Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề xuất bổ sung bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Đề xuất bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường

Lam Thanh | 27/05/2022, 17:07

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề xuất bổ sung bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Chiều 27.5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Chứng chỉ môi giới bảo hiểm nước ngoài cấp có được sử dụng?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản; bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều.

Nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là các quy định về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm; đồng thời, có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”…

quoc-hoi.jpg
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung nội dung về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và thỏa thuận mức độ rủi ro là thành phần chủ yếu trong hợp đồng bảo hiểm.

Lý do là hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu do bên bảo hiểm chủ động đưa ra. Do đó, các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc các thỏa thuận đưa ra yêu cầu điều chỉnh nội dung hợp đồng khi có yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro như tại Điều 23 thường theo hướng có lợi cho bên bảo hiểm.

"Nếu bên mua bảo hiểm không thỏa thuận kỹ về các nội dung này thì sẽ không dự lượng hết những rủi ro, dẫn đến khi xảy ra tình huống dẫn đến hủy hợp đồng quy định tại Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 23 thì bên mua bảo hiểm sẽ chịu nhiều thiệt thòi", bà Hương nói.

Do vậy, đại biểu này cho rằng, cần điều chỉnh quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm để các bên thỏa thuận phù hợp với từng đối tượng bảo hiểm, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, thiện chí, tự nguyện, bình đẳng giữa các bên trong giao dịch dân sự.

Về chứng chỉ môi giới bảo hiểm, Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị làm rõ chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp có được sử dụng tại Việt Nam hay không? Các cá nhân đang trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm có tiếp tục được sử dụng chứng chỉ bảo hiểm hiện hành hay phải chuyển đổi/thi, cấp lại thành chứng chỉ môi giới bảo hiểm và quy định rõ điều kiện chuyển tiếp tại dự thảo luật đối với nội dung này.

Đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật quy định chỉ cho phép sử dụng chứng chỉ (môi giới, phụ trợ) do Bộ Tài chính quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp chứng chỉ là không phù hợp.

Bảo hiểm bắt buộc với sự cố môi trường

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề xuất bổ sung bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Bà Nga cho hay, Điều 8 dự thảo luật quy định bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Trên cơ sở đó quy định 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

tuyet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, hiện nay có ít nhất là 20 luật quy định về mua bảo hiểm bắt buộc, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, theo đó quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Trên thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất là phức tạp. Trên địa bàn Hà Nội, có 1.350 làng nghề thì đã có 45% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hơn 30% làng nghề cũng trong tình trạng ô nhiễm. Đại biểu cho rằng, bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng, cấp thiết, liên quan trực tiếp tới lợi ích công cộng, môi trường, an toàn xã hội.

Bà Nga đề nghị, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần phải bổ sung ngay quy định bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật chưa rõ, chưa chính xác, chưa đầy đủ, không bảo đảm bình đẳng giữa cá nhân với pháp nhân và không thống nhất với hệ thống pháp luật về tư pháp.

Theo đó, khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật quy định theo hướng pháp nhân thương mại cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm; cá nhân đang phải chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật hình sự thì không được giao kết hợp đồng đại lý bảo hiểm.

hong-ha.jpg
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu

Ông Hà phân tích, khoản 3 Điều 123 hiện nay quy định ba trường hợp cá nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm. Một là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hai là đang phải chấp hành hình phạt tù. Ba là bị cấm hành nghề. Trong khi pháp nhân thương mại chỉ quy định một trường hợp không được giao kết thực hiện hợp đồng đó là đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Quy định này không những không bình đẳng giữa cá nhân và pháp nhân mà còn để sót. Đồng thời, quy định này đã để lọt 3 trường hợp theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Hình sự, pháp nhân không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm. Một là đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn. Hai là đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ba là đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động”, ông Hà nêu.

Vì vậy đại biểu Hà đề nghị bổ sung ba trường hợp pháp nhân thương mại không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm (đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động).

Bài liên quan
Chiêu trò bán thuốc online, dẫn dụ mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản
Theo cơ quan chức năng, kẻ lừa đảo thực hiện chiêu trò “giảm giá” cho người già, người nghèo…, dẫn dụ nạn nhân mua bảo hiểm với những ưu đãi và chính sách "siêu hấp dẫn" để chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường