Sau khi đăng bài "Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?", báo điện tử Một Thế Giới nhận được rất nhiều phản hồi. Chúng tôi xin trích đăng các ý kiến của một số độc giả tâm huyết với vấn đề trên.

Độc giả phản hồi bài viết 'Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?'

15/06/2016, 20:12

Sau khi đăng bài "Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?", báo điện tử Một Thế Giới nhận được rất nhiều phản hồi. Chúng tôi xin trích đăng các ý kiến của một số độc giả tâm huyết với vấn đề trên.

I/ Tôi là Mật Quang Minh , người đã từng đối luận với Thiên Lang về những sai lầm của bạn khi bạn phân tích các luận điểm của TS Tôn Giáo Dương Ngọc Dũng ở Chùa Ngọc Hoàng . Khi đọc bài viết "Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?” Tôi không khỏi thắc mắc vì những suy luận của độc giả hoàn toàn nằm ngoài quỹ đạo chánh pháp Phật đà. Sau đây , tôi xin trao đổi rõ hơn với độc giả Thiên Lang qua một số nội dung sai lệch, thiếu căn cứ theo tri kiến Phật học qua đoạn cụ thể đoạn trích

“Mặc dù truyền bá tư tưởng Thiền học, nhưng hành trạng truyền pháp của Tỳ Ni Đa Lưu Chi có sự xuất hiện của dấu ấn Mật tông. Trong câu nói với Pháp Hiền về việc Tăng Xán truyền đạo cho mình, sư có đề cập đến tâm ấn, một khái niệm hay dùng trong Mật giáo. Một minh chứng rõ ràng hơn là việc sư đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, một kinh có yếu tố Mật giáo rất rõ. Mật giáo phát triển từ thế kỷ thứ 4, đến thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa thành Mật tông, hay Kim Cương thừa. Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết… Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam. Mặc dù không được ghi chép thành một tông phái chính thức, những nhà sư có ảnh hưởng của Mật giáo vẫn xuất hiện rất nhiều trong lịch sử Việt Nam” toàn bộ bài viết, Thiên Lang không hề đưa ra dẫn chứng cụ thể nào để bảo vệ cho luận điểm của mình. Sau đây là những sai lầm cơ bản:

1) Không phân biệt được rõ khái niệm “ Giáo” và “ Tông”

Thiên Lang cho rằng ” Mật giáo phát triển từ thế kỷ thứ 4, đến thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa thành Mật tông..” Bạn không phân biệt nổi thế nào là “giáo” thế nào là “tông” mà cứ theo tâm ý mình để viết, Mật Giáo là nói đến giáo pháp, giáo điển, còn Mật Tông là nói đến phương pháp hành trì. Đây là phần lý và sự của Mật Tông. Không biết bạn dựa vào kinh điển nào mà nói rằng từ “giáo”, chuyển thành “tông”. Trong khi hai mặt của vấn đề lúc nào cũng tồn tại song song, không tách rời. Điều này bạn đã nhầm lẫn về ý nghĩa phạm trù khi trao đổi. Ngoài ra độc giả chưa hiểu rõ được khái niệm “ tâm ấn”. đoạn trích“sư có đề cập đến tâm ấn, một khái niệm hay dùng trong Mật giáo” ,Thực tế thuật ngữ “tâm ấn” được sử dụng rất nhiều trong đạo Phật, nhất là Thiền Tông. Vậy sao áp đặt chỉ có Mật Tông mời sử dụng. Trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Thế Tôn đã khuyến cáo: “Này các ông, đừng tin vào tâm ý của mình. Tâm ý của mình không đáng tin cậy. Đừng tin vào tâm ý của mình khi chưa đắc thánh quả”.

2) Lập luận sai giáo pháp của đức Thế Tôn.

Bạn nói ”Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết…”. Đây là phát biểu hết sức khinh suất, báng bổ giáo pháp Thế Tôn. “Tôn thờ thế lực siêu nhiên thần linh” là những gì? Tất cả các Phật tử đều hiểu rõ; đã quy y Tam bảo, phật tử không được thờ Thiên, Thần, Quỷ, Vật, thì làm sao có thể thờ thế lực siêu nhiên thần linh? Đã là Phật tử, hành giả phải có chánh kiến trong tôn kính: thờ những bậc đáng thờ, kính những bậc đáng kính. Thờ tự như vậy chỉ do ảnh hưởng của mê tín dị đoan và gieo rắc tà kiến cho chúng sanh..Bạn cho rằng Mật Tông hành pháp bằng “bùa chú”. Chữ “bùa chú” chỉ dành cho đám linh căng, ngoại đạo, sao lại đem vào cửa Thiền như vậy. Mật Tông chỉ hành trì THẦN CHÚ, đây là bản tâm chư Phật, chư Bồ Tát lưu suất nhằm lợi lạc chúng sanh tu học, bảo hộ tâm thức của người tu Mật Tông. Đối với người tu Phật phải tự thắp ngọn đuốc chánh kiến lên mà đi, chứ không phải dựa dẫm vào chư Phật, chư Bồ Tát. Việc hành trì Thần Chú là theo tinh thần “Tự lực hành pháp, tha lực hộ trì” của hành giả Mật Tông. Mọi pháp tu đức Phật chỉ ra chỉ có một mục đích duy nhất là giải thoát khỏi sinh tử, điều này được ghi rõ trong kinh Pháp Hoa, Phật thuyết: “Chư Phật chỉ dùng một cỗ xe duy nhất đưa đến giải thoát (Nhất thừa Phật đạo), không có hai mà cũng chẳng có ba”, và trong Tiểu Bộ và Tăng Chi Bộ của kinh tạng nguyên thủy, Ngài cũng dạy rằng: “Như tất cả các đại dương đều có cùng một vị mặn, các giáo pháp của Ta cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát.”

Một trong những nguyên lý Phật gia mà Đức Phật đã dạy là Tứ y cứ (Bốn căn cứ quy chuẩn biện chứng) là :

  • Y pháp bất y nhân
  • Y nghĩa bất y ngữ
  • Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa,
  • Y trí bất y thức.

o Y pháp bất y nhân: nghe theo yếu nghĩa Phật pháp, không phải vì ai mà nghe theo (kinh Kalama chỉ rõ điều này)
o Y nghĩa bất y ngữ: dựa vào yếu nghĩa mà hiểu kinh văn, không chấp nhặt từ ngữ bởi vì có nhiều trường hợp kinh văn bị thêm vào, cắt xén, chỉnh sửa lệch quỹ đạo Chánh pháp, gọi là ngụy kinh, ngụy thư.
o Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa: theo yếu nghĩa giải thoát rốt ráo, mục đích tối thượng, cứu cánh Niết bàn, chớ đừng bám chấp và dừng lại ở ý nghĩa phàm tình là nhân của quả làm Người, Trời, Quỷ, Thần
o Y trí bất y thức: Trí là tuệ tri giải thoát, Thức là phân biệt mang tính chất thế gian, gây nhân luân hồi. Do vậy, hiểu kinh văn chính thống phải hiểu theo Trí, đừng dùng tâm phàm phu mà ngợi ca hay phỉ báng.

Theo quan kiến Phật đà, người đã Quy y Phật, Pháp, Tăng sẽ không thờ cúng thiên, thần, quỷ, vật, và chính Đức Phật đã dạy: “Thờ những bậc đáng thờ. Kính những ai đáng kính. Đó là chân hạnh phước” ( theo Kinh “Ba mươi bảy phước báu tối thượng”) đồng thời banh còn cho rằng:” Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam”. Như vậy theo suy nghĩ của Thiên Lang một tông phái tu Phật thành một đạo thờ quỷ thần. Giáo pháp Như Lai có muốn truyền vào nơi nào thì phải có tính dân tộc, tính thời đại, tính quốc độ, nhưng vẫn là tinh túy cam lồ, giúp chúng sanh giải thoát. Chứ không có việc gá tạm vào tôn giáo đa thần, ngoại đạo. Trong khi tu Phật là “duy tuệ thị nghiệp”, giải thoát khỏi luân hồi chứ không phải vì những mưu cầu thế gian thấp kém như vậy.

Phải chăng những suy nghĩ chủ quan của bạn có vấn đề? Bởi lẽ đức Phật đã chỉ rõ trừ hàng Bồ tát với nguyện lực độ sanh mà tái sanh vào cuộc đời, còn lại tất cả chúng ta có mặt ở đời do nghiệp sanh. Vì lẽ ấy, cấu uế hay những phiền não tồn tại trong tâm mỗi con người là chuyện bình thường. Vấn đề là phương thức chuyển hóa những cấu uế đó thế nào, nhất là đối với những ai thiết tha với sự nghiệp thanh lọc và thăng hoa tâm.Thế Tôn đã trao truyền một phương thức chuyển hóa cấu uế rất đơn giản và hiệu quả. Đó là thiết lập tuệ tri thường trực về thân tâm. Tuệ tri là nhìn rõ, thấy biết thân tâm với sự tỉnh táo, tuệ giác và chánh niệm. Một sự nhận diện chính mình trung thực, nhận thức tự nội và ngoại giới như chính nó là tuệ tri. Chỉ cần tuệ tri, tự khắc chúng ta sẽ được soi sáng và biết “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”

Biết quay về nhìn lại chính mình, theo quan điểm của Thế Tôn, đó là hạng người ưu thắng. Tâm mình có phiền não, cấu uế hay không phải biết rõ, nếu có phải nỗ lực đoạn trừ còn nếu không thì phải cảnh giác với các cấu uế có thể khởi lên. Đây là cách “chăn” tâm hiệu quả nhất.

Ngược lại, không rõ biết về thân tâm của mình, ngay cả khi tâm của mình, ngay cả khi tâm vắng lặng mà không tuệ tri thì vẫn là hạng người hạ liệt. Sự hạ liệt ở đây là không nhận thức rõ cái ác đang hiện hữu và những ác pháp khác đang tiềm ẩn, sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào. Một kẻ “chăn trâu” mà chẳng để ý, không thấy con trâu của mình thì rất nguy hiểm và đáng trách.Điều này đức Phật đã xác quyết qua câu chuyện trích trong Kinh không uế nhiễm: “ Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đây, Tôn giả Xá Lợi Phất dạy các Tỷ kheo:

“Này chư Hiền, ở đời có bốn hạng người. Thế nào là bốn ? Ở đây, có hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế”. Ở đây, có hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế”. Ở đây, có hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế”. Lại nữa, có hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế”.

Này chư Hiền, hai hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế” và hạng người không có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế” được gọi là hạng người hạ liệt. Hai hạng người có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta có cấu uế” cùng hạng người không có cấu uế và như thật tuệ tri “Nội thân ta không có cấu uế” được gọi là hàng ưu thắng.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Không uế nhiễm [lược], VNCPHVN ấn hành 1992, tr.59)”

Trong kinh Pháp cú đức Phật đã khuyến cáo rằng
“Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.”
(kinh Pháp Cú – Phẩm Ngu)
Do Vậy, những suy luận của Thiên Lang không căn cứ trên quan điểm Phật đà đã reo rắc tà kiến, làm sai lệch chánh pháp Phật môn. Điều này sẽ làm cho Phật giáo bị xen tạp, ô nhiễm , mang tính dị đoan trong khi Đảng và nhà nước đang tăng cường bài trừ những tệ nạn mê tín , dị đoan. Tôi hi vọng bạn Thiên Lang sẽ cân nhắc các ý chủ quan của mình để tránh những sai lầm vừa qua bởi lẽ Đức Phật cũng đã dạy rằng “Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thên trên tự thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để có thể diệt trừ tham sân ở đời, trên các cảm thọ... trên các tâm... sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để có thể diệt trừ tham sân ở đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa một ai khác, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một gì khác. Trích Kinh trường bộ 2 phẩm Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống.

Lời kết , Mật Quang Minh xin trích lời đức Phật đã chỉ dạy rất rõ trong kinh Hiền Ngu Trang 501- NXB Tôn giáo “này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ và hành các thiện hành. Này các Tỷ-kheo, nếu người trí không tư duy thiện tư duy, không nói lời thiện ngữ, không hành các thiện hành, thời làm sao kẻ trí biết được người ấy: “Vị này là người trí, là bậc chơn nhân?” Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói lời thiện ngữ, hành thiện hành, do vậy người trí biết người ấy: “Vị này là người có trí, là bậc chơn nhân.” Người trí ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại lạc hỷ.”

Mật Quang Minh

II/ Tôi là Mật Hạnh Giác, thế danh Phạm Đức Dũng, đã từng viết bài “Nếu Tổng thống Obama muốn quy y đạo Phật thì chẳng ai có quyền ngăn cản” đăng trên báo điện tử Một Thế Giới ngày 05/06/2016. Tôi muốn trao đổi với ông một số vấn đề trong bài viết Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?

1 Sự ngộ nhận về Mật Tông: bài viết của Thiên lang bộc lộ thái độ vô cùng khinh suất khi gượng ép “hành trạng truyền pháp” của sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi với Mật Giáo. Chỉ thông qua hai sự kiện, một là ông ấy đề cập đến “tâm ấn”, hai là ông ấy dịch một bộ kinh “có yếu tố Mật Giáo rất rõ là bằng chứng. Lại nữa, chắc ông chưa biết Học Giả Nguyễn Minh Tiến dịch đến 6-7 quyển sách của Đức Đại Lai Lạt Ma thứ 14 nhưng chẳng phải hành giả Mật Tông, lại còn có những phát biểu chưa chuẩn về việc ăn chay mới tu được pháp tu Mật Giáo. Hoàn toàn xa rời thực chất tu tập. Từ những điều này, tôi khẳng định việc xác quyết của Thiên Lang về hành trạng người tu Mật Tông là hoàn toàn sai lầm. Mật Tông là một tông phái đạo Phật, như vị Thầy đã dạy, mật Tông hay Yoga Tây Tạng là sự hợp nhất Thân-Ngữ-Tâm. Hoàn toàn không phải ở việc đề cập, bắt vài ba ấn quyết rồi dịch sách là thành hành trạng của người tu Mật! Ông phân biệt tông phái mà không dựa vào Giáo Pháp, Giáo Điển mà dựa vào hình thức bề ngoài hay sao? Lời phát biểu của ông rơi vào tình trạng 1 trong 14 điều thất bại trầm trọng của thánh giả Gampopa: “Cho những kinh nghiệm tâm linh khởi lên từ những phương tiện là tối thượng mà không thấu đáo bản chất chân thật của sự vật và hiện tượng, cũng giống như nhầm lẫn đồng là vàng. Đây là một thất bại trầm trọng”.

2/ Từ sai lầm vô minh này, ông tiếp tục luận giải quàng xiên về Mật Tông rằng: “Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết…” Này Thiên Lang, ông nhầm lẫn tai hại giữa “Giáo” và “Tông” đã đành, nhưng ông quy cho Mật Tông “tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh” và “hành pháp bằng bùa chú”…là quá sức tưởng tượng! Đức Phật đã huấn thị rất rõ rằng “Quy y Phật không thờ Thiên, Thần, Quỷ, Vật” bởi tất cả những đối tượng trên không phải là nơi nương tựa chân thật. Ông nói Mật Tông như thế khác nào ngầm bảo Mật Tông đi ngược với lời dạy của Đức Phật?! Thiên Lang tiếp tục phạm sai lầm khi bảo rằng “ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết…”.

Vai trò quan trọng nhất của Trí Tuệ Ba La Mật thì không thấy nhắc tới, như Thánh tăng Thogme Zangpo từng khẳng định: “Có năm Ba-la-mật (tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định) mà thiếu Trí huệ Ba-la-mật thì không thể dẫn tới đạo quả. Bởi vậy, hãy kết hợp các phương tiện thiện xảo cùng với trí huệ để khỏi lạc vào ba cõi…” Từ đây có thể thấy Thiên Lang đã phạm sai lầm lộng ngôn về phương pháp hành trì của Mật Tông, đồng thời bộc lộ sự kém hiểu biết về Lục Độ Ba La Mật. Ông còn nhầm lẫn khinh suất “bùa chú” thay vì từ đúng ở đây là “thần chú”. Người tu Phật hành trì thần chú vì thần chú là Bản Tâm chư Phật, có công năng bảo hộ tâm thức người tu. Ở trong Phật Giáo không có “bùa”, vốn là từ để chỉ phương thuật trong các tín ngưỡng dân gian và Đạo Giáo.

3/ Đức Đại Lai Lạt Ma 14 đã cảnh báo rằng: “Những ai nói sai về Mật Giáo sẽ không còn thân mạng để tiếp tục”. Cũng như Đức Phật đã dạy rằng : “Tin ta mà không hiểu ta, tức là phỉ báng ta vậy!”. Đức Phật đã cảnh báo về tội vọng ngữ, “Đừng tin theo ý mình khi chưa đắc Thánh Quả” trong kinh 42 chương Thánh giả Gampopa: “Tìm cách dạy Giáo pháp cho người khác mà tự mình không trải nghiệm, cũng giống như một người mù dẫn dắt một người mù. Đây là một thất bại trầm trọng”.

Phạm Đức Dũng

III/ Kính gởi Ban biên tập Báo điện tử Một Thế giới, Tôi tên là Phạm Ngọc Dung, là độc giả thường xuyên của quí báo. Tôi cũng là một Phật tử. Tôi đọc được tựa đề:” “Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?”, của tác giả Thiên Lang, đăng ngày 13/6/2016 và tui có vài lời muốn trình bày luận điểm của tôi như sau:

1/ Thiên Lang viết “ Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết… Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam.” Không biết Thiên Lang trích dẫn ở đâu mà nếu ra Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh trong khi đó Mật giáo không phải tông phái mà là giáo pháp, giáo điển nên phải nói là Mật tông mới đúng. Mật Tông là một trong những tông phái của Đạo Phật”được xã hội đã công nhận tính chất tích cực của họ vì mọi sự đã được chứng minh qua lịch sử phát triển là Đạo Phật mà người lãnh đạo Mật Giáo là Đức Đạt lai Lạt ma 14, người nhận giải Nobel Hòa Bình, và Pháp vương Gyalwang Drukpa 12 LÀ NHỮNG BẬC LÃNH TỤ MẬT TÔNG TÂY TẠNG. Mà Đạo Phật giương cao ngọn cờ chánh kiến để làm trạch pháp nhãn để soi sáng, do đó chánh kiến luôn đứng đầu trong Bát Chánh Đạo là nền tảng của trí tuệ trong Chuyển Pháp luân: “Này các Tỳ kheo, thế nào là Trung đạo do Như lai chánh giác chứng ngộ, phát sinh sự thấy, sự hiểu, đưa đến an tịnh, thắng trí, Niết bàn? Ðó là Bát chánh đạo, tức là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định”.Chánh kiến có 4 khía cạnh tu duy trong đó có chánh kiến trong thờ tự, (Quy y Phật không thờ Thiên, Thần, Quỷ, Vật), “Bị trói buộc trong ngục tù sanh tử luân hồi, làm sao những vị trời phàm tục có thể hộ trì cho ta được? Bởi vậy, có quy y thì hãy quy y nơi Tam Bảo, nơi nương tựa chân thật. Đó là pháp hành Bồ tát đạo.”, Chánh kiến về tôn kính (Thờ những bậc đáng thờ, Kính những người đáng kính) thì lấy đâu ra tôn thờ các thể lực thần linh???

Lại nữa, Thiên Lang viết Mật giáo còn “ hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết” trong khi đó Thần chú trong Mật Tông ở đây theo tiếng Phạn là “Mantra” có nghĩa là “bảo hộ tâm thức” thoát khỏi uế trược, phiền não , Thần chú là bản tâm của chư Phật, là mật ngữ của chư Phật, của chư đại Bồ tát, lưu xuất từ những lần đại định tam muội, đúc kết tất cả tinh ba vi diệu trong vũ trụ”( trích tác phẩm “Một đời người một câu thần chú”) thì nay trở thành hành pháp mà mục đích này là “hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam” thật là phi lý? Đó là một lập luận khinh suất, thiếu cẩn trọng, không thể chấp nhận được với những màu sắc huyền bí dễ gây ngộ nhận đế bao người, đem đến cho họ những điều sợ hãi với Mật tông.

Phạm Ngọc Dung

IV/ Gửi toà soạn báo điện tử Một Thế giới, Tôi tên là Lê Thị Bảo Quỳnh, cư trú tại đường Đoàn Văn Bơ, Quận 4, TP HCM. Vừa qua, tôi đã đọc bài viết của tác giả Thiên Lang : “Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?” được đăng trên trang chủ báo Một Thế giới. Sau khi đọc xong, tôi có cảm giác bài viết nghiêng về đề tài lịch sử Trung Quốc hay đề tài điện ảnh (cổ trang) chứ không liên quan gì đến chủ đề Phật giáo nói chung, Mật giáo nói riêng với một số lý do như sau:

1. Những gì tác giả Thiên Lang trình bày trong bài viết hoàn toàn không toát lên được trình độ gì cả vì lối lập luận không có cơ sở luận chứng, luận cứ, văn phong cục bộ, tinh thần viết thiếu khách quan do nguồn trích dẫn giới hạn. Thiên Lang chỉ là một “người ngoài cuộc” trên trận chiến tâm linh. Một chiến binh muốn ra trận, ít nhất cũng đã từng được đào tạo bài bản về nguyên tắc chiến đấu. Cho dù “to xác” mà không có sự đào tạo, không “quán triệt” tinh thần chiến đấu chung thì chẳng có lợi ích gì.

2. Nguồn trích dẫn: Bốn nguồn tài liệu mà tác giả Thiên Lang dựa vào để “biên tập” lại thành nội dung bài báo cho thấy sự hời hợt trong việc tổng hợp và đánh gía thông tin: – Việt Nam Phật giáo sử luận: mặc dù không ghi chép tên tác giả song có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về “Việt Nam Phật giáo sử luận” là của Giáo sư Nguyễn Lang. Từ địa vị xã hội của tác phẩm là một “giáo sư”, cho thấy quyển này chỉ nằm trong giới hạn là một quyển sách bình luận về lịch sử theo cách nhìn chủ quan của tác giả. Nói về Phật pháp, phải dựa trên những lời dạy của Đức Phật và chư thánh chúng, những bậc chứng đắc. Tinh thần chung của đạo Phật là “duy tuệ thị nghiệp” chứ không phải là “duy lịch sử thị nghiệp”. Một tác phẩm cho dù có bề dày lịch sử, song không phản ánh đúng tinh thần này của Đức Phật đều không có giá trị vì không mang đến sự giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. – Thiền Uyển tập anh: chỉ là một tác phẩm văn xuôi được viết bằng chữ Hán, ghi lại hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số vị đời Trần.

Thứ nhất, đây chỉ được coi là một tác phẩm văn xuôi, có nghĩa chỉ có giá trị trong lĩnh vực văn học – một hình thức nghệ thuật ngôn từ, sử dụng sự sáng tạo trong ngôn ngữ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, phản ánh và biểu hiện đời sống. Thứ hai, cho đến nay không một ai xác nhận một cách chính xác lai lịch tác giả của tác phẩm này – đồng nghĩa tác phẩm này không có giá trị kiểm chứng và trải nghiệm về Phật học. Những nhân vật lịch sử cho dù để lại tên tuổi cho đời sau bằng sở học nổi bật song nếu không phải là những bậc đắc thánh quả thì lời nói không đáng tin cậy. Bởi Đức Phật đã dạy rằng:”Chưa đắc thánh quả đừng tin vào tâm ý của mình”. – Cao tăng truyện (hay còn được gọi là Lương cao tăng truyện) và Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện: là bộ tuyển tập truyện ghi chép sự tích các nhà sư nổi tiếng của Trung Quốc. Các “tác phẩm” này thực tế chỉ có giá trị giải trí chứ chẳng thể với đến giá trị nghệ thuật, huống chi là giá trị về mặt tâm linh.

3. Do không dựa trên tinh thần chung là “Duy tuệ thị nghiệp” dựa trên những lời dạy của Đức Phật, toàn bộ suy luận trong bài viết thể hiện tư duy bất cẩn, lập luận sơ hở, phiến diện, một chiều. Ví dụ: – Trong câu nói với Pháp Hiền về việc Tăng Xán truyền đạo cho mình, sư có đề cập đến tâm ấn, một khái niệm hay dùng trong Mật giáo: Vậy khái niệm“tâm ấn” là gì? Được dùng trong những kinh điển nào của Mật giáo? – “Một minh chứng rõ ràng hơn là việc sư đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, một kinh có yếu tố Mật giáo rất rõ” – Yếu tố Mật giáo là yếu tố gì? Hoàn toàn không có sự luận giải để chứng minh cho điều mà Thiên Lang gọi là “rất rõ”. – Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết… – Chủ trương này do ai thuyết? kinh điển nào đưa ra? Kinh điển nào đưa nội dung “Mật Tông hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết”?! Điều cơ bản nhất đối với một Phật tử chân chính là “Quy y Phật, không thờ thiên, thần, quỷ, vật”, vậy mà Thiên Lang khẳng định Mật giáo tôn thờ các thế lực siêu nhiên, thần linh? Đức Phật đã dạy :” “Như tất cả các đại dương đều có cùng một vị mặn, các giáo pháp của Ta cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát”. Đức Phật chỉ ra 84.000 pháp môn là để tuỳ thuận duyên chúng sanh, cùng một mục đích là giải thoát khỏi sanh tử luân hồi chứ không phải để phân biệt Mật Tông với các tông phái khác. Thần chú trong Mật Tông theo tiếng Phạn là “Mantra” có nghĩa là “bảo hộ tâm thức” thoát khỏi uế trược, phiền não (trích Thần chú là bản tâm của chư Phật, là mật ngữ của chư Phật, của chư đại Bồ tát, lưu xuất từ những lần đại định tam muội, đúc kết tất cả tinh ba vi diệu trong vũ trụ”( trích tác phẩm “Một đời người một câu thần chú”) chứ không phải sử dụng phương tiện ma mị là bùa chú! – Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam – Một người mặc nhiên thừa nhận xã hội đa thần, gián tiếp đồng tình với mô típ xã hội tà kiến như vậy lẽ nào xứng đáng luận bàn, giảng giải về Phật pháp? Tóm lại, cách lập luận trong bài viết của Thiên Lang theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Với hàng loạt dẫn chứng không chính thống về Thiền tông, Thiên Lang suy ra lịch sử và cốt lõi của Mật Tông. Khi luận bàn về Phật giáo đáng lẽ với mục đích tối thượng là đạt tới sự giải thoát, Thiên Lang lại đi sâu vào bàn về các thế lực siêu nhiên thần linh. Với những lập luận chủ quan của mình, tác giả Thiên Lang của bài báo “Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?” có thể làm thay đổi suy nghĩ của độc giả. Họ có thể tin tưởng những suy luận của Thiên Lang và có cái nhìn lệch lạc về Phật giáo Mật Tông.

Lê Thị Bảo Quỳnh

V/ Tôi tên là Trần Hồng Tiến, là độc giả thường xuyên của Quý Báo. Tôi cũng là một Phật tử. Tôi đọc được tựa đề:” “Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?”, của tác giả Thiên Lang, đăng ngày 13/6/2016. Tôi xin phân tích trích đoạn của Thiên Lang: Trích đoạn: “Mặc dù truyền bá tư tưởng Thiền học, nhưng hành trạng truyền pháp của Tỳ Ni Đa Lưu Chi có sự xuất hiện của dấu ân Mật tông. Trong câu nói với Pháp Hiền về việc Tăng Xán truyền đạo cho mình, sư có đề cập đến tâm ấn, một khái niệm hay dùng trong Mật giáo. Một minh chứng rõ ràng hơn là việc sư đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, một kinh có yếu tố Mật giáo rất rõ. Mật giáo phát triển từ thế kỷ thứ 4, đến thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa thành Mật tông, hay Kim Cương thừa. Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết… Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam. Mặc dù không được ghi chép thành một tông phái chính thức, những nhà sư có ảnh hưởng của Mật giáo vẫn xuất hiện rất nhiều trong lịch sử Việt Nam”… Hết trích.

Thứ nhất, Thiên Lang cho rằng ” Mật giáo phát triển từ thế kỷ thứ 4, đến thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa thành Mật tông..” thì Thiên Lang không phân biệt nổi thế nào là “giáo” thế nào là “tông” mà cứ tự tiện theo tâm ý mình mà viết, Mật Giáo là nói đến giáo pháp, giáo điển, còn Mật Tông là nói đến phương pháp hành trì. Đây là phần lý và sự của Mật Tông. Không biết ông ta dựa vào kinh điển nào mà nói rằng từ “giáo”, chuyển thành “tông”. Trong khi hai mặt của vấn đề lúc nào cũng tồn tại song song, không tách rời. Đây đúng là lời nói của kẻ tự tin vào tâm ý mình. Thứ hai, theo ông ta ” Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết…”. Đây là phát biểu hết sức khinh suất, không đúng với giáo pháp Thế Tôn. Các “tôn thờ thế lực siêu nhiên thần linh” là những gì? Người tu Phật khi Quy y Tam Bảo, thệ nguyện không thờ thiên, thần, quỷ, vật cớ sao ông ta lại bảo Mật Tông, một tông phái của đạo Phật, lại thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, quá sức sai lầm! Ông ta còn cho rằng Mật Tông hành pháp bằng “bùa chú”. Chữ “bùa chú” chỉ dành cho ngoại đạo, sao lại đem vào cửa Thiền như vậy. Mật Tông chỉ hành trì THẦN CHÚ, đây là bản tâm chư Phật, chư Bồ Tát lưu suất nhằm lợi lạc chúng sanh tu học, bảo hộ tâm thức của người tu Mật Tông. Đối với người tu Phật phải tự thắp ngọn đuốc chánh kiến lên mà đi, chứ không phải dựa dẫm vào chư Phật, chư Bồ Tát. Việc hành trì Thần Chú là theo tinh thần “Tự lực hành pháp, tha lực hộ trì” của hành giả Mật Tông.

Thứ ba, ông ta cho rằng:” Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam”, nói vậy ông ta biến một tông phái tu Phật thành một đạo thờ quỷ thần. Giáo pháp Như Lai có muốn truyền vào nơi nào thì phải có tính dân tộc, tính thời đại, tính quốc độ, nhưng vẫn là tinh túy cam lồ, giúp chúng sanh giải thoát. Chứ không có việc gá tạm vào tôn giáo đa thần, ngoại đạo, vậy thì còn gì là Đạo Phật nữa. Chính cái kiểu hiểu sai phương tiện như vậy, mà hiện nay chùa chiền đi vào những việc huyền hoặc, cầu siêu, cầu an. Trong khi tu Phật là “duy tuệ thị nghiệp”, giải thoát khỏi luân hồi chứ không phải vì những mưu cầu thế gian thấp kém như vậy. Thứ tư, ông ta cho rằng: “Mặc dù không được ghi chép thành một tông phái chính thức” thật là kết luận quá ấu trĩ, bên trên ông viết “thứ 4, đến thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa thành Mật tông”, chưa biết ông ta đúng hay sai, nhưng tự ông ta mâu thuẫn với chính mình. Thực tế thì Mật Tông Tây Tạng được Đại sĩ Liên Hoa Sanh truyền vào Tây Tạng, theo lời mời của đức vua Trisong Detsen. Sao ông ta dám nói không phải là “một tông phái chính thức”.

Thứ năm, ông ta cho rằng “sư có đề cập đến tâm ấn, một khái niệm hay dùng trong Mật giáo” , ông ta có biết tâm ấn là gì không? Thật sao lầm ông nói rằng đây là một khái niệm “hay dùng trong Mật Giáo”, trong khi đó thuật ngữ “tâm ấn” được sử dụng rất nhiều trong đạo Phật, nhất là Thiền Tông. Tôi thật chán ngán cho sự hiểu biết của ông ấy quá, vậy mà ông ta mạnh miệng viết một đoạn với câu từ khẳng định đến như vậy. Ngoài ra còn nhiều cái sai cơ bản về Phật học, nhưng tôi chỉ phân tích những vấn đề có liên quan đến Mật Giáo, gây nhân phỉ báng Chánh Pháp. Tóm lại tôi thật thất vọng với mớ kiến thức chắp vá của Thiên Lang. Ông ta tự ý lập ngôn, trong khi Đức Phật đã khuyến cáo trong kinh Tứ Thập Nhị Chương rằng “Đừng tin vào tâm ý mình khi chưa đạt Thánh Quả”.

Trần Hồng Tiến

VI/ Gửi Thiên Lang, Tôi đọc bài viết của bạn tôi không khỏi thắc mắc vì nó hoàn toàn nằm ngoài quỹ đạo chánh pháp Phật đà. Tôi xin có đôi lời với bạn, mong bạn hoan hỷ đón nhận. Trước hết, nhìn toàn bộ bài viết, Thiên Lang không hề đưa ra dẫn chứng cụ thể nào để bảo vệ cho luận điểm của mình. Chỉ cần đọc đoạn trích này là biết: “Mặc dù truyền bá tư tưởng Thiền học, nhưng hành trạng truyền pháp của Tỳ Ni Đa Lưu Chi có sự xuất hiện của dấu ân Mật tông. Trong câu nói với Pháp Hiền về việc Tăng Xán truyền đạo cho mình, sư có đề cập đến tâm ấn, một khái niệm hay dùng trong Mật giáo. Một minh chứng rõ ràng hơn là việc sư đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, một kinh có yếu tố Mật giáo rất rõ. Mật giáo phát triển từ thế kỷ thứ 4, đến thế kỷ thứ 8 thì được hệ thống hóa thành Mật tông, hay Kim Cương thừa. Mật giáo chủ trương tôn thờ các thế lực siêu nhiên thần linh, ngoài thiền định và tinh tấn thì còn hành pháp bằng bùa chú, ấn quyết… Việc hành pháp này trở nên dễ dàng tiếp cận với xã hội đa thần của Việt Nam. Mặc dù không được ghi chép thành một tông phái chính thức, những nhà sư có ảnh hưởng của Mật giáo vẫn xuất hiện rất nhiều trong lịch sử Việt Nam” => Cả một đoạn không có một lời thánh tăng hay lời dạy của đức Phật để làm bảo chứng cho luận điểm của Thiên Lang.

Vậy thử hỏi những gì Thiên Lang viết ra đây có đáng tin cậy không? Hay chẳng qua chỉ là vọng ngữ do tâm phóng tưởng? Cho dù cuối bài Thiên Lang có ghi “Nguồn: Việt Nam Phật giáo sử luận, Thiền Uyển tập anh, Cao Tăng truyện, Đại Đường Cầu Pháp Cao Tăng truyện” một cách chung chung cũng không đúng với tinh thần ngũ minh trong Phật học. Trong việc đối luận, để bảo vệ luận điểm, Thiên Lang cần phải trích rõ luận chứng, luận cứ để minh chứng cho những gì mình viết ra theo đúng quỹ đạo chánh kiến Phật đà, chứ không phải theo kiểu luận suông bàn nhảm. Ngoài ra, nếu có trích nguồn còn phải dựa trên tiêu chí tứ y cứ, tứ pháp ấn, ba tinh yếu giác ngộ để giúp chúng sanh lìa mê về giác mới minh định được chánh tà chân ngụy, chứ không phải trích trong các kinh ngụy tạo của Trung Quốc rồi cho rằng sự hiểu của mình là đúng như trường hợp kinh Vu Lan Bồn là hoàn toàn trái với quỹ đạo chánh kiến Phật đà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc giả phản hồi bài viết 'Vì sao các nhà sư phương Bắc tìm đến đất Việt tu hành?'