Khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hay nói cách khác nếu không còn ưu đãi về thuế thì sẽ thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI bằng cách nào?

Thuế tối thiểu toàn cầu: Không còn ưu đãi thuế, Việt Nam có gì để giữ chân nhà đầu tư?

Tuyết Nhung | 06/05/2023, 09:30

Khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hay nói cách khác nếu không còn ưu đãi về thuế thì sẽ thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI bằng cách nào?

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu và một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

thue-toi-thieu-toan-cau.jpg

Hiện tại Việt Nam, có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12.000 tỉ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Theo đó, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng thì sẽ tác động kép đối với doanh nghiệp. Vì vậy, cần có giải pháp để giữ chân và thu hút doanh nghiệp FDI và vấn đề quan trọng nhất, đó là phải chủ động giành quyền đánh thuế vì lợi ích quốc gia và quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tác động tới Việt Nam thế nào?

Chia sẻ trên mạng xã hội về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp thu hẹp sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam vốn đã có nhiều lợi thế về quy mô, về công nghệ, về thị trường, nay họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ thuế tương đương với doanh nghiệp Việt Nam, hoặc có chênh lệch thì cũng không quá nhiều.

Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn... Số dự án trên là quá nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 1% so với trên 36.000 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký trên 430 tỉ USD. Nhưng điều đáng nói là số dự án của các doanh nghiệp lớn nói trên lên tới khoảng 131,3 tỉ USD, tức là gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%; thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt: 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Đối với Nhà nước, theo ông Hải, chính sách thuế tối thiểu cũng sẽ cho Nhà nước một lý do chính đáng để tăng thu thuế với các doanh nghiệp FDI lớn. Chính sách này hiện mới chỉ tác động đến những doanh nghiệp FDI lớn, còn những doanh nghiệp FDI nhỏ thì chưa bị ảnh hưởng. Như con số ở trên cho thấy, số lượng các doanh nghiệp FDI loại này vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các dự án FDI tại Việt Nam.

Một vấn đề "nhức đầu" với các nước nhận đầu tư là câu chuyện chuyển giá. Đó là trường hợp doanh nghiệp FDI mặc dù làm ăn có lãi ở Việt Nam, nhưng tìm cách chuyển thành chi phí nguyên liệu, vật tư, thiết bị, tài sản trí tuệ, dịch vụ nhập khẩu với giá ngất ngưởng mà người xuất khẩu không ai khác chính là công ty mẹ ở nước ngoài. Do đó chi phí chảy từ công ty con về công ty mẹ, làm giảm lợi nhuận và khoản thuế phải đóng ở Việt Nam. Liệu thuế tối thiểu toàn cầu có triệt tiêu hay hạn chế được câu chuyện này không - đây vẫn là câu hỏi cho giai đoạn sắp tới.

Theo ông Hải, một quyết định có ảnh hưởng ở tầm toàn cầu như vậy lại có thời gian chuyển tiếp thực hiện rất ngắn, dự kiến là từ đầu năm 2024, tức là chỉ còn 8 tháng nữa, nhiều nước sẽ bắt đầu áp dụng chính sách này. Nếu Việt Nam không phản ứng nhanh thì sẽ mất đi một khoản thuế không nhỏ lẽ ra có thể được hưởng. Để đáp ứng các yêu cầu về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đề xuất Việt Nam cần sửa đổi ít nhất 3 luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng với đó là hàng loạt văn bản dưới luật.

Việt Nam có gì đề giữ chân nhà đầu tư?

Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì đồng nghĩa với việc không còn ưu đãi về thuế, nhiều câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ giữ chân các nhà đầu tư thế nào nếu không còn những ưu đãi về thuế?

Môi trường kinh doanh là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Môi trường kinh doanh ở đây bao gồm sự ổn định chính trị - xã hội, sự thông thoáng, minh bạch của pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả. Ông Hải cho rằng mặc dù hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có những vướng mắc khi vẫn bị các nhà đầu tư phàn nàn, nhưng cơ bản môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn là điểm cộng, được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Yếu tố thứ hai theo vị này là sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vệ tinh, công nghiệp hỗ trợ. Sự nỗ lực của Samsung để xây dựng trung tâm R&D và chuỗi doanh nghiệp vệ tinh tại Việt Nam, chuyển dịch của các vendor lớn của Apple giúp ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam có thay đổi.

Yếu tố thứ ba, đó chính là logistics. Không chỉ có vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải và hàng không bận rộn của thế giới, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa trong thời gian vừa qua. Logistics đã góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước trở thành một trong 20 quốc gia lớn nhất về thương mại quốc tế. Đây là một lợi điểm để giữ chân và thu hút nhà đầu tư.

Yếu tố thứ tư, đó là nhân lực. Nhân lực giá rẻ vẫn cần, nhưng trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, nhân lực chất lượng cao lại cần thiết hơn, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp trung. Quá trình hội nhập đã tạo ra một nguồn nhân lực có tính thích ứng với kinh doanh quốc tế, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Về tổng thể, đây là một ưu thế vừa phải.

Thứ năm, sự thích ứng với các yêu cầu của tương lai, mà trước hết là yêu cầu về thương mại bền vững và chuỗi cung ứng xanh. Các yếu tố đầu vào như giá điện, giá xăng dầu rẻ sẽ không còn là ưu thế nếu như không đảm bảo yêu cầu trung hòa carbon. Việc Việt Nam có cam kết và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo sẽ là một điểm tích cực nữa, nhưng tiến trình này cần được đẩy nhanh hơn.

Lộ trình hoàn thiện thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ, ngành có liên quan đề xuất giải pháp chủ động ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Cụ thể, thứ nhất là bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng cần quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024) và áp dụng từ ngày 1.1.2024.

Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).

Để hạn chế tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết sẽ có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết đã rà soát các Điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết để đảm bảo những giải pháp ứng phó phù hợp với các Điều ước quốc tế và hiệp định mà Việt Nam đã tham gia.

Bài liên quan
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam sẵn sàng 'sân chơi' mới thu hút FDI
"Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ khá sớm đồng nghĩa là chúng ta đã sẵn sàng cho sân chơi mới, hoàn cảnh mới, điều kiện mới trong việc thu hút FDI".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuế tối thiểu toàn cầu: Không còn ưu đãi thuế, Việt Nam có gì để giữ chân nhà đầu tư?