Hỗ trợ nhằm bù đắp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là bài toán đang được các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu.

Để Việt Nam nhập khẩu vốn FDI không vi phạm quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu

Tuyết Nhung | 29/06/2023, 16:00

Hỗ trợ nhằm bù đắp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là bài toán đang được các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, vì vậy cơ quan thuế đã tập trung nghiên cứu về nội dung này từ khá sớm theo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng.

dn-fdi.jpg

Hiện Việt Nam đã thu hút FDI từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu vốn FDI.

Thống kê của ngành thuế, trong 3 năm 2020-2022, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ doanh nghiệp FDI trên tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 18% - 21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 7,5% - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa; chiếm khoảng 39% - 41% tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Phương án triển khai các hình thức hỗ trợ sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo. Nói cách khác, cần áp dụng chính sách hỗ trợ thay thế cho những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi quy định thuế tối thiểu toàn cầu.

"Việc hỗ trợ này được thực hiện thông qua các quy trình thủ tục đăng ký sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, kể cả thuế bổ sung tối thiểu. Chính phủ Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn tài chính cũng như thực hiện các thủ tục hỗ trợ tiếp theo. Để có được nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ trên, cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn", Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nói.

Nếu doanh nghiệp nộp đủ thuế suất 15% tại Việt Nam theo cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT), Việt Nam sẽ có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ lại doanh nghiệp các khoản chi phí như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí sản xuất công nghệ cao. Ví dụ như Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra.

Như vậy, chính sách hỗ trợ này sẽ áp dụng chung cho các doanh nghiệp, quy định hỗ trợ sẽ dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình doanh nghiệp, sẽ không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử và phù hợp với Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS).

Theo Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định, nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI) đã ký kết, Việt Nam có quyền không áp dụng một số nội dung về áp dụng phương pháp xóa bỏ thuế hai lần, áp dụng các thỏa thuận thuế để hạn chế quyền đánh thuế của tổ chức/cá nhân cư trú bên mình... Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với Việt Nam còn phụ thuộc vào phạm vi và đối tượng mà thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu điều chỉnh.

Đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam có quyền đánh thuế bổ sung nếu thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất Việt Nam cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI không vi phạm quy tắc, không phân biệt đối xử.

Khẩn trương ưu tiên kiện toàn và nâng cao năng lực công tác quản lý thuế, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì những công tác này ngày càng nhiều, ngày càng phức tạp, tinh vi, có tính hội nhập cao, xuyên biên giới, cạnh tranh.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần sớm xây dựng lộ trình triển khai công tác chuẩn bị từ nay đến cuối năm 2023 và các năm tiếp theo, bao gồm các quy định nội luật hóa, quy trình - thủ tục kê khai thuế phù hợp khi áp dụng thuế suất này theo hướng dẫn phù hợp của OECD, đối tượng, phạm vi và phương thức, mức độ hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó cũng cần có kế hoạch tập huấn các nội dung chính sách, quy trình liên quan, trong đó nổi bật vấn đề thời điểm áp dụng, cũng như quy định về giải quyết tranh chấp liên quan, có nghiên cứu bổ sung cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp...

Thuế tối thiểu toàn cầu đã đến rất gần, Việt Nam cần sớm cân nhắc và thực hiện các hành động quyết liệt để không bị bỏ lại phía sau. "Việc ban hành bất cứ chính sách hoặc cơ chế mới nào cũng cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 2, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Bài liên quan
DN nào ở Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu?
Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để Việt Nam nhập khẩu vốn FDI không vi phạm quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu