Thời gian qua, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã bộc lộ nhiều rủi ro, gây mất an toàn cho thị trường.

Bộ trưởng Tài chính: Sai phạm của cá nhân không đại diện cho toàn thị trường

Tuyết Nhung | 06/11/2022, 18:06

Thời gian qua, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã bộc lộ nhiều rủi ro, gây mất an toàn cho thị trường.

Trao đổi với báo chí về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực, thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đề ra.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Hiện nay, dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1,204 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP.

"Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP. Như vậy, chúng ta vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với các nước có thị trường vốn phát triển, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều duy trì ở mức cao và riêng trong khu vực Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều một số nước như: Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)…

Về chất lượng, đánh giá một cách khách quan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển khá tích cực trong những năm gần đây. Việt Nam cơ bản đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng, vì sự tăng trưởng nhanh, lại trong bối cảnh COVID-19 xảy ra, nên tốc độ phát triển về quy mô chưa tương xứng với chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thị trường này đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.

Dù đã có sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Trong quá trình đó, thị trường sẽ trải qua giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khởi nguồn từ “lượng” và chuyển dần sang tăng về “chất”. Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn.

"Tôi cho rằng, ở bất kỳ một thị trường nào, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thông qua khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm nghiêm minh thì quan trọng hơn hết vẫn là nhận thức, trách nhiệm và tính tuân thủ của các đối tượng tham gia thị trường.

Để khuyến khích kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tương đối thông thoáng hướng tới thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành vi của các chủ thể tham thị trường", Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.

Theo đó, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là niềm tin, là “chữ tình” với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát hành về nguyên tắc phải là chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về các đợt phát hành. Thống kê cho thấy, các ngân hàng đang nắm giữ tới 42% lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; kế đến là doanh nghiệp bất động sản với 29%.,,

Có thể thấy, hai nhóm chủ thể phát hành này đã chiếm tới 71% lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Khi các chủ thể phát hành tuân thủ pháp lý cao, đề cao tính minh bạch, công bố thông tin đầy đủ và giữ chữ tín với nhà đầu tư, thanh toán đầy đủ, đúng hạn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; nhà đầu tư hiểu biết pháp luật, cẩn trọng xem xét thị trường khi mua trái phiếu doanh nghiệp… thì chắc chắn chất lượng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được nâng lên.

Về nhà đầu tư tham gia, quy định pháp lý đã nêu rõ, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được phép tham gia đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, thực tế đã có thấy nhiều nhà đầu tư cố tình lách luật để mua trái phiếu doanh nghiệp, chỉ đề cao lãi suất cao mà phớt lờ việc đánh giá, thẩm định rủi ro trước khi mua. Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ chính là đối tượng cần được nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cũng như trang bị kiến thức,… để tham gia thị trường an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thực tế cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, cũng như chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán.

Người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định: "Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý sai phạm. Thời gian tới, chúng tôi đã có chỉ đạo các đơn vị có các biện pháp, giải pháp hiệu quả để tăng chất lượng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trung gian".

Bài liên quan
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 52% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 33 624 tỉ đồng. Điều này tạo ra áp lực trả nợ trong khi doanh nghiệp cần vốn phục hồi sau đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Tài chính: Sai phạm của cá nhân không đại diện cho toàn thị trường