Nhằm giảm nguy cơ gia tăng TNGT vào ban đêm, Bộ GTVT đã đề xuất thay đổi quy định giờ lái xe của tài xế từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ.

Có nên 'siết' giờ lái xe của tài xế vào ban đêm?

Tú Viên | 09/08/2023, 13:32

Nhằm giảm nguy cơ gia tăng TNGT vào ban đêm, Bộ GTVT đã đề xuất thay đổi quy định giờ lái xe của tài xế từ 22h hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đề xuất trên được đưa ra sau tình trạng cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vào khung giờ đêm liên quan đến xe khách, xe tải.

Vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý, giám sát tài xế lái xe liên tục quá 3 tiếng ban đêm? Một Thế Giới ghi nhận một số ý kiến người dân và chuyên gia trong lĩnh vực giao thông về đề xuất quy định mới này. 

Nói về lý do cân nhắc điều chỉnh thời gian cấm lái xe vào ban đêm không quá 3 tiếng, anh N.B.Đ, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM đặt câu hỏi: “Nếu trong xe có nhiều người lái thì làm sao biết được ai lái và ai lái liên tục trong 3 tiếng, bởi họ có thể lý giải rằng họ có 2 lái xe, 1 lái chính và 1 lái phụ. Họ chạy suốt đêm nhưng thực tế chỉ có 1 người lái 6 - 7 tiếng liền qua đêm nhưng vẫn có thể cãi là 2 người thay nhau lái thì làm thế nào?".

w.jpg
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trên 11.043 vụ tai TNGT xảy ra trong năm 2022 thì tai nạn xảy ra vào ban đêm chiếm chủ yếu, trong đó có 40,33% số vụ xảy ra từ 16 - 22 giờ và 18,24% số vụ xảy ra từ 22 giờ đến 4 giờ sáng - Ảnh: Internet

Hay như anh Nguyễn Tú, chủ nhà xe chạy tuyến Thái Bình - Vũng Tàu thắc mắc rằng “đang chạy cao tốc hay quốc lộ thì ngừng nghỉ ở đâu? Có khi dừng xe lại càng nguy hiểm hơn”. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đây lại là cách để tăng doanh thu cho những trạm dừng chân (nếu có).

“Lái bao nhiêu tiếng là do khả năng sức khỏe của từng tài xế. Quy định như vậy làm gì? Theo tôi, chỉ nên khuyên và nên có chế tài thật nặng với tài xế gây tai nạn. Mà làm sao để biết được tài xết lái mấy tiếng liên tục? Nghỉ 1, 2 phút cũng là nghỉ. Theo luật, tài xế không được nghỉ, dừng xe giữa đường thì sao?” anh M.T.L., một người dân tại Bình Dương bày tỏ.

Anh N.L.L, chủ một cơ sở bán xe hơi cho rằng, mỗi một cung đường và mỗi loại hình vận tải sẽ có đặc thù khác nhau.

Thứ nhất, xe container luôn bị giới hạn tốc độ thấp so với những loại xe con khi đi trên đường nên thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành quãng đường tương đương. Do đó, nếu cấm lái xe quá 3 giờ là rất khó cho lái xe có thể kịp giao hàng khi mỗi xe thường chỉ có 1 lái chính và 1 phụ xe không thể thay nhau.

Thứ hai, do đặc thù container sẽ bị cấm vào trung tâm thành phố theo giờ nên việc lái xe không quá 3 giờ liên tục ban đêm sẽ gây nhiều khó khăn trong việc kịp giao hàng trước giờ cấm.

Thứ ba, lái xe container chủ yếu di chuyển vào ban đêm thay vì ban ngày như các loại xe gia đình, xe khách cố định. Việc này nhằm tránh tắc đường, nếu thực hiện việc cấm lái xe quá 3 giờ, nhiều xe container sẽ chuyển sang chạy ban ngày dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc ở các trạm thu phí, cửa ngõ thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, anh T.V.T., chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cho biết doanh nghiệp vận tải đang trong thời gian vực dậy sau dịch COVID-19, nếu quy định này có hiệu lực thì doanh nghiệp tiếp tục đối diện với khó khăn khi phải mất thêm chi phí để tuyển tài xế. “Vì vậy, tôi mong Bộ GTVT cân nhắc kỹ”, anh T. nói.

Các chuyên gia nói gì?

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, các nước trên thế giới không kiểm soát việc này, tuy nhiên họ có nhiều khu vực nghỉ ngơi, có những cây xăng rộng rãi cho xe đầu kéo, xe container… Những xe tải có định vị, đồng hồ ghi thời gian chạy, ghi thời gian ngừng và chính phủ luôn khuyến cáo tài xế nên nghỉ ngơi khi chạy xe đường dài.

Đưa ra các phương án cho vấn đề này tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đồng đề xuất, xe khách và xe tải có thể kiểm tra qua định vị, đồng hồ vẽ trên đồ thị, hoặc có đủ bãi đậu xe để tài xế đỗ ngủ.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhìn nhận, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc giảm giờ lái đối với tài xế. Hoạt động vận tải phải được diễn ra liên tục, thông suốt. Việc áp dụng khung giờ lái đối với tài xế sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đi lại cũng như sản xuất.

tp-hcm-hai-vu-tai-nan-giao-thong-trong-dem-khien-2-nguoi-tu-vong.jpeg
Dù có nhiều quy định chặt chẽ nhưng việc kiểm soát tài xế và phương tiện kinh doanh vận tải còn bị buông lỏng, gây nhiều rủi ro TNGT vào ban đêm - Ảnh: Internet

“Ví dụ, xe container vận chuyển nông sản, thủy hải sản… luôn bị giới hạn tốc độ thấp so với những loại xe con khi đi trên đường nên thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành quãng đường tương đương. Do đó, nếu cấm lái xe quá 3 giờ trong đêm rất khó cho việc lái xe kịp giao hàng. Đặc thù container sẽ bị cấm vào trung tâm TP theo giờ vào buổi sáng nên việc lái xe không quá 3 giờ ban đêm sẽ gây nhiều khó khăn cho việc giao hàng kịp trước giờ cấm” - ông Bùi Danh Liên cho hay.

Theo ông Liên, trước đây, Việt Nam đã có quy định về việc lái xe không quá 10 tiếng mỗi ngày, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả cao, tài xế và doanh nghiệp vẫn tìm cách lách luật để hoạt động. Do vậy, cần áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý như tích hợp vào hệ thống camera hành trình, bố trí điểm dừng nghỉ tại các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông. 

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT kiến nghị xem xét quy định các doanh nghiệp phải có danh sách lái xe, thống kê thời gian làm việc của họ để cập nhật lên hệ thống quản lý. Thông số này cũng phải tương thích với thời gian các xe hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Khi có tai nạn xảy ra nó cũng là cơ sở để xem xét thêm trách nhiệm của doanh nghiệp.

Còn theo thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, để hạn chế TNGT vào ban đêm, cần tăng cường hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của tài xế.

Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát vào khung giờ thường xảy ra TNGT để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân. Ngoài ra, cần đánh giá mức độ tai nạn xảy ra trên từng tuyến đường để xác định nguyên nhân và có những giải pháp cụ thể khắc phục.

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cũng giống như giám sát tốc độ phương tiện, hiện nay việc giám sát thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nam.

Tại đây, dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các Sở Giao thông vận tải địa phương để làm cơ sở xử lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của tài xế thông qua thiết bị GSHT trên phương tiện, từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm.

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã chính thức phê duyệt quy hoạch 36 trạm dừng chân phục vụ người dân khi lưu thông trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông. Khi các trạm dừng nghỉ đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện để tài xế nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe và tỉnh táo khi chạy xe, qua đó, ngăn chặn TNGT có thể xảy ra.

Bài liên quan
Đồng Nai: Tạm giữ tài xế gây tai nạn khiến nữ sinh đi xe đạp điện tử vong
Ngày 25.11, Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị đã tạm giữ tài xế T.T.H. (34 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên 'siết' giờ lái xe của tài xế vào ban đêm?