Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết trong năm 2019, các quốc gia trên thế giới đã đầu tư hơn 1,9 nghìn tỉ USD cho quân đội nước mình - tăng 3,6% so với năm ngoái, mức tăng cao nhất từ năm 2010 đến nay.
“Góp công” lớn nhất là Mỹ: 732 tỉ USD (tăng 5,3%) - chiếm 38% tổng chi tiêu toàn cầu. Đây là năm thứ hai chi tiêu quân sự Mỹ tăng (sau 7 năm suy giảm).
Đặc biệt, 2019 đánh dấu lần đầu tiên hai quốc gia châu Á nằm trong số 3 nước chi tiêu nhiều nhất thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ bỏ ra 261 tỉ USD (tăng 5,1%) và 71,1 tỉ USD (tăng 6,8%).
Nhà nghiên cứu SIPRI Điền Nam đánh giá mức đầu tư cao phản ánh tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp thế giới của Trung Quốc. Và Trung Quốc thúc đẩy Ấn Độ nâng cao năng lực quốc phòng.
“Thế cạnh tranh cùng căng thẳng với Pakistan, Trung Quốc là một trong những động lực chính khiến Ấn Độ chi mạnh tay”, nhà nghiên cứu SIPRI Siemon Wezeman lý giải.
5 quốc gia chi tiêu nhiều nhất - tính thêm cả Nga, Ả Rập Saudi - chiếm hơn 60% tổng chi tiêu toàn cầu.
Một quốc gia đáng chú ý khác là Đức. Cường quốc châu Âu này năm 2019 đầu tư 49,3 tỉ USD - tăng 10%, mức tăng cao nhất trong số 15 quốc gia chi tiêu hàng đầu.
Theo nhà nghiên cứu Điền Nam, xu hướng tăng chi tiêu quân sự vài năm gần đây có thể bị đảo ngược do đại dịch COVID-19. Ông lập luận rằng khi thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái thì chính phủ các nước phải cân nhắc đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực khác như y tế hay giáo dục.
Nhưng kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy suy giảm chi tiêu quân sự không kéo dài. Nhà nghiên cứu Điền dự đoán xu hướng giảm chỉ tồn tại 1 - 3 năm.
Cẩm Bình (theo SCMP, SIPRI)