Kể từ khi chữ quốc ngữ với sự dự phần to lớn của A. de Rhodes ra đời vào thế kỷ thứ XVII, sách vở Việt ngữ cũng đã được xuất bản. Ấy nhưng, báo chí Việt ngữ phải đến vài thế kỷ sau mới hiện diện, và nơi chứng kiến sự khai sinh ấy trước nhất là đất Nam Kỳ thuở nửa cuối thế kỷ XIX.

Đâu là tờ báo đầu tiên của Việt Nam?

20/06/2016, 05:55

Kể từ khi chữ quốc ngữ với sự dự phần to lớn của A. de Rhodes ra đời vào thế kỷ thứ XVII, sách vở Việt ngữ cũng đã được xuất bản. Ấy nhưng, báo chí Việt ngữ phải đến vài thế kỷ sau mới hiện diện, và nơi chứng kiến sự khai sinh ấy trước nhất là đất Nam Kỳ thuở nửa cuối thế kỷ XIX.

Sự ra đời báo chí Việt ngữ của nước Việt, trước hết từ sự tạo nền của báo chí Pháp ngữ mà ra. Bởi chăng trong buổi đầu hiện diện cùng tàu đồng, súng ống xâm lược Nam kỳ Lục tỉnh, thì người Pháp đồng thời “đẻ” ra báo chí, làm phương tiện thông tin truyền thông, tuyên truyền cho chính sách xâm lược, “khai hóa” vùng đất mới xâm chiếm được.

Trước nhất, sự ra đời của báo chí nơi đất Việt, theo Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 cho hay là những tờ báo tiếng Pháp. Trong thời gian 1862 – 1864, lần lượt ba tờ báo tiếng Pháp, tiếng Trung ra đời. Đó là Le Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo) ra ngày 29.9.1861, tờ Le Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) xuất hiện năm 1862, báo này dùng chữ Hán làm phương tiện, rồi tiếp đến là Le courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín) ra ngày 1.1.1864.

Đa phần những báo này in công văn, nghị định, huấn thị, thông tư… của Chính phủ bảo hộ. Thật không ngoa khi sự ra đời của báo chí buổi ban đầu đúng với lời nhận xét trong Lược sử báo chí Việt Nam “Trong thời khai sanh, báo chí Việt Nam không mang được sắc thái của chính mình mà phải lệ thuộc gần như hoàn toàn vào chính quyền bảo hộ thời đó. Báo chí Việt Nam trong chặng đường đầu tiên khi xuất hiện chỉ là một công cụ của nhà nước Pháp”.

Tiếp sau ba tờ báo trên, năm 1865, làng báo đất Nam kỳ chứng kiến sự ra đời của tờ báo Việt ngữ đầu tiên, tờ Gia Định báo. Về thời điểm ra đời tờ báo quốc ngữ đầu tiên, mặc dù nay chúng ta thường lấy Gia Định báo làm mốc sơ khai, nhưng cá biệt cũng có ý kiến khác về vấn đề này. Nhà báo Đào Trinh Nhất, từng làm chủ bút báo Phụ nữ tân văn, là người chủ trương tuần báo Mai… lại cho rằng, thời điểm đánh dấu báo chí Việt ngữ ra đời, tờ Gia Định báo chưa phải là tờ báo đầu tiên mà là một tờ Việt ngữ khác, nhưng sự khai sinh ra nó, không phải ở đất Việt ta, mà ở tên bên trời Tây kia, ý tôi nói ở đây, đó là đất Xiêm. Điểm này được GS Nguyễn Văn Trung trong nghiên cứu Hồ sơ Lục châu học tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng quốc ngữ ở miền Nam từ 1865 – 1930 có thuật lại.

Tài liệu được GS Nguyễn Văn Trung dẫn, ấy là từ báo Đuốc nhà Nam hồi năm 1960 tại Sài Gòn. Theo đó, nhà báo Đào Trinh Nhất cho rằng “Biết lợi dụng phổ thông Quốc ngữ vào việc làm báo, làm sách cho công chúng, bắt đầu chính là người Việt kiều di ngụ ở bên Xiêm trước rồi mới đến đồng bào ở trong Nam sau”. Căn cứ để khẳng định điều ấy, được nhà báo họ Đào cho hay, ấy là do người Việt thuở chúa Nguyễn chạy loạn có sang Xiêm nhiều, sống thành xóm làng riêng bên đó và gọi là “cựu annam hương”. Còn lại là những người theo đạo Thiên chúa đến sau do bôn tẩu vì bị vua Minh Mạng, Thiệu Trị cấm đạo, bắt đạo, họ hợp thành “tân annam hương”.

Phái “tân annam hương” “đã có mấy đàn anh học Quốc ngữ thấy sự lợi ích bèn xin các cố mở ra ở Vọng Các (tức Bangkok – Người dẫn chú) một nhà in để in sách vở Quốc ngữ, truyền bá trong đám kiều bào. Ngoài ra họ còn cho in một tập kỷ yếu gần như tạp chí xuất bản bất thường, ghi chép những sự việc quan hệ trong Giáo hội và dân gian, cho các đạo hữu biết”. Tập kỷ yếu đó, chính là báo viết Quốc ngữ đầu tiên theo quan điểm của Đào Trinh Nhất.

Có điều, mặt mũi của tờ báo ấy như thế nào, thì hậu thế nay chẳng được tường minh, nên đó cũng chỉ là một quan điểm của riêng cụ Đào mà thôi. Vả lại, có một điều đáng lưu ý mà Lịch sử tiến hóa sách báo quốc ngữ có cho hay, là để cho tờ Gia Định báo ra được năm 1865, thì Đô đốc Bonard của Pháp đã phải đặt làm những chữ in tận bên Pháp và công việc này mất hai năm mới xong, tháng Giêng năm 1864 thì hoàn tất. Vậy việc người Việt tha hương nơi đất Xiêm có nhà in in được sách, báo quốc ngữ, phải có một kỹ thuật cao lắm lắm. Đó cũng là một sự đáng ngờ chăng?

Quay lại với Gia Định báo, sau khi giấy phép xuất bản được cấp ngày 1.4.1865 cho Ernest Potteau, lúc ấy đang là thông ngôn của Chính phủ Nam kỳ. Báo ra số đầu tiên ngày 1.4.1865. Tồn tại một thời gian tương đối dài, đến ngày 1.1.1910, báo đình bản theo nghị định của Thống đốc Nam kỳ Courheil.

Xung quanh tờ báo Việt ngữ đầu tiên này, có đôi điều đáng lưu ý. Báo có 4 trang với cỡ 32x25cm, có chức năng của một tờ công báo của Chính phủ thuộc địa lúc bấy giờ. Trên trang nhất, ban đầu tên Gia Định báo được ghi bằng chữ Hán嘉定報 phía trên chữ Gia Định báo bằng quốc ngữ. Đến số báo ngày 2.6.1900 ba chữ Hán ấy không còn nữa.

Việc phát hành báo không giống như ngày nay. Người có nhu cầu đặt mua báo, sẽ tới dinh quan Thượng ở Sài Gòn cho nhà báo biên tên mua báo, đặt trước tiền mua báo theo quý hoặc nửa năm, một năm. Ban đầu báo in một tháng một lần, sau tăng lên hai số một tháng, rồi tiến tới là phát hành mỗi tuần một số vào ngày thứ Ba.

Chủ bút của Gia Định báo ban đầu là người Pháp E.Potteau nắm báo thời gian 1865 - 1869, tiếp nối sau là Trương Vĩnh Ký, Diệp Văn Cương, Bonet… Ban biên tập của báo có nhiều tên tuổi người Việt rất quen thuộc ở Nam kỳ. Ngoài tên tuổi của Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, còn có sự góp phần của Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… Do là báo của nhà nước, cũng là món hàng xa xỉ với khả năng kinh tế và vốn kiến thức còn ít người dân Việt lúc đó biết quốc ngữ không nhiều, nên độc giả giới hạn ở đội ngũ công chức mà thôi.

Gia Định báo ban đầu là một tờ báo khô khan với phần “Công vụ” đăng những công văn, nghị định của chính phủ, phần “Tạp vụ” đăng những tin tức trong nước. Bước sang thời Trương Vĩnh Ký nắm giữ tờ báo, thì nội dung trở nên đa dạng, phong phú hơn và có độ hấp dẫn cao hơn, bởi ông cho phép đăng lên đó cả những bài nghiên cứu về lịch sử, truyện cổ tích, văn thơ… Tức là bên cạnh những tin tức phục vụ chính quyền, vẫn có những tin tức dân sự phục vụ cái trí tò mò của độc giả. Nào là tin bắt được cọp nơi phủ Bình Long (số tháng 8.1865), rồi tin thuyền của người Pháp gặp cướp (số tháng 9.1865)…

Là tờ báo của nhà nước, nên dễ hiểu Gia Định báo ra đời có những mục tiêu theo ý muốn của chính quyền bảo hộ, mà điểm đáng chú ý ở đây chính là việc cổ động dân Nam học chữ quốc ngữ, thay thế chữ Hán, biết những kiến thức mới về văn hóa, về canh nông…

Về mặt ảnh hưởng của Gia Định báo lúc bấy giờ, thật cũng nhận được lắm ý kiến trái chiều nhau, như ý kiến của một hội viên có tên Tho trong cuộc họp của Hội đồng Quản hạt ngày 2.12.1896 có phát biểu: “Tờ báo chẳng cho người Annam biết gì cả, ngoại trừ tên một số thuốc nhảm chữa nhiều bịnh”. Nhưng hậu thế nhìn về Gia Định báo thuở ấy, thì đó chính là một tờ báo Việt ngữ đặt dấu mốc khởi đầu cho báo chí nước Việt ta. Ngoài ra, nội dung của Gia Định báo, dẫu chủ yếu có những phần công vụ, tạp vụ phục vụ cho việc đăng tin của chính quyền, nhưng nội dung của nó cung cấp rất nhiều tư liệu có giá trị lịch sử cho chúng ta, đặc biệt là cho đất Nam kỳ thời gian cuối thế kỷ XIX, cũng như cho ta biết về ngôn ngữ báo chí Việt buổi ban đầu so với hiện nay ra sao. Rồi những văn thơ, cổ tích không chỉ truyền miệng trong dân gian, mà đã hiện diện trên sản phẩm in truyền bá rộng rãi lúc bấy giờ...

Với vị trí là tờ báo quốc ngữ ra đời đầu tiên, Gia Định báo đã đóng vai trò khai mở cho những báo Việt ngữ nhà nước, tư nhân về sau trên đất Việt ta, để đến nay, báo chí trở thành “cơ quan quyền lực thứ tư”, phục vụ đắc lực trong việc thông tin, truyền thông tin tức đến toàn dân, hòa vào nhịp phát triển chung của nhân loại để trở nên đa dạng từ báo giấy đến báo mạng, báo tiếng đến báo hình…

Trần Đình Ba

Bài liên quan
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024
Sáng 16.11, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đâu là tờ báo đầu tiên của Việt Nam?