Lệnh kiểm soát đi lại (MCO) do chính quyền Malaysia ban hành quy định chợ tươi sống cùng hàng quán bày bán bên đường đều phải đóng cửa, vì vậy mà nhu cầu sản phẩm tươi sống sụt giảm.

Cú sốc COVID-19 với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu

22/04/2020, 16:03

Lệnh kiểm soát đi lại (MCO) do chính quyền Malaysia ban hành quy định chợ tươi sống cùng hàng quán bày bán bên đường đều phải đóng cửa, vì vậy mà nhu cầu sản phẩm tươi sống sụt giảm.

Nông sản bị đổ đi tại Cộng hòa Dominica - Ảnh: Reuters

Tổng số đơn đặt hàng dưa hấu của nông dân trồng trái cây Toh Lee Chew mất gần 50 - 70%. Không thể tìm được đầu ra, ông để dưa thối rữa trên đồng. Người anh em Toh Lee Bing - giúp đưa hàng đến chợ và chủ quầy - sau khi quyên góp cho tổ chức từ thiện cũng phải vứt đi 3 - 4 tấn trái cây.

Vấn đề dư thừa càng trầm trọng kể từ lúc Singapore áp dụng chính sách “cắt cầu dao” (circuit breaker) với nhiều giới hạn mới nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới vào đầu tháng 4. Số xe tải chở trái cây từ trang trại nhà Toh sang nước láng giềng giảm từ 3 xuống còn 1 - 2 chuyến/tuần.

Như ông Toh Lee Chew, nông dân Alvin Lo quyên góp trái cây mình trồng cho tổ chức từ thiện, đội ngũ nhân viên ở tuyến đầu chống dịch, vườn thú.

Ông Toh Lee Bing phải vứt bỏ hàng tấn trái cây - Ảnh: Toh Lee Bing

Nông dân trồng rau cũng chịu cảnh tương tự. Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông dân trồng rau Malaysia Tan So Tio thì trong hai tuần đầu thực thi MCO, hàng trăm tấn rau tươi đã bị vứt bỏ. Không những vậy, lượng rau cung cấp cho Singapore theo tuyến vận chuyển Causeway vì chính sách “cầu dao” mà giảm từ 600 tấn xuống 400 tấn/ngày.

Đây là tình hình chung. Tờ The New York Times đưa tin nông dân Mỹ đổ đi hàng nghìn lít sữa, chôn hơn 500.000 kg hành tây, hay thậm chí đập vỡ 750.000 quả trứng mỗi tuần. Còn hãng Reuters cho biết nông dân Ấn Độ ném nho tươi vào bể ủ phân hoặc đem dâu tây cho gia súc ăn.

Tại Ấn Độ, dâu tây vốn bán cho khách du lịch nay cho bò ăn - Ảnh: Reuters

Thách thức mùa dịch bệnh

Hình ảnh sản phẩm nông nghiệp thừa mứa trái ngược hoàn toàn với cảnh những kệ hàng trống trơn và hàng dài người mua đồ tích trữ trong siêu thị. Mất kết nối cung cầu là kết quả của tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn bởi COVID-19. Hiện nay, hàng loạt quốc gia đã áp đặt phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan: Nông dân không thể ra đồng, xe tải không thể vận chuyển thực phẩm ra chợ, máy bay cũng không thể cất cánh.

Theo khảo sát do công ty tư vấn PwC thực hiện, gián đoạn nguồn cung cùng hạn chế về lao động là hai thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp thực phẩm nội khối ASEAN phải đối mặt.

“Hệ thống thực phẩm khu vực mang tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Cần thừa nhận rằng bất cứ mắc xích nào gặp vấn đề đều sẽ đem lại tác động không lường trước được”, PwC đánh giá.

Tại Singapore, gián đoạn nguồn cung làm giá cả tăng vọt. Vài mặt hàng như trứng, hành, khoai tây đội giá lên 40 - 50%. Để giúp đỡ người tiêu dùng, chuỗi siêu thị lớn NTUC FairPrice tung ra chương trình bình ổn giá 100 sản phẩm (trong đó có gạo, dầu ăn, thịt gia cầm, giấy vệ sinh,…).

Dù nhu cầu mua tích trữ tại siêu thị tăng mạnh, nhưng nhu cầu từ nhà hàng, khách sạn và nhiều dịch vụ ăn uống khác lại giảm - Ảnh: Today Online

Rất may là Trung Quốc gần đây bắt đầu nới lỏng các hạn chế cũng như dỡ bỏ phong tỏa cho thành phố Vũ Hán vì đã kiểm soát được COVID-19. Giáo sư Paul Teng thuộc Trung tâm nghiên cứu An ninh phi truyền thống Học viện quan hệ quốc tế S. Rajaratnam nhận định việc các quốc gia khác nhau ở giai đoạn dịch bệnh khác nhau đem lại cơ hội cho Singapore tìm đến nhiều nguồn cung thực phẩm. Tuy nhiên tìm đến Trung Quốc thời điểm này sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt quốc gia khác.

Lao động ở nhà do lệnh hạn chế đi lại lẫn nỗi sợ nhiễm COVID-19 cũng đem lại rắc rối, khiến trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm không thể đạt 100% năng lực sản xuất.

Tại Mỹ, một số nhà máy đóng gói thịt ngừng hoạt động sau khi có công nhân mắc bệnh. Gần hơn là các trang trại ở Thái Lan, Myanmar nhiều khả năng chịu ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa của chính quyền sở tại. Trồng trọt - thu hoạch chậm do thiếu lao động ảnh hưởng năng suất, năng suất thấp ảnh hưởng tổng lượng cung.

Nếu dịch kéo dài

Giáo sư Teng khuyến cáo, mọi chuyện phụ thuộc vào thời gian dịch bệnh kéo dài lẫn thời gian giới chức các nước duy trì hạn chế. Ông đề xuất tăng cường khả năng chế biến thực phẩm dễ hỏng để giữ lâu hơn: sữa tươi có thể làm thành sữa bột xuất khẩu, quả việt quất thành mứt việt quất. Phương án chế biến hơi khó khăn với vùng nông thôn thiếu thốn trang thiết bị.

Trong khi đó, giám đốc điều hành NTUC FairPrice Seah Kian Peng nêu ra giải pháp mở rộng nguồn cung trong nước.

Cẩm Bình (theo Channel News Asia)

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cú sốc COVID-19 với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu