Bộ trưởng Hải quân Mỹ - Kenneth Braithwaite nêu đề xuất thành lập hạm đội mới tại vùng biển giao giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, lực lượng mà giới phân tích đánh giá “chặn ngay yết hầu” Trung Quốc.
“Chúng ta không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản. Chúng ta cần nhờ cậy đồng minh và đối tác khác như Singapore hay Ấn Độ, đặt một hạm đội ở nơi thích hợp”, Bộ trưởng Braithwaite phát biểu trước lúc tập trận chung Mỹ - Nhật - Ấn - Úc trên biển Bắc Ả Rập bước vào giai đoạn 2.
Ông Braithwaite chưa bàn luận kế hoạch này cùng quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller, nhưng đã nói qua với Mark Esper - nhân vật đứng đầu Lầu Năm Góc vừa bị Tổng thống Donald Trump sa thải.
Ấn Độ Dương đóng vai trò rất quan trọng trong các tuyến thương mại toàn cầu khi chiếm 80% hoạt động vận chuyển giao thương bằng đường biển. Viện Mercator chuyên nghiên cứu Trung Quốc xác định 80% lượng dầu mà quốc gia châu Á nhập khẩu phải đi qua eo biển Malacca.
Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình nhận định lực lượng Mỹ tập trung hoạt động trên Ấn Độ Dương sẽ là phiền phức lớn: “Trung Quốc phụ thuộc Ấn Độ Dương nhiều hơn tây Thái Bình Dương. Thành lập hạm đội hải quân giống như chặn ngay yết hầu Trung Quốc vậy, làm tổn hại lợi ích phát triển của Trung Quốc trong cung ứng năng lượng và đầu tư các dự án Vành đai - Con đường (BRI)”.
Nhà nghiên cứu quốc phòng Timothy Heath thuộc Viện Rand cho rằng lập hạm đội với Mỹ là chuyện dễ dàng, nhưng xây dựng hạm đội trở nên lớn mạnh rất khó khăn.
Ông cho hay: “Hải quân Mỹ đã bị thu hẹp đáng kể và rất vất vả thực thi nhiệm vụ từ các bộ tư lệnh hiện tại. Nhiều khả năng bộ tư lệnh mới ở giai đoạn đầu chỉ sở hữu số lượng tàu ít ỏi”.
Nhà nghiên cứu Charlie Lyons Jone thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Úc khẳng định đồng minh (như Úc) sẽ hoan nghênh động thái lập hạm đội nên sẵn sàng cho lực lượng Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, nếu đơn phương hành động mà không hỏi ý đồng minh có thể làm dấy lên lo ngại, hơn nữa nên sắm sửa thêm tàu cho lực lượng mới thay vì buộc Hạm đội 7 hiện tại chia sẻ nguồn lực.
Phân công hiện tại giao cho Hạm đội 7 quản lý từ Đường đổi ngày quốc tế (International date line) giữa Thái Bình Dương đến biên giới Ấn Độ - Pakistan trên Ấn Độ Dương, Hạm đội 5 (đồn trú Bahrain) quản lý Trung Đông cùng phía tây Ấn Độ Dương.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương nhằm mở rộng mạng lưới đồng minh - đối tác cùng hợp sức kiềm chế Trung Quốc.