Lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền ở nhiệm kỳ đầu tiên, ChatGPT còn chưa ra mắt. Giờ đây khi ông chuẩn bị quay lại Nhà Trắng, tình hình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi chóng mặt.
Khoa học - công nghệ

Chiến thắng của ông Trump sẽ tác động mạnh đến AI

Cẩm Bình 15/11/2024 11:46

Lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền ở nhiệm kỳ đầu tiên, ChatGPT còn chưa ra mắt. Giờ đây khi ông chuẩn bị quay lại Nhà Trắng, tình hình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi chóng mặt.

Các hệ thống AI phát triển nhanh đến mức giám đốc điều hành một số công ty công nghệ như Dario Amodei (Anthropic) hay Elon Musk (Tesla) tin rằng trí tuệ nhân tạo có thể thông minh hơn con người vào năm 2026. Nhiều nhân vật khác trong ngành như giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman không đưa ra mốc thời gian cụ thể như vậy nhưng cũng có cùng quan điểm. Tiến bộ thần tốc của AI chắc chắn tác động sâu sắc đến an ninh quốc gia, kinh tế lẫn cán cân quyền lực toàn cầu.

Loạt tuyên bố về AI của Tổng thống Trump thường thể hiện rõ tâm lý lo lắng. Trong một podcast tháng 6, ông mô tả trí tuệ nhân tạo là “siêu sức mạnh” sở hữu năng lực đáng báo động. Chính trị gia đảng Cộng hòa cũng nhìn nhận công nghệ qua lăng kính cạnh tranh với Trung Quốc, xem quốc gia châu Á này như “mối đe dọa chính” trong cuộc đua phát triển AI tiên tiến.

Các đồng minh chính trị thân cận cũng khá chia rẽ. Tỷ phú Musk nhiều lần bày tỏ quan ngại về rủi ro hiện hữu của AI, trong khi Phó tổng thống đắc cử J.D. Vance đánh giá lời cảnh báo AI nguy hiểm là thủ đoạn để thúc đẩy quy định củng cố vị thế dẫn đầu ngành của một số công ty công nghệ.

2024-11-14-193913.png

Phá bỏ di sản AI của người tiền nhiệm

Động thái chính sách AI lớn đầu tiên mà Tổng thống Trump có thể thực hiện là bãi bỏ sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden. Sắc lệnh được ký ban hành vào tháng 10.2023 nhằm giải quyết mối đe dọa tiềm tàng mà công nghệ đem lại với quyền công dân, quyền riêng tư và an ninh quốc gia, đồng thời thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh và ứng dụng AI vào dịch vụ công.

Cuối năm ngoái Tổng thống Trump cam kết bãi bỏ sắc lệnh, lập trường này được tái khẳng định qua cương lĩnh đảng Cộng hòa tháng 7 năm nay. Họ chỉ trích sắc lệnh cản trở sự đổi mới cũng như áp đặt “ý tưởng cực đoan cánh tả” với sự phát triển của AI.

Nhà nghiên cứu Dan Hendrycks (Trung tâm An toàn AI) nhận định Tổng thống Trump sẽ ban hành một sắc lệnh khác duy trì hoặc mở rộng một số điều khoản cốt lõi về an ninh quốc gia trong sắc lệnh của người tiền nhiệm, dựa trên đánh giá của Bộ An ninh nội địa Mỹ về rủi ro an ninh mạng, rủi ro sinh học lẫn rủi ro phóng xạ từ trí tuệ nhân tạo.

Số phận của Viện An toàn AI (AISI) - tổ chức được chính quyền đương nhiệm thành lập vào tháng 11.2023 để dẫn dắt nỗ lực nhà nước trong đảm bảo an toàn AI - cũng trở nên mờ mịt. Tháng 8 năm nay họ mới cùng OpenAI và Anthropic ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu an toàn AI, thử nghiệm - đánh giá các mô hình ngôn ngữ lớn mới.

Cho rằng AISI không nhất định phù hợp với chương trình nghị sự công nghệ và AI dưới thời chính quyền mới, tuy nhiên giảng viên Keegan McBride (Viện Internet Oxford) nhấn mạnh đa số đảng viên Cộng hòa đều ủng hộ viện này do họ xem đây như sự mở rộng vai trò lãnh đạo của nhà nước trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nỗ lực bảo vệ AISI đã được triển khai. Tháng trước hàng loạt công ty, trường đại học, nhóm xã hội dân sự cùng ký thư kêu gọi giới nghị sĩ Mỹ khẩn trương xây dựng cơ sở pháp lý cho viện này. Chuyên gia chính sách Hamza Chaudhry (tổ chức phi lợi nhuận Future of Life) cho biết cả thượng viện lẫn hạ viện đều đang gấp rút hành động.

Cuộc đua phát triển AI với Trung Quốc

Dù mang tâm lý lo lắng với AI, Tổng thống Trump vẫn khẳng định Mỹ phải đi đầu trong phát triển trí tuệ nhân tạo. Ông còn nhận định quan ngại về môi trường là trở ngại tiềm tàng cản trở đất nước cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Dean Ball (Đại học George Mason) tin rằng chính trị gia đảng Cộng hòa sẽ cắt giam bớt quy định nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết như trung tâm dữ liệu, nhà máy điện, cơ sở sản xuất chip. Khả năng Đạo luật CHIPS - cấp ưu đãi cho đơn vị sản xuất chip tại Mỹ - bị bãi bỏ cũng không cao.

Loạt hạn chế xuất khẩu chip chắc chắn tiếp tục đóng vai trò đòn bẩy quan trọng trong chính sách AI của Mỹ.

Nhà kinh tế Samuel Hammond (Tổ chức Đổi mới Mỹ) nhận định Tổng thống Trump không ghét Trung Quốc như nhiều người vẫn nghĩ, mà ông thường áp dụng cách tiếp cận “giao dịch” trong quan hệ quốc tế. Năm 2018 chính trị gia đảng Cộng hòa từng đồng ý dỡ bỏ hạn chế với hãng điện thoại ZTE đổi lấy 1,3 tỉ USD tiền đóng phạt cùng quyết định chấp nhận bị tăng cường giám sát. Học giả Scott Singer (Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế) cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ dùng lại cách cũ với AI.

Chia rẽ về AI

Lực lượng ủng hộ Tổng thống Trump có quan điểm khá chia rẽ. Phó tổng thống Vance chủ trương nới lỏng quy định với trí tuệ nhân tạo. Tỷ phú Musk lại cảnh báo có đến 10 - 20% khả năng AI trở nên “xấu xa”.

Tổng thống Trump từng thừa nhận một số rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến AI. Ông quan ngại hình ảnh giả mạo (deepfake) một vị tổng thống Mỹ nào đó đe dọa tấn công hạt nhân khiến quốc gia khác phản ứng dẫn đến chiến tranh, hay một hệ thống AI phát triển đến mức có thể “chế ngự nhân loại”. Nhưng đối với ông đi trước Trung Quốc về công nghệ mới là ưu tiên hàng đầu.

Theo nhà nghiên cứu Hendrycks, đi trước Trung Quốc và kiểm soát AI không nhất thiết mâu thuẫn nhau. Siết chặt quy định quản lý nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo không nhất thiết là để Trung Quốc vượt qua. Chuyên gia Chaudhry cho rằng quan điểm của Tổng thống Trump và đội ngũ dưới quyền hiện vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng.

Bài liên quan
Lựa chọn nhân sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến Kyiv lo ngại
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố các đề cử nội các như Matt Gaetz làm Bộ trưởng Tư pháp, Tulsi Gabbard làm Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia đã thổi bùng lên mối lo ngại từ Kyiv về khả năng hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình cụ thể về chính sách đột phá tiền lương giáo viên
2 giờ trước Giáo dục
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến thắng của ông Trump sẽ tác động mạnh đến AI