Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa yêu cầu các cơ quan công khai danh sách 578 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính.

Công khai tên 578 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng 'chưa chịu' niêm yết

TTXVN | 21/04/2017, 23:41

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa yêu cầu các cơ quan công khai danh sách 578 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại công văn số 703/VPCP-ĐMDN ngày 24.1.2017 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước báo cáo đến ngày 31.12.2016.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến ngày 4.4 vừa qua đã có 14 bộ, 41 địa phương, 29 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gửi báo cáo về việc doanh nghiệp đã cổ phần hóa đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tổng hợp các báo cáo này, Bộ Tài chính xác định có 578 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ đã gửi báo cáo và danh sách này tới lãnh đạo Chính phủ.

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBNDcác tỉnh, Hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty có tên trong danh sách chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần khẩn trương thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ công khai danh sách 578 doanh nghiệp này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tổng hợp đầy đủ danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa còn lại nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đến ngày 31.12.2016, trong đó tách riêng số lượng, danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không niêm yết để báo cáo Thủ tướng.

Trong danh sách 578 doanh nghiệp, có 301 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, 205 doanh nghiệp chưa đủ điều kiện đăng ký niêm yết và 72 doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký niêm yết nhưng chưa thực hiện niêm yết.

Trong danh sách doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, có thể kể đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vì doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục đăng ký giao dịch.

Với các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nguyên nhân phổ biến là không đủ điều kiện về số lượng cổ đông. Các công ty con của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chưa đủ điều kiện là công ty đại chúng.

Việc doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ gây ra nhiều tiêu cực tới thị trường như phát sinh tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng. Có trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết trong khi theo quy định không được phép chuyển nhượng.

Doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn còn khiến việc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là đối với thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước.

Ngoài ra, còn ảnh hưởng xấu đến mức độ thành công của các đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng do số lượng nhà đầu tư tham gia thấp, giá đấu thành công thấp.

Đối với bản thân doanh nghiệp , việc chậm giao dịch, niêm yết sẽ không minh bạch được tình hình tài chính và không có cơ chế giám sát hiệu quả việc quản trị và hoạt động của doanh nghiệp.

TTXVN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công khai tên 578 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng 'chưa chịu' niêm yết