ xe liên tỉnh đã được tiêm vắc xin, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19, áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trong thời gian trước mắt, cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Thứ ba là các giải pháp khác nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đề xuất được cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử...

Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần xem xét các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí... Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp...

Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp mất 100 tỉ đồng/ngày vì quy định phòng chống dịch không đồng nhất