Việc đạt lợi nhuận cao là một yếu tố giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, qua đó tiết giảm chi phí lãi vay cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng ngày 9.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hệ thống ngân hàng tính toán để đồng loạt giảm lãi suất cho vay, chứ không chỉ ở một số ngân hàng "vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia”.
Một ngày sau đó, Agribank tuyên bố áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay, cụ thể: Lãi suất cho vay ngắn hạn từ mức 6,5%/năm còn tối đa 6%/năm; lãi suất cho vay trung/dài hạn từ 8% còn từ 7,5%/năm cho các khách hàng là đối tượng ưu tiên, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Vietcombank cũng ra thông báo đồng loạt giảm lãi suất cho vay ít nhất là 0,5%/năm so với trước đây kể từ ngày 15.1, áp dụng cho doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính sách này được áp dụng đều cho cả dư nợ cũ lẫn các khoản vay mới.
Tương tự, VietinBank mới đây cho biết sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay từ 5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ. Trong đó, mức lãi suất cho vay từ 5%/năm được áp dụng đối với khoản vay có thời hạn tối đa 1 tháng.
Ngày 11.1, đến lượt VPBank thông báo giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được ưu tiên như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, môi trường sẽ được giảm khoảng 0,5-1 điểm phần trăm.
BIDV thông báo từ ngày 15.1.2018 sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực, ngành nghề được Chính phủ ưu tiên, có tình hình tài chính minh bạch lành mạch… Các gói này có thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Theo phát biểu của một số chuyên gia trên báo chí, họ tính toán hiện tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế làhơn 5 triệu tỉ đồng. Nếu toàn hệ thống ngân hàng giảm 0,5%/năm thì riêng đợt giảm lãi suất lần này đã tiết giảm cho nền kinh tế khoảng 25.000 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD).
Việc đạt mức lợi nhuận lớn trong năm 2017 là một trong những yếu tố giúp các ngân hàng giảm lãi suất, qua đó tiết giảm chi phí lãi vay cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng có thể tăng hơn 40% và lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016. Chẳng hạn như Vietcombank đã công bố mức lợi nhuận năm 2017 đạt 10.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước đó.
Nợ xấu vẫn là rào cản lớn
Tuy nhiên, trả lời PLO, các chuyên gia tài chính cho rằng việc lợi nhuận của nhiều ngân hàng khá cao không có nghĩa các ngân hàng có nhiều dư địa để giảm lãi suất bởi nó không hẳn là nhờ tăng trưởng tín dụng hay tiết kiệm chi phí, mà chủ yếu là đến từ kế hoạch xử lý nợ xấu. Khi xử lý nợ xấu tốt thì quỹ trích lập dự phòng rủi ro sẽ chảy vào lợi nhuận của ngân hàng. Thêm vào đó, các quy định mà NHNN đang áp dụng theo xu hướng thắt chặt tín dụng cũng khiến ngân hàng gặp khó.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận định mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông, nợ xấu vẫn là rào cản rất lớn..., theo PLO.
Thi Anh