Thời gian qua, việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhưng tài chính sẽ là bài toán không dễ giải.

Bài toán tài chính cho việc khôi phục đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt

Hồ Đông | 31/10/2022, 09:15

Thời gian qua, việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhưng tài chính sẽ là bài toán không dễ giải.

prdl.jpg

Tại Việt Nam đã từng có tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt, là một trong 2 cung đường sắt leo núi hiếm hoi trên thế giới chạy bằng đường răng cưa. Cùng với Pinlatus - Bahn tại Thụy Sĩ, tuyến tàu hỏa Phan Rang - Đà Lạt đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của ngành giao thông đường sắt thế giới.

Tuy nhiên, sau năm 1975, tuyến đường sắt này đã bị chấm dứt hoạt động, và tháo gỡ cách đây gần nửa thế kỷ, gây nhiều nuối tiếc cho du khách cũng như người dân bản địa.

Kiến trúc sư Emmanuel Livadiotti - Giám đốc Công ty TNHH MAP3, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn từ Tổng công ty Đường sắt Pháp, và Viện Thiết kế các công trình đường sắt Pháp, cho biết họ đã nghiên cứu, tìm hiểu kiến trúc các toa tàu cách đây 100 năm. "Từ đó, chúng tôi đưa ra các ý tưởng thiết kế không chỉ bảo tồn được những nét kiến trúc độc đáo mà còn tái hiện lịch sử đậm dấu ấn thời gian giúp khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến đường”, ông Livadiotti nói.

Tuy nhiên, vấn đề tài chính để khôi phục tuyến đường sắt này là bài toán không dễ giải.

Vào đầu tháng 7, Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Công ty Bạch Đằng lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt răng cưa Thàm Chàm - Đà Lạt theo hình thức PPP. Công ty Bạch Đằng đề xuất ra số tiền 27.000 tỉ đồng để phục hồi tuyến đường sắt răng cưa này.

Theo công ty, người Pháp trước đây xây tuyến đường sắt răng cưa với tổng chi phí khoảng 200 triệu franc Pháp, tương ứng hơn 23.000 tỉ đồng bây giờ. Việc khôi phục lại sẽ đòi hỏi những tốn kém không ít hơn con số này.

Với con số 27.000 tỉ đồng để xuất làm dự án, công ty dự kiến sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa, cũng có thể huy động từ các nguồn phi lợi nhuận ở nước ngoài. Số tiền này sẽ xây nhà ga, lập lại hành lang, mua lại các đầu máy xe lửa, toa tàu, cùng các chi phí xây dựng khác.

Trên báo Lao động, công ty thừa nhận nếu chỉ trông chờ thu tiền vé đơn thuần thì không thể hoàn vốn 27.000 tỉ. Nhưng nếu nhìn dài hạn, đường sắt răng cưa sẽ mang lại cho hai địa phương Ninh Thuận, Lâm Đồng lợi ích về kinh tế xã hội. Từ đó, các địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án và hoàn lại số vốn trong tương lai.

Về khâu kỹ thuật, việc tìm đầu tàu chạy bằng hơi nước và đường ray, tà vẹt như nguyên bản cũng là một bài toán. Vị đại diện Công ty Bạch Đằng cho biết họ đã kết nối với một tập đoàn bên Mỹ có khả năng khôi phục lại đầu máy xe lửa. Việc khôi phục này không phải nhất nhất là chạy bằng hơi mà có thể chạy bằng điện. Còn đường ray, tà vẹt, nhà ga nguyên bản thì công ty có thể tự xoay xở.

Nếu phục hồi lại thì tuyến đường này sẽ gây thu hút lớn. Trước hết, tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt hội tụ cả 3 yếu tố làm nên sự thu hút của các tuyến đường sắt nổi tiếng trên thế giới: Đó là được xây trên địa thế mạo hiểm, điều kiện kỹ thuật cực khó và có phong cảnh ấn tượng.

Ngoài ra, hành lang du lịch Đà Lạt - Phan Rang thời gian qua có lượng khách ổn định và không ngừng tăng trưởng bình quân 11 - 15%/năm (theo CBRE) ở thời điểm không dịch bệnh. Năm 2019, Đà Lạt thu hút gần 7 triệu lượt du khách (khách quốc tế hơn 14%) trong khi Ninh Thuận đón 2,35 triệu lượt khách.

Cả Ninh Thuận và Lâm Đồng đều rất háo hức với dự án này và coi đó như đòn bẩy với du lịch địa phương.  Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng cho biết đây là dự án mà tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng rất mong chờ để có thêm một phương thức vận chuyển mới, trong đó với đặc thù là loại hình đường sắt răng cưa sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch của Lâm Đồng - Ninh Thuận. Vùng núi và biển, biển và hoa sẽ được kết nối gần hơn. Qua đó, giảm tải áp lực trong vận chuyển hàng hóa khi quá tải đường bộ. Mặt khác, khi dự án thi công hoàn thành còn tạo sự phong phú cho hệ thống giao thông Việt Nam nói chung và Lâm Đồng - Ninh Thuận nói riêng.

Dự kiến tuyến đường sắt này từ TP.Phan Rang-Tháp Chàm lên Đà Lạt gồm 17 nhà ga và trạm khách. Khôi phục 12 ga cũ gồm cả ga Tháp Chàm, bổ sung mới 2 ga và 3 trạm khách. Bên cạnh đó, còn xây dựng mới 64 cầu, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Tân Mỹ và cầu Đơn Dương. Ngoài ra còn xây dựng các cầu vượt, đường ngang, đường gom. Cải tạo sửa chữa 5 hầm với tổng chiều dài 1.094,59m. Riêng lắp đặt đường ray răng cưa với tổng chiều dài khoảng 16km. 

Dự kiến, đến năm 2024 sẽ thực hiện xong tiến độ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, chấp thuận chủ trương; từ năm 2024-2029 triển khai thi công và đến cuối năm 2030, đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán tài chính cho việc khôi phục đường sắt răng cưa Phan Rang - Đà Lạt