Nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 12 dự án trọng điểm. Tổng vốn đầu tư của 12 dự án này là 66.223 tỉ đồng.

Hơn 66.000 tỉ cho 12 dự án trọng điểm ‘giải cứu’ ùn tắc giao thông của TP.HCM

Phan Diệu | 21/04/2017, 08:15

Nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 12 dự án trọng điểm. Tổng vốn đầu tư của 12 dự án này là 66.223 tỉ đồng.

Trong thời gian qua, khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm TP.HCM và các cửa ngõ thành phố thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh vùng phụ cận. Việc hoàn thành nhanh các thủ tục để sớm triển khai đầu tư, hoàn thành các công trình, dự án sẽ góp phần giải quyết, kéo giảm ùn tắc giao thông các khu vực này là hết sức cần thiết.

Chính quyền TP.HCM cho rằng cần thực hiện cấp bách một số dự án nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Do đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với 12 dự án do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho xã hội, lợi ích cho nhà nước.

Sau đây là 12 dự án cụ thể:

1. Dự án xây dựng đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (gồm nút giao Bình Thái) đi qua quận 9 dài 3,82km với bề rộng 67m dành cho 8-10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến 5.732 tỉ đồng.

2. Dự án xây dựng đường Vành đai 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng qua quận 9, quận Thủ Đức dài 2km với bề rộng 67m dành cho 8-10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến1.324 tỉ đồng.

3. Dự án đường Vành đai 2 từ nút giao An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh đi qua quận Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh. Đoạn này dài 5,3km với bề rộng 60m dành cho 8-10 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.059 tỉ đồng.

Theo TP.HCM, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khép kín 3 dự án Vành đai 2 trên dự kiến sẽ giúp tạo ra tuyến tránh cho các phương tiện giao thông không đi vào trung tâm, giảm áp lực giao thông đối với các tuyến đường hiện hữu. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông phía đông TP và các hướng lưu thông kết nối khu vực cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội sẽ được khắc phục.

4. Dự án đường xây dựng đường trên cao số 1 đi qua quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Dự án có chiều dài 9,5km với bề rộng 17,5m dành cho 4 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án là 17.500 tỉ đồng.

Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường trên cao sẽ giúp TP.HCM tăng diện tích mặt đường giao thông cũng như giúp các phương tiện lưu thông từ trung tâm TP đến các khu vực cửa ngõ được xuyên suốt, giảm áp lực và ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông hiện hữu.

5.Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 đoạn qua TP.HCM dài hơn 58km. Dự án này đi qua địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và tỉnh Tây Ninh với bề rộng từ 60-120m dành cho 8-10 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án là 6.500 tỉ đồng.

TP.HCM cho rằng việc nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 22 sẽ giúp kết nối trực tiếp các khu vực phía đông, tây, tây nam TP với các tỉnh, đồng thời giảm áp lực giao thông lên hệ thống giao thông hiện hữu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.

6. Dự án xây dựng cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ dài 5,8km, trong đó cầu dài 2,85km. Dự án có bề rộng 17,5m dành cho 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến là 5.904 tỉ đồng.

Việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh nhằm kết nối trung tâm TP với huyện Cần Giờ sẽ giúp TP.HCM hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh liên kết khu vực phía nam TP. Cầu Cần Giờ cũng đáp ứng nhu cầu giao thông, phá thế độc đạo của phà Bình Khánh và hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực.

7. Dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh đi qua quận 4 và quận 7 dài hơn 3,7km với bề rộng 40-60m dành cho 8-10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến là 5.430 tỉ đồng.

8. Dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước. Dự án này đi qua quận 7, huyện Nhà Bè dài 7,5km với bề rộng 60-68,75m dành cho 8-10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến4.000 tỉ đồng.

Việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường trục Bắc - Nam TP đoạn từ đường Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh - Hiệp Phước sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến và giảm áp lực giao thông lên hệ thống giao thông hiện hữu.

9. Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7 dài gần 2,2km, trong đó cầu dài gần 1,6km với bề rộng 31m dành cho 6 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.254 tỉ đồng.

Theo TP.HCM, công trình hoàn thành sẽ góp phần giảm áp lực giao thông trên hệ thống hiện hữu, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị. Cây cầu này cũng tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

10. Dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Tao Đàn, quận 1 với tổng diện tích sàn xây dựng là 70.211m2 có thể chứa 1.198 xe ô tô và 896 xe máy. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.055 tỉ đồng.

TP.HCM nhận định việc đầu tư hoàn chỉnh các bãi đậu xe ô tô khu vực trung tâm TP sẽ giải quyết việc các phương tiện ô tô đậu đỗ trên lề đường, vỉa hè, phục vụ nhu cầu đậu đỗ xe của người dân. Công trình này cũng góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông khu vực trung tâm TP.

11. Dự án nạo vét, khai thông tuyến rạch Ông Nhiêu tại địa bàn quận 2 và quận 9 dài gần 8,6km với bề rộng 36m. Tổng mức đầu tư là 1.465 tỉ đồng.

TP.HCM cho biết sau khi nạo vét khai thông các tuyến đường thủy sẽ góp phần đáng kể cho vận tải hàng hóa, giảm tải cho hệ thống cầu đường bộ, đặc biệt là khu vực phía đông;kết nối cụm cảng trong Khu công nghệ cao với cảng Cát Lái và ra tuyến sông Đồng Nai.

12. Dự án trung tâm điều khiển và hệ thống giao thông đô thị thông minh gồm hệ thống điều khiển giao thông trên 3.800 con đường, dài 3.600km và 1.400 nút giao thông ở TP.HCM. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 6.000 tỉ đồng.

Công trình này dự kiến sẽ giúp TP.HCM nâng cao hiệu quả của công tác quản lý giao thông đô thị, tiết kiệm được nhân lực quản lý cũng nhưgiảm thời gian lưu thông, giảm tai nạn giao thông, cung cấp các dịch vụ về giao thông công cộng chất lượng cao.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 66.000 tỉ cho 12 dự án trọng điểm ‘giải cứu’ ùn tắc giao thông của TP.HCM