TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định quy mô kinh tế ngầm rất lớn và nếu quản lý được sẽ đóng vai trò rất lớn trong công cuộc bài trừ tham nhũng, chống rửa tiền, chống chảy máu ngoại tệ...

Chuyên gia ủng hộ đề án quản lý kinh tế ngầm của Chính phủ

16/01/2018, 13:14

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định quy mô kinh tế ngầm rất lớn và nếu quản lý được sẽ đóng vai trò rất lớn trong công cuộc bài trừ tham nhũng, chống rửa tiền, chống chảy máu ngoại tệ...

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quy mô kinh tế ngầm rơi vào khoảng 50% GDP - Ảnh VNF

Quy mô kinh tế ngầm rất lớn

Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu....

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), hoạt động kinh tế ngầm gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp và hoạt động phi pháp. Trong đó, hoạt động hợp pháp nhưng giấu diếm một cách có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế, đóng góp bảo hiểm xã hội, tránh phải thực hiện các quy định của Nhà nước về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện về sức khỏe của người lao động...; tránh phải thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như việc thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.

Còn hoạt động kinh tế phi pháp là các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm như sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm; các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện.

“Hai thành tố này rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin để tính toán. Vì vậy, trong quý I/2018, sau khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Thống kê hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện, sẽ từng bước tính toán đầy đủ hơn quy mô chỉ tiêu GDP trong những năm tới”, Tổng cục trưởng nói.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết quy mô của kinh tế ngầm rất lớn và các hoạt động kinh tế ngầm, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính hiện đang phát triển rất mạnh, nhưng hiện nay vẫn chưa được một nghiên cứu, thống kê cụ thể. Lý do là những hoạt động kinh tế này không công khai, minh bạch, rõ ràng để thống kê.

Theo chuyên gia này, tài sản có được từ tham nhũng, phạm pháp nếu muốn sử dụng một cách công khai, hợp pháp thì phải chạy qua thế giới ngầm để chuyển hóa thành những đồng tiền hợp pháp. Do đó, quản lý được kinh tế ngầm có vai trò rất lớn trong công cuộc bài trừ tham nhũng, chống rửa tiền...

Bỏ sót kinh tế hộ gia đình?

Cũng liên quan đến vấn đề trên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, ngoài kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, khu vực kinh tế chưa được quan sát còn gồm kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu (Economic activities undertaken by households for their own final use) bao gồm các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên trong hộ gia đình. Đó là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động tạo ra các sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình; hoạt động tự xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, ước tính dịch vụ nhà tự có, tự ở và tự tích lũy tài sản cố định khác; hoạt động giúp việc trong các hộ gia đình.

“Năm 2018, chúng tôi sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017”, ông Lâm cho biết.

Trao đổi với báo chí, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO - Trọng tài viên VIAC cho rằng có một dạng thành phần kinh tế khác, rất quan trọng nhưng lại chưa được nhận diện rõ ràng, cũng chưa từng được các nhà quản lý nhắc tới, đó chính là thành phần hộ kinh doanh. Loại hình này hiện có quy mô không hề nhỏ nhưng đang nằm ngoài các quy tắc quản lý chung, đặc biệt không tuân theo chuẩn mực kiểm soát nào cụ thể, ví dụ như luật Doanh nghiệp.

Theo ông Đức, trước đây loại hình này được tồn tại dưới dạng lai ghép giữa doanh nghiệp tư nhân với hộ gia đình. Từ khi có luật Doanh nghiệp, loại hình này được khuyến khích phát triển mạnh mẽ, gần như không có giới hạn nào. Cho tới bây giờ, mô hình kinh doanh hộ gia đình vẫn được khuyến khích phát triển mạnh và nhanh hơn nưa.

"Đây là sơ hở nghiêm trọng", ông nói. "Chính từ kẽ hở này mà các hoạt động phạm pháp, trốn thuế ngày càng diễn ra phức tạp hơn. Tình trạng trốn thuế, vi phạm ở loại hình kinh doanh này đang chiếm tỷ lệ cao nhất, trong khi cơ quan chức năng lại tỏ rõ sự bất lực, không thể kiểm soát được. Điển hình là trường hợp của Khaisilk, một hộ kinh doanh có thể trốn thuế cả tỉ đồng, thậm chí hàng nghìn tỉ mà không phát hiện được. Tôi cho rằng, tới đây muốn thống kê được kinh tế ngầm thì cũng cần phải liệt thành phần kinh doanh hộ gia đình vào diện quản lý theo đúng quy định của luật doanh nghiệp".

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia ủng hộ đề án quản lý kinh tế ngầm của Chính phủ