Phật giáo đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm, với sự truyền thừa từ chính Ấn Độ cùng với sự di cư trốn khỏi phương Bắc của những nhà sư Trung Hoa.

Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?

13/06/2016, 05:59

Phật giáo đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm, với sự truyền thừa từ chính Ấn Độ cùng với sự di cư trốn khỏi phương Bắc của những nhà sư Trung Hoa.

Kỳ 1: Phật giáo đến Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc hay Ấn Độ?

Kỳ 2: Vì sao Phật giáo dễ dàng hòa nhập với người Việt?

Phật giáo Việt Nam đã từng phát triển rất mạnh trong thế kỷ thứ 2-3. Mặc dù vậy, sự phát triển này bị gián đoạn trong những năm tiếp theo cho đến khi những nhà sư chạy loạn khỏi Trung Quốc đến đây và tạo lập nhiều tông phái ảnh hưởng lớn đến sau này.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
Sau Khương Tăng Hội, suốt thế kỷ thứ 4, Phật giáo ở Giao Châu không được ghi chép nhiều. Đến thế kỷ thứ 5, một cái tên tiêu biểu xuất hiện là Đạt Ma Đề Bà, một tăng sĩ Ấn Độ đã đến Giao Chỉ để dạy về thiền. Đồ tôn của ông là Huệ Thắng, một nhà sư nổi tiếng vào cuối thế kỷ thứ 5, được Lưu Tích – Thái thú Nam Hải mời về quê quán là Bành Thành để dạy Phật. Huệ Thắng là người Giao Chỉ, thường đọc kinh Pháp Hoa, tu tập thiền định.
Phật giáo Giao Chỉ có những bước phát triển về thiền tông rõ nét, trước cả khi thiền tông chính thức được Bồ Đề Đạt Ma sáng lập tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo phong cách của các nhà sư Ấn Độ, cũng như vị trí nội thuộc, thiền tông Giao Chỉ lúc này không có ghi chép truyền thừa nhiều cũng như không có những giáo phái chính thức được thành lập nên thiếu sự liên tục.
Từ thế kỷ thứ 6 trở đi, Phật giáo Giao Chỉ chịu sự truyền bá mạnh mẽ của Trung Quốc. Đây là khoảng thời gian ở Trung Quốc đang bị phân chia thành Nam – Bắc triều, vua Nam Triều là Lương Vũ Đế rất mến mộ đạo Phật, từng 4 lần xuất gia theo đạo. Tuy nhiên sau đó, từ khoảng giữa thế kỷ 6 trở đi, triều Lương bị khủng hoảng nặng nề và chiến loạn nổi lên. Nhiều nhà sư ở Trung Quốc tìm cách lánh xa các khu vực trung tâm quyền lực.
Năm 520, Bồ Đề Đạt Ma đến chùa Thiếu Lâm, trở thành bị tổ đầu tiên sáng lập Thiền tông Trung Quốc. Tổ thứ 3 là Tăng Xán, đã truyền giáo pháp cho một vị sư từ Ấn Độ là Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Năm 580, theo lời Tăng Xán, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Pháp Vân tự (tức chùa Dâu, Bắc Ninh), chính thức sáng lập Thiền tông tại Việt Nam. Sau này đệ tử truyền thừa của sư là Pháp Hiền có hơn 300 giáo đồ tu tập.
Tỳ Ni Đa Lưu Chi được tôn xưng là người mở đầu cho Thiền tông Việt Nam, và phái Thiền của sư được kế tục liên tục đến tận sau thời Bắc thuộc, ảnh hưởng sâu rộng đến Phật giáo Đại Việt sau này. Kinh đầu tiên sư dịch ở Giao Chỉ là Tượng Đầu Tinh Xá, một cuốn kinh có tính chất thiền học và có dấu ấn của hệ văn Bát Nhã.
Mặc dù truyền bá tư tưởng Thiền học, nhưng hành trạng truyền pháp của Tỳ Ni Đa Lưu Chi có sự xuất hiện của dấu ân Mật tông. Trong câu nói với Pháp Hiền về việc Tăng Xán truyền đạo cho mình, sư có đề cập đến tâm ấn, một khái niệm hay dùng trong Mật giáo. Một minh chứng rõ ràng hơn là việc sư đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, một kinh có yếu tố Mật giáo rất rõ. Mật giáo phát triển từ thế kỷ thứ 4, đến thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa thành Mật tông, hay Kim Cương thừa. Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên, thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết… Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam. Mặc dù không được ghi chép thành một tông phái chính thức, những nhà sư có ảnh hưởng của Mật giáo vẫn xuất hiện rất nhiều trong lịch sử Việt Nam.

Thiền phái Vô Ngôn Thông
Trong những thế kỷ sau đó, Phật giáo Giao Chỉ tiếp tục phát triển mạnh. Nhà chùa không chỉ là nơi tu tập mà còn là nơi nghiên cứu về lịch sử, địa lý, y hoc, phong thủy. Đại Đường Cầu Pháp Cao Tăng truyện của Nghĩa tịnh có ghi chép về 6 vị sư Giao Chỉ đến Ấn Độ học pháp, trong đó nhiều vị cao tăng thông thạo cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán, đã dịch kinh sách trực tiếp từ tiếng Phạn. Đến trực tiếp Ấn Độ học pháp là một phương thức chung của nhiều nhà sư đến tận thời Lý – Trần.
Năm 820, một thiền phái khác chính thức được lập ra tại Giao Chỉ với sự truyền đạo của thiền sư Vô Ngôn Thông. Sư là đệ tử chân truyền đời thứ 4 của Huệ Năng, tổ thứ 6 của thiền tông Trung Quốc. Vô Ngôn Thông đến Giao Chỉ trú tại chùa Kiến Sơ (Tiên Du, Bắc Ninh). Lúc đầu ông chỉ quay mặt vào tường thiền định, không ai biết đến. Sau này, Lập Đức người sáng lập chùa Kiến Sơ mới chú ý tới ông, và sau khi trò chuyện, Lập Đức bái Vô Ngôn Thông làm thầy, được đổi tên là Cảm Thành. Vô Ngôn Thông truyền tông chỉ cho Cảm Thành. Sư mất năm 826.
Vô Ngôn Thông chủ trương đốn ngộ, một phương thức được nêu từ Huệ Năng, tức chỉ trong một giây lát vẫn có thể đạt được giác ngộ, không cần trải qua quá trình. Sư cũng nêu rõ quan điểm vô đắc, tức sự giác ngộ phải do tự thân mình thành, không phải từ sự chân truyền, cảnh báo sự lầm lạc khi cho rằng những ai được truyền tâm pháp thì mới được là giác ngộ hoặc ngược lại. Vô Ngôn Thông cũng là người bắt đầu phương pháp thoại đầu, phương pháp đối đáp ngắn gọn súc tích và hàm ý sâu xa nhằm thúc đẩy sự khởi ngộ vốn khá thịnh hành ở Phật giáo Trung Quốc.
Thiền tông Giao Chỉ cho đến thời kỳ độc lập của Khúc Thừa Dụ (905) đã phát triển mạnh mẽ với nhiều qui định chặt chẽ. Thầy của Vô Ngôn Thông, sư Bách Trượng Hoài Hải là người đầu tiên lập những quy định về thiền viện và sinh hoạt của các thiền sinh, cũng là người đưa ra chủ trương tự làm nuôi sống bản thân. Khất thực vẫn được duy trì những chỉ là một phương pháp tu tâm. Vô Ngôn Thông đã đem những quy định này vào Giao Chỉ.
Sự phát triển của Phật giáo theo hướng chặt chẽ và có hệ thống là tiền đề cho việc sức mạnh của đạo Phật len lỏi vào đời sống chính trị của người Việt sau thời kỳ Bắc thuộc, cũng chính là mở đầu cho việc Phật giáo vươn lên thành quốc giáo của Đại Việt sau này.

Thiên Lang

Nguồn:
Việt Nam Phật giáo sử luận
Thiền Uyển tập anh
Cao Tăng truyện
Đại Đường Cầu Pháp Cao Tăng truyện

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?