Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam cần phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát.

Chuyên gia hiến kế cho Việt Nam xây dựng một nền tài chính bền vững

Tuyết Nhung | 26/11/2022, 11:00

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam cần phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022, ông Arme Fraemk - Trưởng Hợp phần chương trình “Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh” của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã xử lý tốt trong phòng chống dịch, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định chính sách tài khóa, hoàn thành các mục tiêu chiến lược tài chính giai đoạn 2011-2020.

Mặc dù đại dịch đã được kiềm chế tốt trong năm qua, nhưng theo ông Arme Fraemk, tình hình kinh tế thế giới đang xấu đi, có tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa... Theo đại diện GIZ, cần phải chấp nhận các thực tế đó và phải tư duy lại tìm ra cách tiếp cận dài hạn để có thể triển khai các chiến lược thời gian tới tốt hơn. Đức cam kết mạnh mẽ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính Việt Nam thông qua chia sẻ hợp tác để phát triển nền tài chính bền vững.

fraemk.jpg
Ông Arme Fraemk - Trưởng Hợp phần chương trình “Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh” của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam

Trong khi đó, ông Werner Gruber - Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng phân cấp tài khóa là cần thiết để nâng cao hiệu suất hiệu quả và khả năng chống chịu của chính sách tài khóa; hiệu suất chi tiêu công, đầu tư công, huy động tốt hơn từ khu vực tư nhân.

Theo ông Werner Gruber, thời gian tới cần huy động các nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình để phân bổ hiệu quả nguồn lực cho phát triển; đánh giá các rủi ro về chính sách tài khóa.

TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2030 cần phải tiếp tục tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng cường sự bền vững nguồn lực cho ngân sách nhà nước cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện tổng thể cải cách hệ thống thuế, phí theo lộ trình đề ra...

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển và cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo hiểm và phát triển các dịch vụ tài chính. Hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thị trường phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; thúc đẩy việc xây dựng tài chính điện tử và hướng đến nền tài chính số...

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam và Lào - ông Francois Painchaud đã sơ lược về "bức tranh" toàn cảnh tình hình kinh tế, lạm phát tại nhiều nước trên thế giới và những ảnh hưởng tới Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia nêu việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại châu Âu, nhiều ngân hàng trung ương cũng áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều đáng lo ngại là lạm phát khu vực này đã tăng lên gấp đôi. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukrainer đã tác động làm tăng giá rất mạnh thời gian qua. Chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới châu Á về thương mại, du lịch...

"Các khó khăn đó, dự báo suy giảm tăng trưởng ở nhiều khu vực trên thế giới. Dự báo kinh tế thế giới sẽ giảm trong năm 2023", ông Francois Painchaud phân tích.

Những yếu tố đó sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Ông Francois Painchaud cho rằng Việt Nam đã phục hồi, kinh tế tăng trưởng mạnh sau đại dịch, thu ngân sách nhà nước tăng. Tuy nhiên sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang chậm lại, các đơn đặt hàng cũng đang giảm.

Ưu tiên ổn định thị trường tài chính

Kiến nghị chính sách cho Việt Nam thời gian tới, theo ông Francois Painchaud, Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp thận trọng, phối hợp và truyền thông để quản lý rủi ro. Chính sách tiền tệ phải tập trung ổn định giá và giảm áp lực lạm phát.

"Ổn định tài chính vẫn là mục tiêu phải ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Để duy trì đà tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần có nỗ lực, quyết tâm trong hành động đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm", ông Francois Painchaud nói.

Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng nhận xét nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua. Số thu ngân sách nhà nước của Việt Nam thực hiện đầy ấn tượng, tuy nhiên cần cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn. Đối với các chính sách thuế, bà Dorsati Madani cho rằng Chính phủ Việt Nam cần bao quát các nguồn thu, trong đó tính đến đánh thuế tài sản.

wb.jpg
Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới phát biểu

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên gợi mở khi cho rằng, thời điểm này chính là cơ hội lớn nhất cho Việt Nam xem lại để thay đổi, trong điều kiện bất thường thì dùng giải pháp khác thường để hoạch định chính sách.

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước thời gian qua trong bối cảnh trên thế giới hiện phát sinh nhiều yếu tố khó lường, lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước, cuộc chiến Nga - Ukraine và chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tân dự báo năm 2023 tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, chi phí vốn, chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ tăng lên; những tác động của biến đổi khí hậu… được nhận diện.

"Đến nay, chúng ta đã có những định hướng cụ thể cho 5 năm và 10 năm tới. Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Tuy nhiên, thời gian tới dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực hiện bội chi ngân sách nhà nước theo mục tiêu đề ra là áp lực lớn đối với Bộ Tài chính", ông Nguyễn Minh Tân nhận định.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước. Về thu ngân sách nhà nước, sẽ rà soát lại các chính sách thuế đảm bảo công khai, minh bạch, giảm bớt ưu đãi, tránh lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Về chi ngân sách, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách, tập trung chi cho an sinh xã hội và chi cho con người cũng như tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước, tập trung cho đầu tư công, khơi thông các nguồn lực cho phát triển nền kinh tế.

Bài liên quan
Bài toán tài chính cho việc khôi phục đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt
Thời gian qua, việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhưng tài chính sẽ là bài toán không dễ giải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia hiến kế cho Việt Nam xây dựng một nền tài chính bền vững