Đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị cần đưa vào trong luật danh hiệu “kiến trúc sư nhân dân”, “kiến trúc sư ưu tú” vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo.

Đề nghị phong danh hiệu “kiến trúc sư ưu tú”, “kiến trúc sư nhân dân”

Nam Phong | 27/05/2022, 10:18

Đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị cần đưa vào trong luật danh hiệu “kiến trúc sư nhân dân”, “kiến trúc sư ưu tú” vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo.

Sáng 27.5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết đa số ý kiến đại biểu quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung đạt danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu nhằm bảo đảm tính phổ quát chung nhất, thể hiện tại khoản 1 Điều 29 của dự thảo Luật.

thuy-anh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc như thể hiện tại khoản 2 Điều 96 của dự thảo Luật.

Đồng thời, Chính phủ cần lưu ý rà soát đối tượng thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng này khi thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 3 của Điều 96.

Liên quan đến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án về Điều 66 để đại biểu quốc hội thảo luận và cho ý kiến:

Phương án 1: Bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú” tại Điều 66.

Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa góp ý cụ thể về nội dung liên quan đến danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú”. Theo đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng đối tượng xét tặng.

Danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú” sẽ được xét tặng cho cả cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Nhấn mạnh “nghệ sĩ ưu tú” và “nghệ sĩ nhân dân” là những danh hiệu cao quý.

Đại biểu cho rằng việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.

mai-hoa.jpg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Cà Mau) cũng đồng tình với việc xét phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đối với kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, soạn giả sân khấu.

Đại biểu này đề nghị ban soạn thảo cần đưa vào trong luật danh hiệu “kiến trúc sư nhân dân”, “kiến trúc sư ưu tú” hoặc phong tặng là “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú” vì lao động của kiến trúc sư là lao động sáng tạo.

Bà lý giải mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm lao động nghệ thuật, nhất là công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước theo hướng văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

thu-dong.jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Cà Mau)

Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao đã đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục nhân cách, lòng yêu nước, giáo dục chân-thiện-mỹ cho nhân dân. Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, họ cũng nên là đối tượng được xem xét phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hoặc là nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đồng tình với phương án xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. Tuy nhiên, đối với nhà văn, kiến trúc sư, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao.

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị phong danh hiệu “kiến trúc sư ưu tú”, “kiến trúc sư nhân dân”