Washington đã tạo ra một cơ cấu quyền lực xung đột tại Iraq, mà trong đó đã tạo điều kiện cho người Kurd có được cơ chế quyền lực kép. Điều đó khiến cho mâu thuẫn giữa lực lượng người Kurd với lực lượng Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số luôn chi phối đời sống chính trị tại Iraq thời hậu Saddam Hussein.

Cơ chế của Mỹ giúp người Kurd ở Iraq và Syria tham gia bàn cờ chính trị tại Trung Đông

20/09/2017, 07:53

Washington đã tạo ra một cơ cấu quyền lực xung đột tại Iraq, mà trong đó đã tạo điều kiện cho người Kurd có được cơ chế quyền lực kép. Điều đó khiến cho mâu thuẫn giữa lực lượng người Kurd với lực lượng Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số luôn chi phối đời sống chính trị tại Iraq thời hậu Saddam Hussein.

Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ Vincent Stewart cho rằng độc lập cho người Kurd là không thể tránh khỏi

Theo Reuters ngày 15.9, vài giờ trước khi Nghị viện Kurdistan thông qua kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập cho người Kurd ở Iraq vào ngày 25.9 tới đây, chính phủ Mỹ đã lần đầu tiên ra tuyên bố công khai kêu gọi chính phủ Kurdistan (KRG) hủy bỏ kế hoạch, với lý do cuộc trưng cầu độc lập cho người Kurd "làm xao lãng nỗ lực đánh bại IS”.

"Mỹ không ủng hộ ý định tổ chức trưng cầu dân ý của chính quyền khu vực Kurdistan vào cuối tháng này. Chúng tôi kêu gọi KRG tiến hành đối thoại nghiêm túc với chính phủ trung ương tại Baghdad, điều này đã được Mỹ giúp chuẩn bị những điều kiện rất thuận lợi", tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.

Vậy nhưng Nghị viện Kurdistan đã gạt sang một bên cảnh báo của Mỹ. Dư luận cho rằng với vai trò và tẩm ảnh hưởng, Mỹ hoàn toàn có thể can thiệp để KRG dừng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Erbil cũng sẽ thay đổi kế hoạch nếu Washington quyết liệt, nhưng người Mỹ lại không thể hiện sự dứt khoát của mình.

Giới phân tích cho rằng điều đó không có gì ngạc nhiên vì nó nằm trong chiến lược của Mỹ tạo cơ chế sử dụng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông. Do đó, những phản ứng của Washington thực ra không hướng tới việc ngăn cản hành động của người Kurd ở Iraq, mà chỉ mang tính chiếu lệ.

Washington xây dựng cơ cấu quyền lực xung đột, khiến người Kurd ở Iraq luôn phải hướng tới nền độc lập

Khi Toàn quyền Paul Bremer thực hiện chuyển giao chủ quyền cho người Iraq vào ngày 28.6.2004, người Mỹ đã xây dựng cho Iraq một bản Hiến pháp, trong đó hệ thống bầu cử đảm bảo ba sắc tộc chính ở Iraq đều có sự hiện diện trong cơ cấu quyền lực, mà đại diện người Kurd nắm giữ vị trí nguyên thủ quốc gia.

Tuy nhiên, điều đáng nói là thời hậu Saddam Hussein, đại diện người Kurd dù đã tham gia vào chính quyền trung ương tại Baghdad, song cơ chế tự trị của người Kurd tại bắc Iraq vẫn không hề thay đổi. Nghị viện, chính phủ Kurdistan vẫn tồn tại biệt lập với Quốc hội Iraq và chính phủ trung ương tại Baghdad.

Điều đó được nhận diện là Washington đã cố tạo ra một cơ cấu quyền lực xung đột tại Iraq mà trong đó tạo điều kiện cho người Kurd có được cơ chế quyền lực kép. Cơ chế đó khiến cho mâu thuẫn giữa lực lượng người Kurd với lực lượng Hồi giáo dòng Shiite luôn chi phối đời sống chính trị tại Iraq.

Khi IS tiến như vũ bão về Baghdad buộc chính phủ Iraq phải kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ thì đây được xem là thời cơ tốt nhất để Washington giúp người Kurd hướng tới nền độc lập, qua đó hiện thực hoá chiến lược mới của Mỹ tại Trung Đông bằng việc tạo điều kiện cho người Kurd tham gia chống IS.

Người Kurd đã tham gia cuộc chiến chống IS với điều kiện là khi chiến thắng IS thì giữa Baghdad và Erbil sẽ tiến hành thảo luận về cơ cấu lại quyền lực. Trước nguy cơ bị IS lật nhào, Baghdad đã chấp nhận điều kiện của Erbil. Vì vậy, khi đứng trước thắng lợi quyết định tại Mosul, KRG bắt đầu xúc tiến kế hoạch của mình.

Ngày 30.3, phát ngôn viên của KRG Safe Guard Dizayee cho biết: "Nguyên tắc đồng thuận là điều mà tất cả các phe phái tại Iraq đã đồng thuận vào năm 2003, nhưng nay nguyên tắc đó không còn giá trị nữa. Bây giờ luôn là thiểu số phục tùng đa số, khi người Kurd chỉ có 65 ghế, chúng tôi luôn là thiểu số".

Nhà chính trị của Kurdistan nhận định: "Erbil và Baghdad không thể làm việc cùng nhau được nữa. Người Kurd phải tìm kiếm một giải pháp cho sự ổn định của mình và cách duy nhất để có được điều đó thì Kurdistan phải là một thực thể chính trị độc lập với Iraq".

Tiếp theo, ngày 7.6, nhà lãnh đạo người Kurd Massoud Barzani đã “vui mừng thông báo cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập sẽ được tổ chức vào ngày 25.9.2017”. Cuộc trưng cầu sẽ diễn ra tại khu vực tranh chấp Kirkuk và 3 khu vực khác: Makhmour ở miền Bắc, Sinjar ở Tây Bắc, Khanaqin ở miền Đông.

Và ngày 15.9 thì Nghị viện Kurdistan thông qua kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý của chính phủ Kurdistan. Khi Erbil “ly hôn thân thiện” với Baghdad thì tình trạng vô định của Iraq thời hậu Saddam sẽ rơi vào vòng xoáy bất ổn mới, vốn chưa một ngày yên ổn kể từ khi người Mỹ trao trả lại cho người Iraq.

Vậy nhưng trong một động thái đặc biệt, Giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Mỹ Vincent Stewart lại cho rằng: "Độc lập cho người Kurd sẽ đi theo chiều hướng nào, chứ không phải có khả thi hay không. Do vậy cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd là rất quan trọng”, theo Reuters.

Điều đó chứng tỏ Washington đã và đang dần hiện thực hoá chiến lược mới của mình tại Trung Đông qua việc tạo điều kiện cho người Kurd ở Iraq từng bước phá vỡ cơ cấu quyền lực xung đột mà chính người Mỹ đã tạo ra cho Iraq.

Washington thể hiện sự mập mờ, tạo động lực cho người Kurd ở Syria phải hướng tới xây dựng cơ chế tự trị

Trong khi người Kurd ở Iraq chuẩn bị trưng cầu về nền độc lập thì người anh em của họ ở Syria cũng ráo riết xây dựng cho mình một cơ chế tự trị khi hoà bình tại Syria được tái lập và bàn cờ chính trị tại quốc gia Trung Đông này được sắp xếp lại.

“Cộng đồng người Kurd ở Syria đã xem xét phê duyệt kế hoạch chi tiết cho một hệ thống chính quyền ở miền bắc Syria. Các quan chức người Kurd tại Syria cho biết kế hoạch đi tìm một cơ chế tự trị của họ cũng chỉ như cách Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi sinh bang giao mà thôi”, Reuters bình luận.

Mục đích để có được cơ chế tự trị tại khu vực phía bắc Syria đã được cộng đồng người Kurd ở nước này theo đuổi kể từ khi bắt đầu bùng nổ cuộc nội chiến tại Syria vào năm 2011. Mặc dù vậy, giới lãnh đạo chính trị của người Kurd ở Syria cho biết một nhà nước độc lập không phải là mục tiêu theo đuổi của họ.

Bước đi đầu tiên trong kế hoạch chi tiết là cho ra đời một khế ước xã hội, được xem là đạo luật cơ bản có giá trị như bản Hiến pháp cho khu vực tự trị của người Kurd ở Syria. Điều này đã được Hội đồng lâm thời gồm 151 thành viên thông qua, theo bà Hadiya Yousef, Chủ tịch Hội đồng lâm thời cho biết.

"Chúng tôi thoả thuận và thông qua khế ước - nền tảng cho sự hình thành các tổ chức và hệ thống hành chính. Chúng tôi cũng chuẩn bị cho các cuộc bầu cử. Các cuộc bầu cử đầu tiên hướng tới thành lập chính quyền khu vực, sau đó bầu cử để thành lập chính quyền trung ương”, Reuters dẫn lời bà Yousef.

Các hội đồng và một Quốc hội lập hiến, những định chế chính trị căn bản cho quyền tự trị của người Kurd, sẽ gồm đại diện của tất cả các nhóm chính trị và tôn giáo trong khu vực. Cộng đồng người Kurd đã chuyển động đơn phương nhằm chuẩn bị vị thế cho mình khi giải pháp chính trị cho Syria được xác lập.

"Chúng tôi đã sẵn sàng để thương lượng trong bất kỳ hội nghị nào đề xuất các kế hoạch và tầm nhìn của chúng tôi cho một giải pháp ở Syria", ông Fawza Ahmad, một thành viên của Hội đồng lâm thời cho biết. Song người Kurd lại bị loại khỏi cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ.

Sau Hội nghị Geneva, vòng đàm phán thứ 8, ngày 15.7, chính Đại sứ Nga tại Thuỵ Sĩ Alexei Borodavkin đã đề xuất cần phải có đại diện của người Kurd tham gia hoà đàm về Syria vì “họ là công dân Syria, có vị thế chính trị và tiềm lực quân sự”.

Đại diện người Kurd cho rằng việc họ bị gạt khỏi các cơ chế đàm phán về tương lai chính trị cho Syria là không công bằng và đó cũng là lý do cộng đồng người Kurd ở Syria phải chủ động xây dựng những định chế chính trị căn bản cho quyền tự trị của mình.

Theo giới phân tích, đó chính là thâm ý của Washington trong việc không giúp đưa đại diện người Kurd tham gia vào tiến trình chính trị tại Syria, dù Mỹ là nguồn lực bảo trợ cho người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria cũng như đối trọng với chính quyền tại Damascus.

Động thái của Washington không những tạo động lực cho người Kurd chủ động xây dựng cơ chế tự trị, mà còn có thể tạo điều kiện cho người Kurd ở Syria thực hiện trưng cầu độc lập khi cuộc nội chiến kết thúc. Điều đó sẽ dễ dàng hơn khi người Kurd đứng ngoài tiến trình chính trị cho Syria hiện nay.

Rõ ràng, việc xây dựng cơ cấu quyền lực xung đột, giúp tạo ra cơ chế quyền lực kép cho người Kurd ở Iraq hay sự mập mờ trong hành xử với người Kurd ở Syria, là chủ đích của Washignton. Bởi đó là những cơ chế tốt nhất cho việc trưng cầu độc lập và tuyên bố chủ quyền cho người Kurd trong tương lai.

Những động của người Kurd ở Iraq và Syria trong việc nâng cao địa vị chính trị, là lời cảnh báo cho Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, do vậy cả Ankara và Tehran đều phản đối người Kurd ở Iraq trưng cầu độc lập cũng như phản đối cơ chế tự của người Kurd ở Syria.

Song có lẽ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Iran khó có thể ngăn cản được hiệu ứng độc lập - tự trị của người Kurd, bởi đây là khát vọng của người Kurd lại được cộng hưởng với sự trợ giúp của người Mỹ.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ chế của Mỹ giúp người Kurd ở Iraq và Syria tham gia bàn cờ chính trị tại Trung Đông