Sau chuyến bay liên thành phố vào tháng 6 năm ngoái, chiếc ô tô bay AirCar của Klein Vision hiện đã được Cơ quan Giao thông Slovakia cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.

Chiếc ô tô bay AirCar của Klein Vision được cấp phép hoạt động

Long Hải | 26/01/2022, 11:35

Sau chuyến bay liên thành phố vào tháng 6 năm ngoái, chiếc ô tô bay AirCar của Klein Vision hiện đã được Cơ quan Giao thông Slovakia cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay.

aircar2.jpg
Nguyên mẫu xe bay AirCar đang hoạt động với động cơ của BMW - Ảnh: Klein Vision

Vào năm 2016, giáo sư Stefan Klein đã rời công ty vận tải hàng không Aeromobil của Slovakia để bắt đầu phát triển chiếc ô tô bay của riêng mình. Kể từ đó, một đội gồm 8 người đã trải qua khoảng 100.000 giờ làm việc để đưa các bản vẽ thiết kế vào mô hình máy tính và chuyển thành các nguyên mẫu hoạt động được.

AirCar hiện đã trải qua hơn 70 giờ bay thử nghiệm theo các tiêu chuẩn của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA), bao gồm 200 lần cất cánh và hạ cánh trên các chuyến bay xuyên quốc gia nhằm xin cấp phép.

René Molnár, Giám đốc Bộ phận Hàng không dân dụng của Cơ quan Giao thông Slovakia, cho biết: “Cơ quan giao thông đã theo dõi cẩn thận tất cả các giai đoạn phát triển AirCar kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động vào năm 2017. An toàn giao thông là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. AirCar kết hợp những cải tiến mạnh mẽ với các biện pháp an toàn phù hợp với tiêu chuẩn EASA. Phương tiện sẽ mở đường cho một hạng mục mới kết hợp xe thể thao và máy bay với độ tin cậy cao”.

Người đồng sáng lập của công ty, Anton Zajac, nói: “Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay là chứng chỉ chính thức được cấp tuân thủ tất cả các quy định của EASA cho các quốc gia thành viên. Do đó, Aircar có thể bay đến Vương quốc Anh và chúng tôi có kế hoạch bay đến London từ Paris trong tương lai gần”.

Trông giống như một chiếc xe đua LeMans, nguyên mẫu AirCar hai chỗ ngồi trang bị động cơ BMW 4 xylanh 1,6 lít 140 mã lực, truyền động cho cả cánh quạt cố định khi bay và các bánh xe khi chạy trên đường. AirCar có tốc độ cất cánh 115 km/h, tốc độ bay 180 km/h tại 2.800 vòng/phút và có khả năng đạt tốc độ chạy trên đường là hơn 160 km/h.

Chỉ với một nút bấm, chiếc xe sẽ chuyển từ chế độ máy bay sang chế độ đường bộ trong khoảng hai phút. Phương tiện tự động gấp các cánh và nâng chúng lên trước khi cất chúng vào bên trong thân xe bằng vật liệu tổng hợp và thu lại phần đuôi.

“Chứng nhận AirCar mở ra cánh cửa cho việc sản xuất hàng loạt những chiếc ô tô bay rất hiệu quả. Đó là xác nhận chính thức và cuối cùng về khả năng của chúng tôi trong việc thay đổi hành trình di chuyển trong tương lai”, giáo sư Stefan Klein - người đứng sau quá trình thiết kế và phát triển AirCar, đồng thời là phi công thử nghiệm chiếc ô tô bay, cho biết.

Klein Vision hiện đang thử nghiệm một động cơ nhẹ nhưng mạnh mẽ từ công ty Adept Airmotive. Động cơ được thiết kế để cung cấp năng lượng cho một chiếc AirCar liền khối mới với chân chống biến thiên, dự kiến ​​“đạt tốc độ trên 300 km/h và phạm vi hoạt động 1.000 km”. Công ty dự định xin cấp phép cho phiên bản sản xuất này trong vòng 12 tháng tới.

AirCar không phải là chiếc ô tô bay duy nhất đang được phát triển. Các phương tiện khác bao gồm mẫu ô tô bay Liberty của công ty PAL-V có trụ sở tại Hà Lan.

Về mặt kỹ thuật, Liberty là một chiếc máy bay gyroplane (có thể ổn định nhờ cảm biến con quay hồi chuyển) và giống máy bay trực thăng hơn là máy bay phản lực. Tuy nhiên, khác với máy bay trực thăng, Liberty không thể cất cánh hay hạ cánh theo phương thẳng đứng mà cần phải chạy đà.

Theo trang web của công ty Hà Lan, chiếc xe Liberty đã được cấp đầy đủ cơ sở chứng nhận, nhưng vẫn chưa hoàn thành giai đoạn “trình diễn tuân thủ” cuối cùng.

Tương tự, công ty Terrafugia có trụ sở tại Mỹ đã nhận được Giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng máy bay thể thao hạng nhẹ đặc biệt (LSA) của FAA cho Transition. Phương tiện này cho phép người dùng lái và bay - theo một thông cáo báo chí vào tháng 1 năm ngoái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếc ô tô bay AirCar của Klein Vision được cấp phép hoạt động