Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không tự ý mua, tích trữ máy thở, máy tạo oxy tại nhà.
Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID -19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nguy hiểm, có xu hướng tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Đại dịch COVID-19 tạo ra nhiều áp lực lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là cho khối điều trị, kéo theo đó là sự lo lắng từ người dân về khả năng đáp ứng đủ các trang thiết bị y tế như máy thở, máy tạo oxy phục vụ cho việc chữa trị trong trường hợp số ca lây nhiễm gia tăng quá mức.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trước những diễn biến dịch phức tạp hiện nay, như từ 0 giờ ngày 19.7, 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải triển khai thực hiện giãn cách theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; từ 6 giờ ngày 24.7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn Thành phố;...
Bộ Y tế cũng đã khẳng định không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế. Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hệ thống ECMO, máy lọc máu liên tục; hệ thống thở ô xy dòng cao; máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo oxy, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy phun khử khuẩn, khẩu trang N95… cho các địa phương.
Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng quá mức nên trong thời gian vừa qua đã xuất hiện hiện tượng nhiều người tiêu dùng đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy để dự trữ và sẵn sàng dùng tại nhà.
Chuyên gia của Bộ Y tế đã có cảnh báo việc người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi mắc COVID-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Hơn nữa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành
Bên cạnh đó nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy, nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định. Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến, còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không tự ý đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy tạo thành phong trào gây khan hiếm và đội giá sản phẩm dẫn đến việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, không tự ý sử dụng máy thở, máy tạo oxy tại nhà vì đây là một công việc cần có chuyên môn cao được đào tạo bài bản và có đầy đủ trang thiết bị đi kèm. "Người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần trong phòng chống dịch COVID-19, thực hiện đúng các quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế", đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.