Quyết định tăng tuổi nghỉ hưu theo kế hoạch phát triển dài hạn của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khiến người dân tức giận.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2035 nêu rõ sẽ tiến hành tăng tuổi nghỉ hưu dần dần. Hãng Tân Hoa xã trong bản tin nói về kế hoạch trên không nêu lộ trình chi tiết, nhưng cũng gây xôn xao dư luận.
“Chậm nghỉ hưu là chậm được nhận lương hưu”, một người dùng Weibo than phiền.
Một tài khoản khác chỉ trích: “Tăng tuổi nghỉ hưu vô lý và chẳng cần thiết, xuất phát từ tư tưởng hy sinh lợi ích cùng sức khỏe người dân đổi lấy phát triển kinh tế”.
Vài phương tiện truyền thông lại lên tiếng phản bác. Tờ Thời báo Chứng khoán cho hay: “Tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu. Nếu ra nước ngoài, bạn sẽ thấy người trên 60 tuổi vẫn đang làm việc, một chuyện bình thường”.
Năm 2018, gần 250 triệu người Trung Quốc ở độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 17,8% tổng dân số. Tỷ lệ này có thể vượt quá 33% vào năm 2053.
Trung Quốc suốt 4 thập kỷ không hề thay đổi tuổi nghỉ hưu: 60 với nam và 55 với nữ. Một đề xuất làm vậy vào năm 2013 cũng từng bị phản đối mạnh mẽ. Thế nhưng, quốc gia đông dân nhất thế giới hiện phải đối mặt với “quả bom nhân khẩu học hẹn giờ” khi tỷ lệ dân số già tăng lên, lực lượng lao động lại ít đi (một phần do chính sách một con thực thi thời gian dài).
Tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc thấp hơn Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Nhật đang là 65 tuổi, chính quyền Tokyo còn định tăng lên 70 hay thậm chí 75.
Tại Hàn Quốc, nơi 25% dân số sẽ ở độ tuổi 65 trở lên vào năm 2030, người lao động nghỉ hưu lúc 68 tuổi với nam và 67 với nữ.
Dân số già tạo ra áp lực lớn cho hệ thống lương hưu Trung Quốc. Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng quỹ lương hưu nước này có thể không còn khả năng thanh toán vào năm 2035.